Mục tiêu trở thành 'Bản Việt thu nhỏ' của Chứng khoán DSC

Theo ông Bạch Quốc Vinh - Tổng giám đốc Chứng khoán DSC, chiến lược phát triển của DSC trong những năm tới sẽ tương đồng với Chứng khoán Bản Việt (nay là Chứng khoán Vietcap), tập trung vào mảng ngân hàng đầu tư (investment banking - IB).

Tổng giám đốc Bạch Quốc Vinh phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của DSC. Ảnh: DSC

Tổng giám đốc Bạch Quốc Vinh phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của DSC. Ảnh: DSC

Chia sẻ tại đại hội thường niên tổ chức ngày 4/4, ông Bạch Quốc Vinh – Tổng giám đốc Chứng khoán DSC cho biết mục tiêu trong năm 2025 và những năm tiếp theo của công ty, là đưa DSC vào Top 15 công ty chứng khoán có tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cao nhất, Top 10 về ROE, và Top 5 về quản trị chi phí.

Về chiến lược, DSC không tập trung nhiều về thứ hạng hoạt động kinh doanh môi giới, khi hiệu quả lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu không cao, đặc biệt là với các công ty chứng khoán quy mô còn khiêm tốn như DSC. Thay vào đó, DSC sẽ tập trung nguồn vốn cho tư vấn tài chính doanh nghiệp, tự doanh, quản lý tài sản ủy thác cho khách hàng, đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp niêm yết.

“Công ty sẽ hoạt động theo hướng ngân hàng đầu tư – investment banking, có môi giới, có hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp, có đầu tư dài hạn, ngắn hạn,” ông Bạch Quốc Vinh cho hay.

DSC không phải là công ty chứng khoán lớn, dù vậy với việc quản lý tốt chi phí, doanh thu hợp lý, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều đặn ở mức 40%/năm. Theo Tổng giám đốc Bạch Quốc Vinh, DSC đi sau những công ty khác khoảng 20 năm, do đó phải có những hướng đi độc đáo, bỏ nhiều tiền để lấy 1 – 2% thị phần chưa hẳn đã là phương án tốt.

“Trong 2 – 3 năm tới, DSC sẽ có con đường tương đối giống với Chứng khoán Bản Việt (Chứng khoán Vietcap - VCI). Vẫn có môi giới và thị phần, tuy nhiên chúng ta sẽ giành nhiều nguồn lực cho hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp, đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp khác và giúp họ niêm yết,” Tổng giám đốc DSC chia sẻ với cổ đông.

Ông Bạch Quốc Vinh đánh giá, khi DSC tham gia đầu tư vốn vào doanh nghiệp và những doanh nghiệp này niêm yết thì DSC sẽ "trở thành một cỗ xe với 2, 3 đầu kéo". Hiện DSC chỉ có "một đầu kéo" là nội tại của công ty. Theo ông Vinh, nếu nguồn vốn tăng thêm giúp bổ sung "2 – 3 đầu kéo khác" và "các đầu kéo" khi niêm yết thì khoản đầu tư của DSC vào các công ty này cũng sẽ được định giá lại.

Tổng giám đốc DSC đánh giá hướng đi này rất phù hợp với định hướng mở rộng mảng ngân hàng đầu tư của công ty, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Dù có thể không lớn được như Bản Việt, nhưng mô hình này sẽ giúp công ty tiết chế chi phí và mang lại hiệu quả cao.

Toàn cảnh hội trường tại ĐHĐCĐ năm 2025 của DSC.

Toàn cảnh hội trường tại ĐHĐCĐ năm 2025 của DSC.

Tổng giám đốc DSC nhận định, nếu đổ tiền để chạy đua mở rộng thị phần, DSC sẽ khó để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp đầu ngành như HSC, SSI hay VPS, nguồn lực cần thiết cũng sẽ rất lớn. Do đó, công ty lựa chọn hướng đi phù hợp và ít rủi ro hơn, là đầu tư vốn dài hạn vào các doanh nghiệp, với điều kiện là các doanh nghiệp này sẽ tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Lấy dẫn chứng minh họa, ông Bạch Quốc Vinh đánh giá cao khoản đầu tư vào CTCP May Sông Hồng (MSH) của Chứng khoán FPT (FPT Securities), mỗi khi cổ phiếu MSH tăng giá thì FPTS lại hưởng lợi. Hay như các khoản đầu tư của Chứng khoán Bản Việt, khi họ thoái vốn các khoản đầu tư dài hạn, lợi nhuận sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh công ty.

“Trong 3 năm tới, DSC định hướng sẽ không còn là một công ty chứng khoán truyền thống, mà trở thành một ngân hàng đầu tư – investment banker. Để cổ đông dễ hình dung, chúng ta sẽ trở thành một mô hình Bản Việt thu nhỏ, hoạt động ít nhân sự nhưng hiệu quả cao," Tổng giám đốc DSC chia sẻ với cổ đông.

