'Mùi' của lính cứu hỏa
'Hỏa thần' khiến người ta ám ảnh khi nhìn lại vụ thảm kịch chấn động Hàn Quốc cách đây hơn 2 thập niên.
Genre: Hành động
Director: Kwak Kyung Taek
Cast: Joo Won, Kwak Do Won, Yoo Jae Myung...
Rating: 8.5/10
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung bộ phim
“Toàn là mùi cháy, mẹ nhỉ!”.
Cậu con trai chỉ độ 4, 5 tuổi, ngơ ngác trong đêm cùng mẹ tới nơi làm việc của cha, một người lính cứu hỏa đang thực hiện nhiệm vụ. Họ mong ngóng anh trở về đoàn tụ sau một đêm lo lắng đến mất ngủ. Xung quanh hai người ngổn ngang toàn là đồ đạc cá nhân. Ngay cả tô mỳ ly đang ăn cũng phải bỏ dở vì báo động khẩn. Căn phòng bụi bặm do ít thời gian vệ sinh, chất nhiều dụng cụ chữa cháy lỉnh kỉnh...
Nơi hai mẹ con đứng vẫn còn vương mùi “cháy”. Thứ mùi khủng khiếp của lửa bén vào đồ đạc, quần áo và cả da thịt những chiến sĩ cứu hỏa. Mỗi lần xông pha thực hiện nhiệm vụ là mỗi lần đặt chân vào “cửa tử”. Chẳng ai biết liệu họ có thể toàn mạng trở ra để đoàn tụ với người nhà...
Cuộc sống lính cứu hỏa
Hỏa thần (tựa tiếng Anh: Firefighters) do Kwak Kyung Taek đạo diễn. Xuyên suốt thời lượng hơn 100 phút, phim tái hiện vụ hỏa hoạn chấn động Hàn Quốc cách đây hơn 2 thập niên. Với nội dung đặc biệt, tác phẩm từng làm dậy sóng phòng vé quê nhà, ghi tên mình vào top 5 phim ăn khách nhất xứ kim chi trong năm qua.
Câu chuyện theo chân đội cứu hỏa khu Tây Seoul. Bất chấp điều kiện làm việc thiếu thốn và khắc nghiệt, cả đội vẫn tràn đầy nhiệt huyết, đam mê với nghề. Cho đến ngày kia, đường dây khẩn báo động về đám cháy lớn tại Hongje Dong, thôi thúc họ lên đường làm nhiệm vụ. Cả đội nhanh chóng tiếp cận hiện trường, không hay biết về thảm kịch đang rình rập phía trước.
Đạo diễn Kwak Kyung Taek từng từ chối khi nhận được lời mời đạo diễn Hỏa thần. Bởi theo chia sẻ, vụ thảm kịch trong quá khứ khiến lòng ông nặng trĩu mỗi lần nhắc đến. Thế nhưng, chính ước mong gửi lời tri ân đặc biệt tới những người lính cứu hỏa đã thôi thúc Kwak Kyung Taek thực hiện tác phẩm này.
Lấy bối cảnh Hàn Quốc năm 2001, Hỏa thần là bức tranh tả thực về cuộc sống lính cứu hỏa thời điểm ngành phòng cháy chữa cháy còn đầy rẫy khó khăn, thiếu thốn. Họ phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu an toàn lao động. Đồ bảo hộ mỏng “như tấm áo mưa” không chống cháy, bình dưỡng khí hay gặp trục trặc, ngay đến đôi găng tay cũng bằng vải đơn sơ, chẳng ngăn nổi sức nóng ngọn lửa cắn sâu vào da thịt.
Nỗi lo sợ về tai nạn nghề nghiệp nhiều đến nỗi, người anh phải khuyên nhủ em trai - cũng là đồng đội của mình, hãy bỏ nghề, vì “mỗi gia đình chỉ một người làm lính chữa cháy thôi là đủ”. Họ sợ một ngày nào đó nếu cả hai cùng hy sinh trong nhiệm vụ, sẽ chẳng còn ai chăm lo cho cha mẹ, người thân.
Công việc vốn khắc nghiệt, ngay cả điều kiện sống, sinh hoạt của họ cũng tồi tàn chẳng kém. Với mức lương ba cọc ba đồng, phúc lợi cũng ngày một cắt giảm, trụ lại với nghề trở thành thách thức không dễ vượt qua. Cả đội cứu hỏa khu Tây Seoul trước giờ chẳng có ai được lên làm sếp. Bởi mọi người vẫn mang định kiến rằng họ “dùng sức, chứ ít dùng đầu”.
