Muốn nâng giá trị của sản phẩm phải lấy khoa học công nghệ làm nền tảng phát triển
Sáng 10-5, tại tỉnh Bắc Ninh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai 'Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia' trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Sự hiện diện của lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức quốc tế và cơ quan báo chí là minh chứng cho sự quan tâm và đồng hành mạnh mẽ với ngành trong hành trình kiến tạo giai đoạn phát triển mới - với động lực tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị
Theo Bộ trưởng, Nghị quyết số 57-NQ/TW, được Bộ Chính trị ban hành ngày 22-12-2024, xác lập một định hướng chiến lược, với tầm nhìn xuyên suốt: Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững, mà còn là “thời cơ tốt nhất” để Việt Nam vươn mình thành quốc gia phát triển, giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh đó, nông nghiệp và môi trường - hai lĩnh vực đang chịu áp lực lớn từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và an ninh nguồn nước đã được được xác định là những “địa bàn chiến lược” để triển khai đột phá. Mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống dựa vào lao động thủ công, chi phí đầu vào cao, giá trị gia tăng thấp... đang không còn phù hợp. Trong khi đó, các xu hướng như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa giá trị, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số ngày càng trở nên cấp thiết. “Muốn thay đổi cục diện, bắt buộc chúng ta phải đổi mới tư duy và cách làm, phải lấy khoa học công nghệ và chuyển đổi số làm nền tảng phát triển”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có nhiều bước tiến trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số: Từ các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi thông minh đến giám sát môi trường tự động, số hóa dữ liệu đất đai, rừng và khí tượng. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu "đột phá phát triển" như tinh thần Nghị quyết 57, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm.
Bộ trưởng cho rằng, hội nghị lần này tập trung quán triệt và triển khai 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 503/QĐ-BNNMT ngày 27-3-2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ngô biến đổi gen được trồng tại tỉnh Thái Nguyên
Chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của khoa học công nghệ, trong đó có công nghệ sinh học đối với ngành nông nghiệp, Tiến sĩ Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng: Công nghệ sinh học vẫn đang trên đà phát triển và được xem là công nghệ của tương lai. Bên cạnh các kỹ thuật như chuyển gen, chỉnh sửa gen, các đơn vị nghiên cứu và nhà khoa học trên toàn cầu về tiếp tục khai phá tiềm năng của công nghệ này để tạo ra các phương pháp lai tạo giống mới (PBI). Đây được xem là một trong những giải pháp quan trọng của ngành nông nghiệp toàn cầu trong việc đảm bảo an ninh lương thực, giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu cùng trao đổi, đề xuất các giải pháp ưu tiên nhằm tạo bước ngoặt trong ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số vào thực tiễn phát triển ngành.