Mục tiêu đạt GDP 7%: Nỗ lực để 'về đích'

Hiện các chuyên gia kinh tế đang đưa ra nhiều kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2024. Trong đó kịch bản phần nhiều thiên về mức tăng GDP cả năm sẽ đạt 7%. Nếu theo kịch bản này thì áp lực tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2024 khá lớn.

Lĩnh vực công nghiệp được coi là điểm sáng của tăng trưởng. Ảnh: Quang Vinh.

Lĩnh vực công nghiệp được coi là điểm sáng của tăng trưởng. Ảnh: Quang Vinh.

Có lạc quan?

Mặc dù bão số 3 làm thiệt hại 81,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 0,15% tăng trưởng kinh tế năm 2024 nhưng GDP sau 9 tháng vẫn đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái nhờ sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ. Do đó, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất phấn đấu để đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 7% và thậm đã nhận được sự đồng tình của các thành viên Chính phủ.

Ông Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho biết, hết quý III/2024 nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt. Riêng GDP quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%. Đáng chú ý, xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh 16,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt mức 20,8 tỷ USD. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tính chung trong 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Việt, động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ tăng trưởng thương mại toàn cầu kéo theo những lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu, các mặt hàng chủ lực, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ cao như máy tính, điện thoại, các loại máy móc đều tăng trưởng 2 con số trong suốt 3 quý vừa qua. Bên cạnh đó là sự tăng trưởng trở lại của lĩnh vực da giầy, dệt may, nông nghiệp cùng các chính sách tiền tệ linh hoạt…

Giải pháp để về đích

Tuy được đánh giá có nhiều khả quan nhưng theo Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách, vẫn còn những rủi ro và thách thức ở phía trước, nhất là khi các chỉ số quản trị mua hàng PMI suy giảm, xuống dưới 50 điểm trong tháng 9. Tỷ lệ doanh nghiệp (DN) rút lui so với DN gia nhập thị trường vẫn cao; tiêu dùng trong nước và giải ngân đầu tư công chưa đạt được như kỳ vọng; xu thế phân mảnh kinh tế - chính trị toàn cầu, hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến cầu bên ngoài có thể suy giảm...

Do đó, theo Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách Nguyễn Quốc Việt, sản xuất nông nghiệp và du lịch tại miền Bắc cần sớm khắc phục hậu quả bão Yagi (bão số 3) để phục hồi nhanh hơn; các điểm sáng về thu hút FDI và xuất khẩu cần giữ vững tốc độ tăng tích cực; việc cân bằng giữa các động lực tăng trưởng, nhất là giữa xuất khẩu và tăng trưởng của thị trường trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng bền vững được đặt ra một cách cấp thiết; cần nghiên cứu kỹ các dòng chảy của đồng vốn FDI trên thế giới nói chung và vào Việt Nam nói riêng để có chính sách đối ứng; đầu tư công được xác định là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng trong quý IV/2024 để đạt được mục tiêu tăng trưởng 7%, do đó cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phải làm cho dự án sớm đi vào khai thác, mang lại tác động lan tỏa tới các ngành, các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng trước mắt và những năm tiếp theo…

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính), GDP có thể ảnh hưởng bởi cơ sở hạ tầng, tài sản cố định để phục vụ cho việc gia tăng GDP trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, tăng trưởng Việt Nam chủ yếu đang dựa vào xuất khẩu, tiêu dùng nội địa chưa phải là yếu tố có đóng góp lớn… do đó, theo ông Cường, trong thời gian tới phải kích cầu tiêu dùng trong nước để trở thành nguồn lực, trở thành yếu tố tổng cầu quan trọng, đóng góp tốt hơn trong tăng trưởng GDP.

THÁI NHUNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/muc-tieu-dat-gdp-7-no-luc-de-ve-dich-10293028.html
Zalo