Ứng xử đúng để tránh bạo lực khi tham gia giao thông
Thực hành kỹ thuật quản lý căng thẳng, giảm thiểu tư duy đối đầu, chủ động tránh các hành vi khiêu khích, tìm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng là các giải pháp chuyên gia đưa ra nhằm ứng xử đúng để tránh bạo lực khi tham gia giao thông.
Tình trạng bạo lực khi tham gia giao thông là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt ở các đô thị lớn với mật độ giao thông dày đặc như Hà Nội, TP.HCM. Bạo lực khi tham gia giao thông không chỉ là những vụ xô xát, ẩu đả mà còn bao gồm các hành vi thô bạo, côn đồ và cách phản ứng quá mức đối với những tình huống giao thông bình thường.
Mới đây, sáng 9-12, MXH dậy sóng khi chứng kiến một người đàn ông đánh dã man cô gái 23 tuổi sau va quẹt giao thông tại quận 4, TP.HCM. Cụ thể sau khi xảy ra va chạm, người đàn ông này tung ra những nắm đấm, cú đá liên tiếp vào vị trí nguy hiểm đối với nạn nhân như mặt, vùng đỉnh đầu,... Ngay sau đó, đối tượng đã bị cơ quan chức năng bắt khẩn cấp và xử lý theo quy định pháp luật. Đây cũng là hồi chuông tiếp tục cảnh báo tình trạng bạo lực khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân.
Có thể thấy trong trường hợp xảy ra va chạm giao thông nhẹ, nếu bình tĩnh giải quyết thì chỉ dừng ở mức bắt tay giảng hòa hoặc bồi thường bằng tiền, tránh liên đới pháp lý.
“Trái tim nóng, cái đầu lạnh”
Trái ngược với hình ảnh bạo lực giao thông sau va chạm, mới đây MXH lan truyền clip ghi lại cảnh bé trai cúi đầu xin lỗi sau khi suýt va chạm giao thông. Cụ thể, lúc 13 giờ 46 ngày 7-12, một bé trai khoảng 10 tuổi chạy xe điện trên đường Nguyễn Công Hoan, quận Phú Nhuận (TP.HCM) do không chú ý quan sát nên suýt va chạm với ô tô đang lưu thông cùng chiều. Bé trai nhanh chóng cúi đầu 2 lần bày tỏ xin lỗi tài xế. Hành động của cậu bé nhận được nhiều sự tán dương của cộng đồng mạng.
Anh Hoàng Công Chức, tài xế lái xe công nghệ chia sẻ trong một lần đi đón khách, do áp lực thời gian nên anh hơi vội, sau đó xảy ra va quẹt với một chiếc xe máy đi ngược chiều. Mặc dù không có ai bị thương nghiêm trọng nhưng sự việc khiến không khí căng thẳng, cả hai bên cảm thấy bực bội và muốn phản ứng ngay. Tuy nhiên, anh đã cố giữ bình tĩnh, không tranh cãi hay có lời lẽ kích động.
“Trước tiên, tôi bước ra khỏi xe kiểm tra tình trạng của người lái xe kia và phương tiện của mình. Sau khi xác nhận không ai bị thương, tôi bày tỏ mong muốn cả hai cùng giải quyết vấn đề một cách hòa nhã. Tôi chủ động xin lỗi vì sự bất cẩn và đề nghị hỗ trợ chi phí khám bệnh, thuốc thang” – anh Chức kể.
Anh Chức cũng cho biết ban đầu người đi xe máy không hài lòng, nhưng khi thấy thái độ ôn hòa và thiện chí của anh đã đồng ý giải quyết êm đẹp, tránh xảy ra tranh cãi hay bạo lực không cần thiết.
“Tình huống này khiến tôi nhận ra rằng đôi khi "dĩ hòa vi quý" chính là cách tốt nhất để giữ gìn sự bình yên, tránh gây thêm mâu thuẫn, đặc biệt trong các tình huống giao thông vì va chạm là điều không ai muốn” – anh Chức nói.
Cách ứng xử đúng để tránh ẩu đả
TS Đào Lê Hòa An, Ủy viên BCH Trung ương Hội Tâm lý Việt Nam cho biết các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bạo lực khi tham gia giao thông không chỉ là hành vi cá nhân mà còn là kết quả của nhiều yếu tố tâm lý, xã hội và môi trường.
Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bạo lực giao thông là một vấn đề toàn cầu, đặc biệt phổ biến tại các quốc gia đang phát triển, nơi mật độ giao thông cao và ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế.
Theo TS An, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đầu tiên là áp lực và căng thẳng giao thông. Một nghiên cứu của Đại học Texas (2015) về hành vi lái xe cho thấy căng thẳng khi lái xe có liên quan chặt chẽ đến hành vi gây hấn, bao gồm cử chỉ thô lỗ, la hét, và thậm chí bạo lực. Giao thông đông đúc và thời gian chờ đợi dài trên đường là yếu tố góp phần chính làm tăng mức độ căng thẳng của tài xế.
Thứ hai, do thiếu kiểm soát cảm xúc, những cá nhân có khả năng kiểm soát cảm xúc kém dễ có xu hướng hành xử bạo lực hơn trong những tình huống xung đột giao thông. Điều này cũng liên quan đến sự gia tăng hormone adrenaline khi xảy ra xung đột, dẫn đến phản ứng thái quá.