Vậy mà sự cống hiến của lính cứu hỏa đâu phải lúc nào cũng được trân trọng. Họ bất lực trước những người dân đậu xe vô ý thức, khiến công tác cứu hộ gặp không ít khó khăn. Để rồi hễ có chậm trễ, chính họ lại là những người bị mắng nhiếc.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, những người lính cứu hỏa vẫn tìm thấy sự lạc quan để bám trụ với công việc. Niềm vui của họ chỉ gói gọn trong vài ba chầu bia, những buổi tụ tập karaoke xả stress sau giờ làm. Thời gian sinh hoạt chung khiến tình cảm giữa họ trở nên khăng khít, đối xử với nhau thân thiết như người nhà.
Có người lặng lẽ hỗ trợ, xin cấp thêm đồ bảo hộ cho cả đội. Lại có người lén lấy thẻ tín dụng của vợ, cắn răng bỏ một khoản tiền không nhỏ mua găng tay loại tốt cho đồng nghiệp...
Nỗi sợ
Thế nhưng, thứ những chiến sĩ cứu hỏa phải đối đầu đâu chỉ là ngọn lửa.
Họ phải học cách bầu bạn với nỗi cô độc, vì chọn nghề này không còn mấy thời gian cho gia đình. Rồi tiếp đó là những những sang chấn tinh thần khủng khiếp, khi tận mắt chứng kiến đồng đội ngã xuống.
Xót xa thay, những áp lực này chẳng biết phải giãi bày cùng ai. Làm sao kể cho đồng đội, khi chúng có thể kéo tụt tinh thần làm việc của mọi người. Cũng thật khó tâm sự với gia đình, khi chính họ cũng mất ngủ mỗi lần nghe tiếng xe chữa cháy đi thực hiện nhiệm vụ.
Câu chuyện Hỏa thần không khó đoán, nhất là khi dựa trên một sự kiện chấn động có thật. Thế nhưng, Kwak Kyung Taek kể lại nó bằng một thái độ trân trọng, nâng niu qua từng thước phim, khiến nỗi đau về thảm kịch chạm vào người xem vẫn tự nhiên, mặc cho sự xuất hiện của một số tình tiết melodrama quen thuộc trong phim Hàn.
Những thước phim ám ảnh nhất Hỏa thần là khi hỏa hoạn bùng phát ở khu phố Hongje Dong, vào thời điểm rạng sáng 4/3/2001.
Lửa bùng lên, sục sôi và giận giữ như muốn nuốt chửng những nạn nhân xấu số bên trong nó. Những cột khói đen bốc cao hàng chục mét. Bụi bay mù mịt. Tiếng còi chữa cháy inh ỏi, thúc lên từng hồi xé lòng giữa những xôn xao không dứt của đám đông.
Phía trong ngọn lửa, đội lính cứu hỏa vẫn dò dẫm tìm kiếm từng nạn nhân còn mắc kẹt. Họ bất chấp tiến vào từng ngóc ngách, đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau. Lửa cháy làm da thịt họ bỏng rát. Khói làm họ ngạt. Rồi cả những đồ đạc, bức tường, cầu thang sụp đổ ngáng chân họ.
Vậy mà chẳng gì cản nổi những đôi mắt lấp lánh đang căng lên tìm kiếm tín hiệu sự sống giữa bốn bề khói đen. Từng phút giây nặng nề trôi, theo tiếng thở phì phò sau chiếc mặt nạ dưỡng khí sắp cạn oxy, báo hiệu thời gian của họ sắp hết.
Họ sợ không? Sợ chứ!
Sợ ngọn lửa cướp mất sự sống của bản thân và đồng đội. Sợ khói đen bao vây, sợ công trình đổ sập, sợ không còn đường lui nếu cứ cố chấp tiến vào những ngóc ngách tăm tối...
Họ có dừng lại không? Chắc chắn là không rồi!
Ngọn lửa trong tim sục sôi, bỏng cháy hơn ngọn lửa đang vây lấy họ. Những chiến sĩ cứu hỏa liều lĩnh đối đầu với nỗi sợ, chẳng biết đó là lần thực hiện nhiệm vụ cuối cùng.
Tài tử Kwak Do Won trong vai người đội trưởng kiên định và gai góc, hết mình vì nhiệm vụ để lại ấn tượng sâu đậm. Anh dường như sống với nhân vật, khiến người xem rơi lệ với màn hóa thân giàu cảm xúc. Ánh mắt nhân vật ở hồi kết để lại ám ảnh khôn nguôi, với nhiều day dứt về cuộc đời của những siêu anh hùng trong màu áo cam.
Không riêng Kwak Do Won, màn nhập vai tự nhiên của dàn cast với nhiều cái tên quen thuộc như Joo Won hay Yoo Jae Myung đã thổi hồn vào hình tượng những người lính cứu hỏa quả cảm. Những chiến binh thầm lặng đầy lạc quan ấy “dù bị đâm xuyên người hay lửa cháy trên lưng cũng không hoảng loạn ở hiện trường”.
Họ không chùn bước trước ngọn lửa, vì tinh thần trách nhiệm đã chiến thắng nỗi sợ.