Mức tài chính cam kết tại COP29: quá thấp so với đề xuất
Việt Nam, một trong những quốc gia đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, bày tỏ không hài lòng với kết quả đạt được tại COP29.
Sau nhiều vòng đàm phán và tranh luận nảy lửa tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP29), mức tài chính khí hậu mà các nước phát triển cam kết cho các quốc gia đang phát triển đến năm 2035 là 300 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, con số này chưa bằng một phần ba tổng mức huy động đề xuất.
“Việt Nam không hài lòng với kết quả đạt được tại COP29,” ông Phạm Văn Tấn, Cục phó Cục Biến đổi Khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu ý kiến ngay sau khi các bên đạt được đồng thuận cho Mục tiêu định lượng tổng thể về tài chính khí hậu rạng sáng ngày 24/11 (giờ địa phương) tại Baku, Azerbaijan.
Theo thỏa thuận kêu gọi ban đầu, các quốc gia đã đề xuất mức tài chính khí hậu cần huy động từ 1.000 đến 1.300 tỷ USD/năm từ nay cho đến năm 2030, dựa trên nhu cầu thực tế và các nguồn tài chính công lẫn tư nhân.
Thỏa thuận tài chính khí hậu này bị đại diện các nước đang phát triển chỉ trích vì cho rằng không đủ để hiện thực hóa các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại cuộc họp các bên vào rạng sáng 24/11, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu Simon Stiell cho rằng thỏa thuận tài chính khí hậu mới này là chính sách bảo hiểm cho nhân loại, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia.
"Đó là một chặng đường khó khăn, nhưng chúng tôi đã đạt được thỏa thuận", ông Steill cho biết sau khi thỏa thuận được thông qua.
"Nhưng giống như bất kỳ chính sách bảo hiểm nào, nó chỉ hiệu quả khi phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn,” ông Stiell nói, nhấn mạnh rằng “Cam kết phải được thực hiện để bảo vệ hàng tỷ sinh mạng".
Theo ông, mức tài chính đề xuất sẽ duy trì sự bùng nổ năng lượng sạch, giúp các quốc gia tạo ra nhiều việc làm hơn, tăng trưởng mạnh hơn và giúp hạ giá năng lượng.
Bình luận về kết quả tại COP29, bà Bùi Việt Hiền, Cán bộ Chương trình Biến đổi khí hậu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng con số 300 tỷ USD thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu.
Bà Hiền cũng cho rằng việc tranh cãi về các con số đề xuất và mức cam kết thể hiện sự phân rẽ rất rõ ràng giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Nhóm G77, liên minh gồm 135 quốc gia đang phát triển, nhấn mạnh rằng số tiền cam kết 300 tỷ USD chỉ nên coi là ngưỡng tối thiểu và cần tập trung vào tài chính công. Họ cho rằng các quốc gia phát triển, do có trách nhiệm trong quá khứ, cần có những đóng góp rõ ràng và nhiều hơn rất nhiều.
Trong khi đó, các nước châu Phi phản ứng mạnh mẽ, cho rằng con số 300 tỷ USD không đủ so với nhu cầu thực tế của khu vực, vì biến đổi khí hậu đã gây ra thiệt hại lớn. Họ yêu cầu mức cam kết cao hơn rất nhiều từ nguồn tài chính công của các nước phát triển và coi 300 tỷ USD chỉ là mức tối thiểu.
Bà Teresa Anderson, Trưởng nhóm Công lý Khí hậu của ActionAid Quốc tế coi mức cam kết tại COP29 là “cực kỳ nhẫn tâm” khi các nước đang phát triển “quay lưng lại” với các nước bị ảnh hưởng nhất.