Muốn phát triển phải nhìn ra thế giới

Những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là rất thẳng thắn, trách nhiệm và đầy trăn trở, vì 'tụt hậu xa hơn về kinh tế' đã được xác định là 1 trong 4 nguy cơ lớn nhất của nước ta từ Đại hội VII năm 1991 qua nhiều kỳ đại hội.

Có lẽ nhận xét của Tổng Bí thư Tô Lâm tại kỳ họp Quốc hội mới đây được hầu hết các chuyên gia, các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm: “Thấy tốc độ phát triển của thế giới mà “rất sốt ruột”, trong khi chúng ta không thể chậm so với thế giới, so với những nước phát triển. Tuy tốc độ tăng trưởng những năm qua có cao, song nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu, nguy cơ kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình và khó tiệm cận với các nước đang phát triển”.

Đáng lo quả không sai

Những phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là rất thẳng thắn, trách nhiệm và đầy trăn trở, vì “tụt hậu xa hơn về kinh tế” đã được xác định là 1 trong 4 nguy cơ lớn nhất của nước ta từ Đại hội VII năm 1991 qua nhiều kỳ đại hội.

“Chúng ta muốn phát triển vượt bậc cần phóng tầm mắt ra xa, xem thế giới phát triển như thế nào, bằng phương cách gì, chứ không chỉ nhìn vào chính chúng ta, hay nhìn lại để so sánh với chính mình trong quá khứ” - Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Câu nói “Nhìn vào thực chất cũng rất lo” của Tổng Bí thư Tô Lâm quả không sai. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 1990, GDP bình quân đầu người theo giá thực tế của thế giới là 4.168USD, và của Việt Nam là 98USD, cách nhau 4.070USD. Đến năm 2023, GDP bình quân đầu người của thế giới là 13.138USD, và của Việt Nam là 4.346USD, cách nhau 8.792USD.

Vẫn biết tăng trưởng kinh tế cao giúp Việt Nam thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia. Nhưng với đà này sẽ còn rất lâu chúng ta mới theo kịp với mức trung bình của thế giới. Bởi theo kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, trong 15 năm trở lại đây, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ tăng 1.600USD, trong khi Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc tăng lần lượt 3.600USD, 6.500USD và 16.000USD.

Tăng trưởng dựa vào FDI, hỗ trợ các dự án lớn, dựa vào tài nguyên… rồi sẽ đến hồi kết thúc. Nguồn lực cho sự phát triển đích thực là tạo ra giá trị được thực hiện bởi người dân và doanh nghiệp của quốc gia. Các quốc gia có thể đạt mức thu nhập trung bình nhờ tự do hóa, tư nhân hóa và hội nhập quốc tế, nhưng đạt mức thu nhập cao hơn đòi hỏi nỗ lực chính sách để kích thích sự năng động của khu vực tư nhân.

GS. KENICHI OHNO

Xét về quy mô, tổng GDP của Việt Nam chỉ tăng 160 tỷ USD, trong khi Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc tăng tương ứng là 270, 200, 700 và 850 tỷ USD. Điều này cho thấy, mặc dù GDP của nước ta nằm trong số cao của thế giới, nhưng số tuyệt đối này rất nhỏ và khoảng cách của Việt Nam so với các nước vẫn còn xa.

Đó là chưa nói đến hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đã chững lại. Trong 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt hơn 5,2%, nếu muốn tăng trưởng đạt mục tiêu 7% thì năm 2024 và 2025 tăng trưởng phải đạt gần 9%. Đây là tốc độ ngoài tầm với, bởi các động lực tăng trưởng đã co lại.

Hiện nay bẫy thu nhập trung bình cũng đang giăng ra, nếu xét ở góc độ mức chuẩn GNI/người của Ngân hàng Thế giới liên tục được nâng cao thêm hàng năm. Năm 2024, để trở thành nước thu nhập trung bình cao, mức GNI/người phải đạt 4.466-13.845USD, và để trở thành nước thu nhập cao, mức GNI/người phải đạt là trên 14.000USD. Trong khi năm 2023, GNI/người của Việt Nam đạt mức 4.180USD, còn khoảng cách xa so với chuẩn thu nhập trung bình cao.

Và như nhận xét của Giáo sư danh dự Kenichi Ohno, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS), có rất nhiều biểu hiện về Việt Nam mắc bẫy thu nhập trung bình, như tăng trưởng chậm lại ở mức trung bình; thiếu kỹ sư, nhà đổi mới và nhà khoa học có tay nghề cao; năng suất lao động và TFP ở mức trung bình; phụ thuộc nhiều vào FDI và tham gia mờ nhạt vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

GS. Kenichi Ohno khẳng định, Việt Nam có thể vươn lên từ mức thu nhập trung bình cao đến mức thu nhập cao vào năm 2045 hay không? Đâu là điều kiện để Việt Nam tránh được bẫy thu nhập trung bình và tiếp tục phát triển bền vững trong hai thập niên tới? Trước tiên cần có các nhà lãnh đạo năng động, khôn ngoan về kinh tế và đích thân chỉ đạo các chính sách. Kế đến các nhà kỹ trị có năng lực, tận tâm và trong sạch đối với việc thực thi chính sách.

Kinh tế Việt Nam có thay đổi nhưng không rõ

Còn nhớ tại Diễn đàn Kinh tế 2017 với chủ đề “Phát huy nội lực, Phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 27-6, ông Nguyễn Văn Bình, lúc đó là Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết từ năm 2008 Việt Nam đã vượt qua mốc GDP bình quân đầu người 1.000 USD, và bắt đầu bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình (thấp). Do vậy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại mô hình và chất lượng tăng trưởng kinh tế nước ta hiện nay.

