Muốn gỡ khó cho ngành khoa học cơ bản, cần chính sách như NĐ 116 đối với sư phạm
Để thu hút người học các ngành khoa học cơ bản thì cần có chính sách tương tự như Nghị định 116 dành cho sinh viên sư phạm.
Khoa học cơ bản là những ngành khoa học nghiên cứu, khám phá các quy luật của tự nhiên và tạo ra những kiến thức mới. Một số ngành khoa học cơ bản gồm: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học,… và nhóm các ngành trong khối khoa học trái đất như Địa lý, Địa chất, Môi trường, Khí tượng và khí hậu học, Hải dương học.
Mặc dù các ngành khoa học cơ bản đóng vai trò nền tảng và thiết yếu cho sự phát triển bền vững của đất nước nhưng những năm gần đây các ngành này đã giảm sức hút, ít thí sinh đăng ký theo học. Nguyên nhân chính là do phần lớn người học chưa nhận thức được tầm quan trọng và tiềm năng của các ngành khoa học cơ bản. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ và đầu tư cho lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, chưa tạo được động lực thu hút sinh viên.
Thực trạng này đặt ra thách thức lớn cho hệ thống giáo dục và yêu cầu cần có những giải pháp đột phá để nâng cao nhận thức và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cho các ngành khoa học cơ bản.
Những nguyên nhân khiến các ngành khoa học cơ bản chưa đủ sức hút sinh viên
Theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, các ngành thuộc nhóm ngành khoa học cơ bản có số sinh viên trúng tuyển nhập học năm 2023 thấp hơn chỉ tiêu khá nhiều.
Cụ thể, ngành Công nghệ sinh học chỉ tiêu của trường là 35, nhưng chỉ có 20 sinh viên trúng tuyển nhập học, chỉ đạt 57,1%.
Ngành Hóa học chỉ tiêu của trường là 25, nhưng chỉ có 9 sinh viên trúng tuyển nhập học, chỉ đạt 36%.
Ngành Khoa học môi trường chỉ tiêu của trường là 25 nhưng chỉ có 8 sinh viên trúng tuyển nhập học, chỉ đạt 32%.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Tín - Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế nhận định, việc khối ngành khoa học cơ bản được ít sự quan tâm so với các ngành học khác xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ vai trò nền tảng của khoa học cơ bản trong việc thúc đẩy sự phát triển công nghệ và các ngành ứng dụng khác.
Khoa học cơ bản, khoa học Trái đất là nền tảng của tiến bộ khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, do các ứng dụng của khối ngành này thường không trực tiếp và không dễ nhận biết như các ngành kỹ thuật hay công nghệ thông tin nên lĩnh vực này thường bị đánh giá thấp.
Thứ hai, mức thu nhập khi làm việc trong các ngành khoa học cơ bản thường thấp hơn so với các lĩnh vực như công nghệ, tài chính hay quản trị kinh doanh, làm giảm sức hấp dẫn đối với những sinh viên mong muốn có thu nhập ổn định ngay sau khi ra trường.
Thứ ba, ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, nguồn đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Các chương trình nghiên cứu, học bổng và cơ hội phát triển sự nghiệp không đa dạng và phong phú như ở các ngành khác khiến sinh viên gặp khó khăn khi muốn theo đuổi con đường nghiên cứu chuyên sâu sau khi tốt nghiệp.
Thứ tư, các ngành khoa học cơ bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các lĩnh vực như công nghệ, kỹ thuật số, khoa học dữ liệu do những ngành này phát triển nhanh chóng và mang lại nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn hơn.
Dù vậy, ngành khoa học cơ bản vẫn đóng vai trò không thể thay thế trong việc phát triển các ngành công nghệ cao và giải quyết vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, lương thực, y tế và an ninh. Việc cải thiện nhận thức xã hội, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên tốt nghiệp từ khối ngành này là rất cần thiết.
Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Đức Mạnh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho biết, kết quả tuyển sinh của các ngành khoa học cơ bản năm 2024 của nhà trường giữ ở mức ổn định so với các năm trước. Tuy nhiên, điểm chuẩn của các ngành này vẫn thấp hơn so với các ngành đào tạo khác của nhà trường.
Theo thầy Mạnh, nguyên nhân chính khiến việc tuyển sinh ngành khoa học cơ bản chưa thu hút và không đủ cạnh tranh so với các ngành khác như kinh tế, sư phạm, kỹ thuật chủ yếu xuất phát từ mức lương sau khi tốt nghiệp chưa tương xứng với trình độ và năng lực của người học sau khi tốt nghiệp.
"Thứ nhất, các ngành khoa học cơ bản yêu cầu đầu vào theo định hướng nghiên cứu nhưng mức lương tại các cơ quan nghiên cứu công lập thường khá thấp.
