Mường La chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo

Thực hiện chương trình chuyển đổi số, Phòng Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Mường La đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.

Trình chiếu PowerPoint môn lịch sử tại Trường THCS Ít Ong, huyện Mường La.

Trình chiếu PowerPoint môn lịch sử tại Trường THCS Ít Ong, huyện Mường La.

Trong những năm học gần đây, các tiết học sử dụng máy chiếu, thiết bị điện tử để giảng dạy đã trở nên phổ biến với thầy và trò các trường học trên địa bàn huyện Mường La. Có mặt tại giờ học môn Lịch sử của cô giáo Trần Thị Kim Thúy, Trường THCS Ít Ong, với sự trợ giúp bằng máy chiếu, các em học sinh tập trung, hào hứng hơn với giờ học. Cô giáo Trần Thị Kim Thúy nói: Trình chiếu PowerPoint trên máy chiếu, giúp giáo viên khai thác nhiều kiến thức, tư liệu, hình ảnh minh họa đưa vào bài giảng cho nội dung của tiết học thêm sinh động, tạo hứng thú cho học sinh.

Em Tòng Duy Khương, lớp 9H, trường THCS Ít Ong, chia sẻ: Khi thầy cô dạy học qua máy chiếu, có nhiều hình ảnh minh họa, giúp chúng em dễ hiểu bài, dễ nhớ kiến thức hơn. Chúng em cũng chủ động tương tác với cô nhiều hơn, nên kết quả học tập tốt hơn.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa công tác quản lý, hoạt động dạy và học, Trường THCS Ít Ong đã hợp đồng với nhà mạng Viettel cung cấp các phần mềm trong công tác quản lý nhà trường, sử dụng phần mềm SMAS quản lý chuyên môn, học sinh, học bạ điện tử; nâng cấp toàn bộ các đường truyền, lắp cột phát Wifi tại các khối phòng, lớp học; 100% cán bộ quản lý và giáo viên tự mua sắm máy tính bàn và máy xách tay; 100% phòng học trong các trường học được kết nối Internet.

Thầy giáo Trần Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Ít Ong, thông tin: Trường chỉ đạo giáo viên tuyên truyền tới phụ huynh việc thu học phí không dùng tiền mặt; 100% số giáo viên trong trường sử dụng chữ ký điện tử khi thực hiện công tác chuyên môn. Ngoài ra, trường sử dụng một số phần mềm trong quản lý, phần mềm cho kế toán tài chính; sử dụng Zalo, Facebook, SMS để truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh; sử dụng các phần mềm tạo và trình chiếu bài giảng điện tử, các phần mềm thí nghiệm ảo, các ứng dụng Google Form, Google trang tính trong dạy học; nhờ đó, chất lượng giáo dục của trường được nâng cao.

Thực hiện chuyển đổi số, Trường Tiểu học Pi Toong đã triển khai phần mềm vnedu, ứng dụng học bạ số, triển khai phần mềm dạy học trực tuyến trực tiếp, như: Zoom Meeting, Microsoft Teams, K12-Online. Nhà trường hiện có 12/46 phòng có thiết bị trình chiếu (máy chiếu/tivi) kết nối Internet để phục vụ dạy và học tập; có 2 phòng máy tính đảm bảo 2 học sinh/máy, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy môn tin học. Có 1 phòng học ngoại ngữ được trang bị tivi, máy tính có kết nối internet giúp việc xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử.

Thầy giáo Trịnh Xuân An, Hiệu trưởng trường Tiểu học Pi Toong, thông tin: Ngoài việc ứng dụng các nội dung trên, nhà trường còn tổ chức các cuộc thi Trạng nguyên Tiếng việt, IOE, tạo sân chơi trên không gian mạng, giúp học sinh cập nhật với ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng học tập của học sinh trong thời đại kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La đã chỉ đạo các trường học tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số, công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục. Phối hợp với các nhà mạng hướng dẫn cán bộ quản lý và giáo viên các trường sử dụng hồ sơ điện tử.

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Công, huyện Mường La trang bị ti vi phục vụ giảng dạy.

Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Công, huyện Mường La trang bị ti vi phục vụ giảng dạy.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự phụ trách nhiệm vụ chuyển đổi số từ phòng đến các trường học. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng cho cán bộ làm công tác chuyển đổi số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn, quản lý kết quả học tập của học sinh, sử dụng chữ ký số để ký văn bản, thực hiện tuyển sinh đầu cấp và thanh toán không dùng tiền mặt. Chỉ đạo các đơn vị trường học sử dụng dữ liệu hạ tầng kỹ thuật kết nối dịch vụ Internet băng rộng, phủ sóng 4G/5G.

Ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La, cho biết: Đến nay, 40/40 trường học trên địa bàn huyện sử dụng hệ thống quản lý văn bản VNPT iOffice 4.0 trong quản lý và chỉ đạo; 100% đơn vị trường và thủ trưởng đơn vị được cấp và sử dụng chữ ký số, chứng thư số trong giao dịch điện tử; 100% các đơn vị trường sử dụng, khai thác trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% các đơn vị trường triển khai sổ điểm điện tử, học bạ điện tử.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường La tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục về chuyển đổi số quốc gia vào giảng dạy. Triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Huy động các nguồn lực tham gia ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Thủy Ngân

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/chuyen-doi-so-tinh-son-la-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/muong-la-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-va-dao-tao-4wGcnTMNg.html
Zalo