Và ông Bình dẫn chứng nghiên cứu của GS. Kenichi Ohno, người chuyên nghiên cứu về Việt Nam: “Hơn 20 năm qua nghiên cứu để so sánh với hiện nay (lúc đó là 2017), cơ cấu kinh tế Việt Nam có thay đổi, nhưng nhìn kỹ thì không rõ. Đáng lưu ý, Việt Nam xuất khẩu 65% là hàng chế tạo chế biến, nhưng phần lớn từ khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn chủ yếu xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày... với giá trị gia tăng không cao. Điều này có nghĩa một phần quan trọng góp phần tạo nên tốc độ tăng trưởng của Việt Nam là từ nguồn lực bên ngoài, chứ chưa phải nội lực thực tại của nền kinh tế”.

Chúng ta vẫn thường tự hào những lợi thế so sánh là nhân công lao động dồi dào, giá rẻ, nhưng nên nhớ trong bối cảnh giai đoạn dân số vàng chỉ tồn tại ngắn ngủi, khoảng 10 năm nữa thì sự cạnh tranh ngày một gia tăng từ các quốc gia với chi phí sản xuất thấp hơn. Có nghĩa Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế, nhưng để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), trong số 113 nước thuộc nhóm thu nhập trung bình vào năm 1960, đến nay (thời điểm 2017) chỉ có 13 nước vượt thành công bẫy thu nhập trung bình và trở thành những nước có thu nhập cao, tiêu biểu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

Do vậy Việt Nam cần làm gì để giải quyết bài toán phát triển kinh tế nhanh và bền vững trong trung và dài hạn, giúp trở thành nước tiếp theo thành công vượt bẫy thu nhập trung bình và để sớm đưa Việt Nam trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á.

Chất lượng chính sách - nhân tố quan trọng

Hơn 5 năm sau, vào ngày 19-11-2022, tại Tọa đàm khoa học: “Vượt qua bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm của các nước châu Á và vai trò của lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị”, cũng lại là GS. Kenichi Ohno được mời chia sẻ tại tọa đàm:

Bẫy thu nhập trung bình xảy ra khi tăng trưởng được tạo ra chỉ bằng may mắn, mà không bằng những nỗ lực của doanh nghiệp và chính phủ. Có nghĩa tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào những lợi thế sẵn có, thì sớm hay muộn cũng sẽ bị đình trệ, năng lực cạnh tranh sẽ bị bào mòn trước khi đất nước đạt mức thu nhập cao. Tóm lại, một quốc gia sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không tạo ra được giá trị kinh tế, mà chỉ dựa vào các lợi thế sẵn có như tài nguyên thiên nhiên.

GS. Kenichi Ohno cũng chỉ ra những tồn đọng có thể dễ nhìn thấy, như chênh lệch giàu nghèo ngày càng rõ, bong bóng chứng khoán và bất động sản, hủy hoại môi trường, tham nhũng… Giá đất ở Hà Nội tương đương với vùng ngoại ô của Tokyo, trong khi thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/30 của Nhật Bản.

Nhưng tại sao chính sách của Việt Nam như vậy mà Nhật Bản vẫn đầu tư? Đó là do Nhật Bản thấy rằng nhu cầu tại Việt Nam vẫn đang tăng và Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi về chính sách, những lợi thế này sẽ mất đi nhanh chóng.

Trên cơ sở đó, GS. Kenichi Ohno khuyến nghị trong thời gian tới Việt Nam phải hội nhập sâu, phải có những thay đổi về chính sách. Bởi với các quốc gia đang phát triển thì chất lượng chính sách là nhân tố chủ chốt giúp các nước vượt bẫy thu nhập trung bình. Đã có những nước đi sau nhưng nhờ có chính sách tốt đã đạt mức thu nhập cao, thí dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Các quốc gia khác như Việt Nam cần phải học hỏi kinh nghiệm, lựa chọn gói chính sách phù hợp nhất với mình.

Do vậy, chất lượng chính sách được xem là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định khả năng vượt qua bẫy thu nhập trung bình của các quốc gia, trong đó 2 yếu tố có vai trò quyết định chất lượng chính sách là lãnh đạo quốc gia và các nhà kỹ trị.

Thời điểm đã đến

Những tháng đầu năm 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách “30 năm phát triển của Việt Nam: Nhìn lại quá khứ và ứng phó với thách thức mới”.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, trong hơn ba thập niên qua, Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường; từ nền kinh tế đóng và thay thế nhập khẩu sang một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất; từ nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp sang nền kinh tế có thu nhập trung bình. Chúng ta hướng đến mục tiêu lớn lao hơn là trở thành “quốc gia phát triển có thu nhập cao” vào năm 2045.

Và theo đánh giá chung của các nhà nghiên cứu, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có được trong những thập niên vừa qua có tác động rất lớn của tự do hóa đúng thời điểm, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên phong phú, lao động dồi dào. Tuy nhiên, liệu Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, trở thành nước có thu nhập cao như Hàn Quốc và Đài Loan đã làm được trong những thập niên vừa qua, hay chúng ta sẽ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” như cảnh báo của các chuyên gia?

Do vậy, để quá trình phát triển không dừng lại, chúng ta cần có những định hướng chiến lược, những hành động cụ thể để duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh một cách bền vững. Có nghĩa giai đoạn 2024-2030 là giai đoạn có vai trò vô cùng quan trọng, để chuyển mình theo tinh thần “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Đây là thời điểm quan trọng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho kinh tế nước ta.

ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/muon-phat-trien-phai-nhin-ra-the-gioi-post118745.html
Zalo