'Mục tiêu của Dự án 8 là phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số phải có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn'
Đó là nhấn mạnh của của Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tại cuộc họp Ban Điều hành Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng 16/3.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Tại cuộc họp, bà Lò Thị Thu Thủy - Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo (TƯ Hội LHPN Việt Nam), Thành viên Ban Điều hành Dự án 8, đã báo cáo tiến độ thực hiện Dự án 8 đến năm 2022 và những vướng mắc, khó khăn.
Năm 2022, Dự án 8 triển khai thiết thực, phù hợp với thực tế
Trong năm 2022, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo điểm các mô hình, hoạt động của Dự án 8 và đạt được những kết quả nhất định.
Thứ nhất, hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em.
Cấp Trung ương đã tổ chức các sự kiện truyền thông, giới thiệu, vận động về Dự án như Sự kiện "Khát vọng phát triển của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số"; Truyền thông qua xây dựng các chương trình, chuyên trang/chuyên mục trên các kênh truyền thông đại chúng như phim về phụ nữ dân tộc Brâu…
Tại địa phương, đã thành lập được 1.320 tổ truyền thông cộng đồng (trong khi chỉ tiêu giai đoạn I là 9.000 tổ).
Đặc biệt, trong 10 tỉnh thực hiện 4 gói chính hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em, Hà Giang đã thực hiện hỗ trợ 36 bà mẹ sinh con tại trạm y tế, với số tiền 37,4 triệu đồng.
Thứ hai, xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Trong năm qua, tại địa phương đã thành lập mới 131 địa chỉ tin cậy.
Thứ ba, đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Năm 2022 đã thành lập 206 CLB Thủ lĩnh của sự thay đổi (đạt 11,4% tổng chỉ tiêu giai đoạn I); Tổ chức được 82 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ xã, thôn; Đồng thời đang tiến hành tập huấn hướng dẫn thực hiện đối thoại chính sách, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ đến cấp huyện, xã.
Thứ tư, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Đã tổ chức 8 lớp tập huấn cho 560 cán bộ Hội LHPN và các Sở, ngành liên quan triển khai dự án về kỹ năng lãnh đạo, quản lý; hướng dẫn triển khai Chương trình phát triển năng lực lồng ghép giới.
Ở địa phương, kết quả đã tổ chức 76 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ huyện, xã và 110 cuộc tập huấn cho trưởng thôn/bản/ấp/buôn, người có uy tín tại cộng đồng.
Nhìn chung, năm 2022, các hoạt động của Dự án 8 năm 2022 được thiết kế và triển khai bám sát yêu cầu định hướng của Dự án, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế; các hoạt động theo kế hoạch tại cấp Trung ương cơ bản hoàn thành; Tại địa phương đạt được một số kết quả bước đầu về các chỉ tiêu cốt lõi của Dự án.
Năm 2023 sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành về bình đẳng giới
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn vùng sâu vùng xa, đi lại không thuận lợi, trình độ dân trí còn thấp, người dân quen với tập quán sản xuất lạc hậu, manh mún…
Theo đó, bà Lò Thị Thu Thủy cho biết, trọng tâm của dự án trong năm 2023 là tập trung tham mưu sửa đổi, bổ sung các văn bản hỗ trợ tháo gỡ khó khăn/vướng mắc cho các địa phương trong thực hiện Dự án. Xây dựng/hoàn thiện, phát hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật triển khai một số nội dung cụ thể của Dự án 8, tài liệu hướng dẫn sinh hoạt các mô hình; Đặc biệt, sẽ phối hợp với một số bộ/ngành, cơ quan liên quan để triển khai các nhiệm vụ, chỉ tiêu của Dự án 8, thực hiện lồng ghép giới và giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong các Dự án do bộ, ngành được phân công chủ trì.
Chủ trì cuộc họp, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhận định, năm 2022, các cấp Hội đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai Dự án 8, song kết quả vẫn còn khiêm tốn. Năm 2023, từng đơn vị phải bám sát nội dung, xây dựng kế hoạch thật chi tiết, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận và kịp thời tháo gỡ khó khăn. Song song với đó, chúng ta phải tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát trong việc triển khai, thực hiện Dự án để việc triển khai dự án đạt hiệu quả hơn.
Đặc biệt, Hội LHPN Việt Nam cần tăng cường sự phối hợp thường xuyên với các tỉnh/thành, địa phương; hỗ trợ kỹ thuật kịp thời cho các Hội phụ nữ địa phương khi cần; cũng như tăng cường sự phối hợp với các bộ ngành liên quan.
"Mục tiêu của chúng ta là các đối tượng hưởng thụ chính của Dự án - phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số - phải có cuộc sống tốt hơn, bình đẳng hơn", Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.