Thứ hai, đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển) ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, hiện chỉ một số ít doanh nghiệp lớn có bộ phận R&D, điều này không đủ để thu hút những người giỏi theo học. Mặc dù sinh viên ngành khoa học cơ bản thường có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp vì thiếu nguồn nhân lực nhưng mức thu nhập vẫn khó cạnh tranh với các ngành công nghệ và kinh tế, đặc biệt là những lĩnh vực đòi hỏi phải nâng cao trình độ học vấn", thầy Mạnh nhận định.
Hiểu rõ về các ngành khoa học cơ bản, gia tăng thu nhập và cơ hội việc làm
Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, các ngành khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực thiết yếu như công nghệ, môi trường, năng lượng và y tế. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về giá trị và tiềm năng mà những ngành này mang lại.
Thực tế, cơ hội việc làm trong các ngành khoa học cơ bản vô cùng rộng mở với nhu cầu nhân lực ngày càng gia tăng. Việc hiểu đúng và đầy đủ về những ngành này sẽ giúp người học tự tin hơn khi lựa chọn con đường sự nghiệp, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Tín cho biết, sinh viên khi theo học các ngành khoa học cơ bản sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng toàn diện để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Sinh viên sẽ được học và nắm bắt các chính sách môi trường, kỹ năng phân tích, đánh giá tác động môi trường trong việc quản lý và phát triển bền vững. Ngoài ra, việc rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, sử dụng công cụ như hệ thống thông tin địa lý (GIS), viễn thám cùng khả năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề phức tạp và truyền thông để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường là điều vô cùng cần thiết.
Cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp trong các ngành khoa học cơ bản được mở rộng mạnh mẽ khi thế giới và Việt Nam đang tập trung vào phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn. Những lĩnh vực tiên tiến này đòi hỏi sự kết hợp giữa công nghệ, quản lý tài nguyên và khoa học môi trường để tạo ra các giải pháp bền vững.
Trước xu hướng đó, nhu cầu về những chuyên gia có khả năng phân tích, xử lý dữ liệu và nghiên cứu các hiện tượng tự nhiên tăng cao. Các kỹ năng phân tích từ khoa học cơ bản có thể được ứng dụng vào việc tối ưu hóa quy trình sản xuất, mô hình hóa dữ liệu hoặc giải quyết các vấn đề phức tạp trong môi trường số.
Ngoài ra, ngành khoa học môi trường đang trở thành trọng tâm khi Chính phủ và các doanh nghiệp trên toàn thế giới cam kết với mục tiêu trung hòa carbon, net-zero và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, chính sách chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu đang tạo cơ hội cho các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học môi trường tham gia vào các dự án quy mô quốc gia về năng lượng sạch, xử lý rác thải, bảo vệ tài nguyên nước và hệ sinh thái. Nhu cầu về chuyên gia môi trường sẽ tăng mạnh khi các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn và tái chế tài nguyên được triển khai.
Bên cạnh đó, việc thực thi Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu kiểm kê khí nhà kính tại các cơ sở phát thải là một bước quan trọng trong việc thực hiện chiến lược giảm thiểu phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn của Việt Nam.
Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết về nhân lực từ kỹ thuật viên, chuyên gia tư vấn đến các nhà quản lý môi trường tại địa phương có năng lực chuyên môn cao trong lĩnh vực và các chương trình đào tạo chuyên sâu. Việc phát triển bền vững cần được đẩy mạnh, để đảm bảo thực thi các quy định một cách hiệu quả và đúng quy chuẩn.
Mặt khác, Trưởng khoa Địa chất của một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các ngành khoa học cơ bản tuy mang tên “cơ bản” nhưng thực chất đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật với mục tiêu ứng dụng trực tiếp vào đời sống.
Vị này nêu ví dụ: “Ngành Địa chất không chỉ nghiên cứu về cấu trúc trái đất, khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên mà còn đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, giao thông vận tải và bảo vệ môi trường. Các kiến thức về địa chất không chỉ giới hạn ở việc khai thác tài nguyên mà còn bao gồm khả năng đánh giá, xử lý và quản lý các yếu tố tự nhiên để đảm bảo sự an toàn và bền vững của công trình.
Khi theo học, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức lý thuyết mà còn có cơ hội thực hành trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, hàng năm nhà trường tổ chức các đợt thực tập, thực tế cho sinh viên năm 3 và năm 4 tại các doanh nghiệp liên quan, giúp sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tiễn và áp dụng kiến thức chuyên ngành.
Nhiều người vẫn nghĩ rằng ngành Địa chất chỉ xoay quanh các công việc ngoài thực địa hoặc khai thác mỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, sinh viên ngành này được đào tạo kỹ lưỡng về kỹ thuật ứng dụng, bao gồm việc sử dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý (GIS), thiết kế và xử lý nền móng công trình, phòng chống thiên tai cũng như đánh giá rủi ro môi trường.