Thứ ba, do tâm lý “quyền lực” khi lái xe. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ (APA) cho thấy một số người xem chiếc xe như phần mở rộng của bản thân, nên bất kỳ va chạm nào cũng bị coi là sự xúc phạm cá nhân. Điều này dễ khiến tài xế phản ứng mạnh mẽ và mất kiểm soát.
Cuối cùng, mức độ ý thức thấp trong cộng đồng và văn hóa giao thông không an toàn là nguyên nhân chính khiến xung đột dễ leo thang thành bạo lực. Tại Việt Nam, sự phổ biến của thói quen “đổ lỗi” thay vì bình tĩnh giải quyết càng làm vấn đề nghiêm trọng hơn.
TS An cũng chia sẻ về các chiến lược giữ bình tĩnh đã được nghiên cứu rộng rãi và có thể áp dụng trong tình huống va chạm giao thông như thực hành kỹ thuật quản lý căng thẳng bằng cách hít thở sâu và thực hành kỹ thuật thả lỏng cơ bắp (progressive muscle relaxation) có thể làm giảm mức độ căng thẳng ngay lập tức trong các tình huống áp lực cao như va chạm giao thông.
Bên cạnh đó, giảm thiểu tư duy đối đầu, tài xế nên áp dụng kỹ thuật tư duy đồng cảm, tức đặt mình vào vị trí người khác để giảm thiểu cảm giác giận dữ. Ví dụ, thay vì tức giận vì bị va chạm, hãy nghĩ rằng người kia có thể đang gặp vấn đề cá nhân nghiêm trọng.
Đồng thời chủ động tránh các hành vi khiêu khích, tài xế nên hạn chế sử dụng cử chỉ hoặc ngôn từ có thể kích động xung đột, ngay cả khi họ không phải là người gây ra lỗi.
“Ngoài ra, sự hiện diện của lực lượng chức năng có tác dụng tích cực trong việc giảm thiểu các tình huống leo thang bạo lực, đặc biệt ở những khu vực đông đúc” – TS An nhấn mạnh.
Có thể thấy, bạo lực khi tham gia giao thông không chỉ xuất phát từ ý thức kém, mà còn là hệ quả của căng thẳng tâm lý, văn hóa ứng xử hạn chế và sự thiếu can thiệp kịp thời từ lực lượng chức năng. Giải pháp cần tập trung vào việc nâng cao văn hóa giao thông, ứng dụng công nghệ giám sát, tăng cường giáo dục ý thức và đảm bảo sự can thiệp nhanh chóng của cơ quan chức năng để hạn chế tình trạng leo thang bạo lực.
Cái “tôi” cao dẫn đến ẩu đả sau va chạm giao thông
Dưới góc độ tâm lý, Người bị va chạm, người gây va chạm, hoặc cả hai bên cùng va chạm đều có xu hướng đặt cái tôi cá nhân lên hàng đầu. Cái tôi này có thể liên quan đến vật chất, thời gian, hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe. Do đó, họ thường coi trọng bản thân hơn người đối diện. Xuất phát từ quan điểm cá nhân này, họ sẽ tìm mọi cách để giải quyết vấn đề: yêu cầu bồi thường, tấn công đối phương, áp đảo bằng sức mạnh hoặc lý lẽ để giành phần thắng. Do đó, cần kiểm soát cái “tôi” để không dẫn đến các hành vi thái quá.
Đồng thời, giáo dục Luật Giao thông cần đi đôi với việc nâng cao nhận thức về văn hóa và thái độ ứng xử trong giao thông. Hai yếu tố này không thể tách rời, bởi chỉ khi người dân vừa hiểu luật vừa biết cách hành xử văn minh, môi trường giao thông mới thực sự an toàn và văn minh.
Ông Phạm Anh Tuấn, Hội thẩm nhân dân, Tòa án Nhân dân Quận 8
Nhiều vụ ẩu đả sau va chạm giao thông
Tối 20-10, ông ĐMT lái xe taxi lưu thông trên đường Nguyễn Văn Linh theo hướng từ quận 7 về huyện Bình Chánh. Đến đoạn ấp 42, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh thì xảy ra mâu thuẫn với ông TNMTr là tài xế lái xe tải thu gom rác lưu thông cùng chiều. Tài xế lái xe tải chở rác chỉ vì xin vượt taxi nhưng không được nên đã xuống xe cự cãi và đập gãy kính chiếu hậu xe taxi.
Tối 15-9 tại TP Thủ Đức, anh NNS và ông NĐG có va chạm xe trên đường Kha Vạn Cân. Khi xảy ra sự cố, ông G đã không giữ được bình tĩnh, sử dụng tay đánh anh S, sau đó quay lại lấy mỏ lết đập phá xe anh S khiến anh S và người đi cùng vô cùng hoảng sợ. Vụ việc nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội, sau đó Công an TP Thủ Đức đã vào cuộc, tiến hành khởi tố ông G về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Ngày 4-3, ông LXT điều khiển xe taxi đang di chuyển trên tuyến đường ven hồ, đoạn cuối phố Tô Ngọc Vân (phường Quảng An, quận Tây Hồ) thì bị 2 người đàn ông đi xe máy BKS tỉnh Thanh Hóa chặn đầu xe. Hai người này sau đó hành hung nạn nhân T dã man dẫn đến tử vong.