Mục tiêu tăng trưởng 8%: 'Bàn làm, không bàn lùi'
Chiều nay, thảo luận ở hội trường về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, các đại biểu cho rằng: việc xác định mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt từ 8% là cần thiết, có cơ sở và có tính khả thi. Đây không chỉ là con số mà là cam kết manh mẽ về chính sách kinh tế và kỳ vọng của người dân.
![Quang cảnh phiên họp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_59_51485066/3890f21ec150280e7141.jpg)
Quang cảnh phiên họp
Các đại biểu cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% hoặc cao hơn nữa của năm 2025 là “bài toán”, “phép thử” để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo với mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Với tinh thần “bàn làm, không bàn lùi”, đại biểu Lê Văn Dũng, đoàn Quảng Nam khẳng định chúng ta có cơ sở, dư địa để thực hiện bởi hiện nay về xuất khẩu hàng hóa đã cán mốc 4 tỷ đôla. 9 năm liên tiếp xuất siêu. Điều đó không chỉ chứng tỏ vị thế của Việt Nam trong cạnh tranh, buôn bán với nước ngoài mà còn tác động đến GDP; tăng dự trữ ngoại hối, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia; lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu 11 năm liên tiếp. Cần khẳng định rằng dư địa cho phát triển nền kinh tế nước nhà còn rất lớn. Vấn đề quan trọng là làm sao vực dậy khơi thăm và đưa nguồn lực đất nước vào phát triển.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8%, theo các đại biểu cần tập trung vào các giải pháp thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư. Đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum; Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai phân tích: đầu tư công là động lực quan trọng để kích cầu tăng trưởng. Năm 2025, đầu tư công khoảng gần 900 nghìn tỷ. Đây sẽ là một động lực thúc đẩy phát triển rất quan trọng. Nhưng tốc độ giải ngân thì chưa được như mong muốn. Đề nghị Chính phủ quan tâm thúc đẩy mạnh hơn nữa vấn đề này.
“Giai đoạn vừa rồi đầu tư tư của chúng ta có xu hướng giảm và nếu không kích được đầu tư từ đầu tư công thì rất khó và sẽ là sức ép. Đầu tư tư chúng ta đang tăng trưởng với mức độ là khoảng 7-9%. Tôi cho rằng cần đặt chỉ tiêu đầu tư phải tăng hai con số trở lên. Đầu tư tăng thì phải dựa vào đâu. Tôi cho rằng rất liên quan đến nguồn tín dụng và nguồn vốn tín dụng phải tăng từ 18 đến 20%. Tất nhiên sẽ đặt ra câu chuyện lạm phát, tiền tệ, nhưng nếu không mạnh dạn và không quyết tâm rất khó cho các doanh nghiệp và phát triển”, đại biểu phân tích.
Ngoài yếu tố đầu tư trực tiếp của nước ngoài, các đại biểu đề nghị cần đầu tư phát triển của doanh nghiệp trong nước nhằm tạo không gian đủ lớn cho doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển, đặc biệt quan tâm phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân, đoàn Thái Bình đề nghị, với doanh nghiệp thì phân loại các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa nhỏ, doanh nghiệp FDI, hộ kinh doanh… và cần được đánh giá để có chính sách hợp lý. Ông cũng lưu ý, chính sách cần đặc biệt là tập trung hỗ trợ vào doanh nghiệp vừa bởi đây là lực lượng, có thể đầu tư, hỗ trợ để phát triển cho doanh nghiệp lớn mà quan trọng nhất là các doanh nghiệp công nghệ.
Các đại biểu cũng đề nghị cần có chỉ tiêu đánh giá KPI, tức là đánh giá kết quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Việc đánh giá KPI thông qua các thời điểm 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Đề nghị thử nghiệm trong năm 2025, nếu kết quả tốt sẽ áp dụng đánh giá KPI trong các năm tới. Những người hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được khen thưởng theo các cấp bậc khác nhau, thậm chí đề bạt lãnh đạo.
Giải trình ý kiến đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ các phương án chủ động nhằm đạt được mục tiêu 8% trở lên trong năm 2025. Trong đó, tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; chủ động tận dụng được sự dịch chuyển trong các dòng đầu tư thương mại và các chuỗi cung ứng hiện nay; đặc biệt cần quan tâm phát triển khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.
“Đẩy mạnh cắt giảm các thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi nhất cho khu vực kinh tế tư nhân để xây dựng một nghị quyết của Trung ương riêng cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có 5.000.000 hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kể cả những doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn. Chính phủ đang tập trung lại và sẽ báo cáo với Trung ương cho một Nghị quyết giống như Nghị quyết 57, riêng về khu vực kinh tế tư nhân”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng chiều nay, thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đại biểu đánh giá dự án có triển vọng, mang lại hiệu quả cao. Tuyến đường kết nối tuyến hành lang kinh tế quan trọng, đặc biệt kết nối thẳng đường sắt của Trung Quốc nên tính liên vận về hàng hóa trong nước với quốc tế rất cao. Đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn TP Hà Nội đề nghị: nghiên cứu các phương án làm chủ công nghệ trong quá trình xây dựng tuyến đường sắt này.
“Cần nhấn mạnh ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước trong việc làm chủ trong xây dựng cầu, đường, sản xúat đường ray, đóng toa xe. Giá thành ban đầu có thể cao hơn so với việc đi mua quốc tế nhưng nếu đặt hàng cho doanh nghiệp trong nước sản xuất thì toàn bộ tiền đầu tư đấy trở thành tăng trưởng kinh tế trong nước và nó tạo ra Gdp. Còn nếu chúng ta lại tiếp tục đi mua nước ngoài thì nó chảy nước ngoài không trở thành cái tăng trưởng. Và khi đặt hàng như thế thì đồng nghĩa với việc Chính phủ phải cam kết do các doanh nghiệp này có thị phần”, đại biểu Cường đề nghị
Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc đề nghị đánh giá tác động khi dự án hoàn thành. Khi dự án đường sắt Lào Cai, Hà Nội, Hà Nội hoàn thành sẽ tồn tại nhiều tuyến đường song hành; cùng trên một khu vực với các tỉnh; với các hình thức vận tải khác nhau như: đường sắt khổ đơn, đường sắt khổ đôi, đường bộ cao tốc và đường quốc lộ. Do vậy, tôi đề nghị cần đánh giá tác động khi dự án đường sắt hoàn thành sẽ tác động đến thị phần vận tải và hoạt động kinh doanh vận tải trên từng tuyến đường để có phương án trong thời gian tới cho phù hợp”.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh làm rõ các giải pháp về nguồn vốn, khả năng cân đối nguồn vốn và đảm bảo nợ công để chủ động linh hoạt trong sử dụng vốn là nguồn vốn trong nước và nguồn vốn vay nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Cũng chiều nay nay, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đề nghị cần có cách làm mới, cơ chế mới để Hà Nội và TPHCM tăng tốc, bứt phá trong thực hiện các dự án.