Mùi mạ non

Ở những cánh đồng ruộng sâu, người nông dân phải tự tay cấy lúa. Để có mạ non cấy lúa là cả một quá trình ngâm giống, gieo mạ, nhổ mạ... Quá trình ấy vất vả, nhưng chính là sự khởi đầu cho một vụ mùa mới.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phường Thuận An, quận Thuận Hóa bó mạ trước khi đi cấy

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phường Thuận An, quận Thuận Hóa bó mạ trước khi đi cấy

1. Cuối năm, khi những ngọn hoa lau ở hai bên đường từ cầu Diên Trường đến đập Thảo Long (phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa) nở rộ, cũng là thời điểm mà người nông dân dọc theo tuyến Quốc lộ 49B kéo dài từ phường Thuận An, quận Thuận Hóa cho đến vùng Ngũ Điền, thị xã Phong Điền hối hả vào mùa vụ mới đông xuân. Đặc điểm địa hình của vùng quê bên chân phá Tam Giang có sự khác biệt, nên việc canh tác cây lúa nước ở đây có phần nặng nhọc hơn.

Mùa mưa nên diện tích trồng lúa vụ đông xuân ở khu vực này thường bị ngập sâu. Đợi khi con nước hạ dần vào những ngày cuối năm âm lịch mới có thể cấy lúa. Để kịp mùa vụ, người nông dân phải gieo mạ ở ruộng cao, đến ngày tháo nước trong ruộng sâu thành công mới làm đất để cấy.

 Nông dân A Lưới đi cấy dặm ở những diện tích gieo sạ bị chết

Nông dân A Lưới đi cấy dặm ở những diện tích gieo sạ bị chết

Ông Lê Đình Tuấn, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền cho biết, để có cây mạ non cần khoảng 1 tháng, từ ngâm lúa giống, đợi giống nảy mầm rồi gieo mạ. Mạ được gieo thành từng luống, với mật độ dày. Sau khoảng 1 tháng, mạ non cao gần 1 gang tay là người nông dân bắt đầu nhổ mạ để mang đến cấy ở ruộng sâu. Năm nào thời tiết thuận lợi, việc cấy lúa sẽ kết thúc trước Tết âm lịch. Có những năm thời tiết mưa lạnh kéo dài, nhiều diện tích phải đợi qua Tết mới cấy được.

2. Theo người dân, phần vì ruộng sâu nên các diện tích phải tháo nước và cấy đồng loạt một lúc; phần vì thời tiết mưa lạnh, phải tranh thủ những ngày tạnh ráo để cấy lúa. Vì vậy, khoảng thời gian này, nhà nhà hối hả, trong nhà có ai đều được huy động để tham gia xuống đồng. Người trẻ, người già thì nhổ mạ, bó mạ; người không cấy được thì làm đất, vận chuyển mạ từ ruộng cao đến ruộng sâu.

Thoăn thoắt đôi tay cấy những hàng lúa thẳng tắp, bà Nguyễn Thị Vui, phường Thuận An, quận Thuận Hóa cho biết, trong nhà, người cấy chủ yếu là phụ nữ. Trung bình, mỗi người cấy được hơn nửa sào/ngày. Mỗi người sẽ đảm nhận mỗi lối. Mỗi lối như thế cấy khoảng 12 - 13 cụm, tùy vào sải tay dài ngắn của mỗi người. Mỗi cụm được chia khoảng 10 cây mạ. Tùy vào ruộng nước sâu hay nông mà số lượng mỗi cụm có sự thay đổi. Nếu ruộng nước sâu và thời tiết lạnh phải thêm 1 - 2 cây để phòng trường hợp mạ non sẽ chết.

Người dân cho biết, vùng quê phía đông chân phá không có nhiều diện tích nông nghiệp. Dù thế, để cấy xong, mỗi nhà cần 4 - 5 công. Vì vậy, người dân có phương pháp rất hay là sẽ đổi công cho nhau. Tùy theo diện tích mà tính toán số người cấy xong trong 1 ngày. Nhà này cấy xong, sẽ chuyển sang nhà khác, cứ như thế cho đến khi nào tất cả các nhà xong mới kết thúc. Đó cũng là cách mà người dân bên chân phá Tam Giang xây dựng mối quan hệ gắn kết trong đời sống thường ngày biết bao đời qua.

 Việc nhổ mạ cần dùng đủ lực nếu không cây mạ sẽ bị gãy

Việc nhổ mạ cần dùng đủ lực nếu không cây mạ sẽ bị gãy

Do diện tích cấy lúa ngày trước lớn, nhiều địa phương sống hai bên bờ phá có nghề đi cấy lúa thuê. Ngày trước, đến mùa vụ, rất nhiều người ở các làng bên kia phá Tam Giang từ tinh mơ đã dậy kịp chuyến đò dọc đầu tiên sang các làng ở phía bờ đông của phá để cấy thuê. Buổi trưa, họ chỉ tranh thủ ăn cơm, nghỉ khoảng 30 phút là tiếp tục cấy lúa, để khoảng 4h chiều lại bắt những chuyến đò cuối để trở về nhà.