“Hiện giờ chúng tôi đã có danh mục giải ngân cho 2 doanh nghiệp, một doanh nghiệp sẽ niêm yết trong vòng 2 năm tới. Doanh nghiệp còn lại đã được niêm yết và đang trong quá trình M&A, DSC sẽ cùng các cổ đông khác M&A công ty, tăng cường hoạt động quản trị, hỗ trợ họ lớn lên. Họ lớn thì mình cũng lớn cùng,” ông Bạch Quốc Vinh cho biết thêm.

Theo ông Vinh, trong suốt 2 năm qua, DSC cùng các đối tác chiến lược, các cổ đông lớn đã đi tư vấn tài chính doanh nghiệp để tìm kiếm những doanh nghiệp phù hợp với các tiêu chí của công ty. Doanh nghiệp đó phải có tăng trưởng, sẽ niêm yết và có tiềm năng thì DSC mới rót vốn. Nếu không, DSC chỉ đóng vai trò tư vấn tài chính và giúp các thương vụ M&A để lấy phí.

Lợi thế của các khoản đầu tư dài hạn là giá vốn thấp. Hiện nay, DSC chỉ rót khoảng 300 – 400 tỷ đồng vào mảng tự doanh. Tuy nhiên, nếu có cơ hội đầu tư dài dạn, theo ông Bạch Quốc Vinh, công ty sẵn sàng rót thêm khoảng 200 – 300 tỷ đồng cho hoạt động này.

Mục tiêu lãi kỷ lục, mời gọi cổ đông chiến lược

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Anh trao hoa chúc mừng tân Thành viên HĐQT Bùi Văn Hùng.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Anh trao hoa chúc mừng tân Thành viên HĐQT Bùi Văn Hùng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 4/4, với tỷ lệ đồng thuận cao, cổ đông DSC đã thông qua việc miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với ông Vũ Nhật Lâm và bầu bổ sung ông Bùi Văn Hùng đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Bên cạnh đó, đại hội cũng đã thông qua toàn bộ báo cáo, tờ trình và các nội dung quan trọng liên quan đến hoạt động của DSC cũng như định hướng phát triển trong năm 2025.

Trong năm 2025, Chứng khoán DSC lên kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu đạt 566,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 260,2 tỷ đồng, tăng 12,6% và 18,3% so với kết quả năm 2024. Trong trường hợp hoàn thành kết hoạch, đây sẽ là mức doanh thu và lợi nhuận cao nhất DSC từng đạt được trong lịch sử hoạt động của công ty này.

Một trong những vấn đề quan trọng khác tại được đại hội thông qua là 3 phương án tăng vốn điều lệ trong năm 2025.

Theo đó, DSC lên kế hoạch phát hành 34,82 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 17%), phát hành 35,34 triệu cổ phiếu chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 14,75%), và phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Tổng số lượng cổ phiếu phát hành thêm tối đa là 75,16 triệu cổ phần, dự kiến nâng vốn điều lệ của DSC từ 2048,4 tỷ đồng lên 2.800 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành từ năm 2025 – 2026, hoặc một thời điểm khác theo chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bên cạnh các phương án tăng vốn kể trên, theo Tổng giám đốc Bạch Quốc Vinh, DSC vẫn đang tìm kiếm đối tác chiến lược, củng cố thêm sức mạnh cho công ty.

Theo ông Bạch Quốc Vinh, với vốn điều lệ hiện tại quanh mức 2.100 tỷ đồng và mục tiêu tăng lên 2.800 tỷ đồng, để đẩy dư nợ cho vay ký quỹ (margin) lên 3.000 – 3.500 tỷ đồng sẽ không quá khó.

Tuy nhiên, để tăng lên con số này lên 4.000 hay 5.000 tỷ đồng sẽ bị giới hạn bởi nhiều vấn đề, công ty sẽ phải đi vay để cho vay. Hạn mức cho vay của ngân hàng không ổn định, lúc có thì họ cho vay, lúc thị trường khan hiếm thì họ cũng hết, cách này không thực sự bền vững.

“Do đó, chúng tôi đang tìm kiếm một đối tác chiến lược trong nước, để hỗ trợ việc bán lẻ, tăng trưởng nguồn vốn trong mảng khách hàng cá nhân. Hiện tại đã có một vài bên muốn trở thành cổ đông của DSC, chúng tôi đang trong quá trình lựa chọn sẽ tiến hành báo cáo với cổ đông khi hoàn thành thương vụ,” ông Bạch Quốc Vinh cho biết.

Minh Phong

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/muc-tieu-tro-tha-nh-ba-n-viet-thu-nho-cu-a-chung-khoan-dsc-40051.html
Zalo