Sự thiếu hiểu biết này đã làm giảm sức hấp dẫn của ngành Địa chất đối với sinh viên mặc dù xã hội và nền kinh tế đang rất cần nguồn nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp xây dựng, năng lượng, khai thác tài nguyên và quản lý môi trường đều có nhu cầu lớn về những chuyên gia địa chất được đào tạo bài bản. Điều này cho thấy, ngành Địa chất không chỉ là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn là một ngành kỹ thuật thực tế với nhiều cơ hội việc làm rộng mở trong các lĩnh vực trọng yếu”.
Cần có thêm các chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành Khoa học cơ bản
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Công Tín cũng cho biết thêm, tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh giai đoạn 2015-2023, triển khai công tác tuyển sinh 2024-2025 khối đại học và cao đẳng sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả tuyển sinh theo lĩnh vực năm 2023. Các lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học sự sống năm 2022 đều có tỷ lệ tuyển sinh thấp.
Đối với số liệu tuyển sinh theo lĩnh vực, năm 2023, lĩnh vực kinh doanh và quản lý vẫn đứng đầu với 23,57% (giảm nhẹ so năm 2022) trong khi tỉ lệ tuyển sinh của lĩnh vực thuộc khối khoa học cơ bản rất thấp, ví như ngành Khoa học tự nhiên là 0,5%, Khoa học sự sống là 0,71%.
Tuy vậy, điều đáng chú ý là 2 ngành Môi trường và Nông - Lâm - Thủy sản dẫn đầu về tỷ lệ sinh viên có việc làm. Theo báo cáo tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trừ năm 2019, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp trong giai đoạn này của 2 ngành trên luôn đạt hơn 90%.
Theo thầy Tín, tình trạng khó khăn trong tuyển sinh của khối ngành khoa học cơ bản trong khi khối ngành kinh doanh và quản lý vẫn thu hút lượng lớn sinh viên đã tạo ra sự mất cân bằng. Điều này dẫn đến việc nhu cầu nhân lực trong các ngành khoa học cơ bản không được đáp ứng do số lượng sinh viên đăng ký học còn hạn chế.
“Thực tế, các ngành khoa học cơ bản đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển của toàn bộ hệ thống tri thức, công nghệ và các ngành công nghiệp nhưng thường không nhận được sự chú trọng đúng mức trong hệ thống giáo dục và thị trường lao động.
Theo tôi, cần có những chính sách tương tự như Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm để thu hút người học, nâng cao nhận thức của thí sinh hơn về tầm quan trọng của các ngành khoa học cơ bản.
Ngoài ra, mỗi cơ sở giáo dục cần phối hợp cùng các cơ quan chức năng để triển khai thêm các chính sách học bổng, hỗ trợ tài chính nhằm thu hút sinh viên, cải thiện thu nhập cho người lao động và nhà nghiên cứu. Đồng thời, cần đảm bảo đầu ra rõ ràng bằng cách “đặt hàng” từ doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.
Việc hỗ trợ các ngành khoa học cơ bản thông qua chính sách thiết thực như học bổng, hỗ trợ tài chính và tăng cường liên kết với doanh nghiệp không chỉ giúp thu hút người học mà còn đóng góp trực tiếp vào sự phát triển bền vững của quốc gia. Đây là lĩnh vực cần được đầu tư một cách chiến lược để xây dựng nền tảng tri thức cho những tiến bộ khoa học và công nghệ trong tương lai", thầy Tín nêu quan điểm.
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Đức Mạnh cho rằng cần có chính sách đặc biệt dành cho sinh viên khối ngành khoa học cơ bản, tương tự như chính sách cho sinh viên sư phạm. Điều này nhằm thu hút những người giỏi theo học các ngành khoa học cơ bản, góp phần phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
“Nếu Nhà nước điều chỉnh và tăng lương cho các vị trí việc làm trong khối ngành khoa học cơ bản, sẽ giúp thu hút nhiều nguồn nhân lực hơn. Hiện tại, dù những ngành này rất cần thiết cho sự phát triển của xã hội nhưng số lượng người tham gia học tập và làm việc còn hạn chế do chế độ đãi ngộ và mức lương chưa tương xứng.
Về phía các trường trung học phổ thông, cần thay đổi phương pháp giảng dạy và sáng tạo để giúp học sinh nắm bắt rõ ràng kiến thức, định hướng ngành nghề, cơ hội việc làm sau này.
Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thông tin cho phụ huynh và học sinh về cơ hội nghề nghiệp trong các ngành khoa học cơ bản. Tuy nhiên, khi chưa có các chính sách hỗ trợ đặc thù, chỉ có những thí sinh thực sự đam mê khoa học mới quyết định lựa chọn các ngành này. Nhiều em khác có thể coi đây là một lựa chọn tạm thời trong khi tìm kiếm các cơ hội khác phù hợp hơn", Tiến sĩ Trần Đức Mạnh bày tỏ.