Bà Nguyễn Thị Vui chia sẻ, hiện nay, còn một số người đi cấy thuê, nhưng ít lắm. Nghề cấy lúa này vất vả, phải khom lưng cả ngày, cái lưng tê cứng. Trời lạnh, tay chân liên tục ngâm dưới nước. Vất vả như thế mà công cấy hiện nay là 400 nghìn đồng/ngày. So với một số nghề khác là không bằng, nên thế hệ trẻ sau này không ai đi cấy nữa.

Tranh thủ lúc ban trưa, ông Nguyễn Mạnh Hùng, phường Thuận An, quận Thuận Hóa nhổ mạ để chiều hai vợ chồng đi cấy ruộng sâu. Vừa nhổ mạ, ông Hùng vừa tươi cười nói, việc nhổ mạ cũng cần có kỹ thuật. Tay phải dùng lực vừa phải, nếu không mạ non sẽ gãy. Mạ được chao nước cho sạch đất rồi bó lại cho thật đều.

“Ở xã Hải Dương, TP. Huế, nay là phường Thuận An nhiều diện tích bị ngập mặn nên chủ yếu cấy các loại giống chống mặn. Với giống lúa chịu mặn, công chăm sóc đơn giản hơn so với các loại giống thường. Người nông dân chỉ cấy, lúa sẽ phát triển tự nhiên, không cần bón phân hay phun thuốc. Năng suất của lúa chống mặn chỉ bằng 1/2 giống lúa khác, song giá thành lại gấp đôi. Số lượng giống gieo mạ để cấy cũng ít hơn rất nhiều. Đối với giống lúa thường, để cấy 1 sào sẽ sử dụng 7kg lúa giống, còn với lúa chống mặn, chỉ cần 2kg lúa giống”, ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin thêm.

 Những bó mạ được nhổ để chuyển đến cấy ở ruộng sâu

Những bó mạ được nhổ để chuyển đến cấy ở ruộng sâu

3. Ai sống ở vùng chân phá sẽ khó có thể quên những tháng ngày xưa bé. Tôi cũng thế, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên gắn với mùi của cây lúa. Dù xa quê bao nhiêu năm vẫn không thể nào quên được cái mùi thơm của lúa, nhất là mùi của cây mạ non, khi đến vụ mùa phải xuống đồng để tham gia nhổ mạ. Đó là mùi thơm của những hạt lúa chưa phân hủy hết, mùi thơm thoang thoảng của những chồi mạ non, cái không khí trong lành mỗi sớm ra đồng… Tất cả tạo thành mùi thơm của quê hương.

Mỗi lần vào vụ là bao nhiêu nỗi vất vả, nhưng với người nông dân bên chân phá mang theo bao niềm hy vọng mở ra tương lai mới cho gia đình, nhất là thế hệ con cháu. Từ những bó mạ, từng lối lúa được cấy là bao hạt lúa dẻo thơm, nuôi dưỡng ước mơ của bao nhiêu con người lớn lên, ăn học và trở thành những người có ích cho xã hội.

Bẵng đi một thời gian, trở về thăm quê sau bao năm bôn ba, nhiều diện tích ruộng sâu đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy hải sản. Hỏi ra thì được biết, thời gian qua nhiều người bỏ ruộng lắm. Trước tình hình này, địa phương mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Để đảm bảo lương thực, phần ruộng cao trước đây dùng để trồng lạc, khoai lang nay chuyển sang trồng lúa bằng gieo sạ thẳng chứ không còn cấy nữa.

Ông Hồ Đính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thành phố Huế cho biết, hiện nay, diện tích trồng lúa bằng phương pháp cấy ngày càng giảm đi. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và thời tiết có xu hướng khô ráo hơn vào cuối năm thời gian qua đã giúp nhiều diện tích chuyển sang gieo sạ trực tiếp. Việc người nông dân chuyển dần sang gieo mạ trực tiếp giúp tăng hiệu quả về kinh tế, khi giảm được khoản kinh phí lớn về tiền công cấy.

Máy móc dần thay thế lao động chân tay. Giờ đây, khi thấy những cánh đồng ruộng sâu không còn cấy mà chuyển sang gieo sạ trực tiếp, tôi cảm thấy mừng cho người nông dân khi việc trồng lúa đã bớt đi áp lực. Hình ảnh những người mẹ, người chị khom lưng cấy lúa; người già, trẻ nhỏ í ới nhau đi nhổ mạ… thưa dần nhưng sẽ mãi là những hoài niệm đẹp trong mỗi một con người sinh ra và lớn lên ở vùng quê bên chân phá.

Bài, ảnh: QUANG SANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/kinh-te/mui-ma-non-150860.html
Zalo