Các công ty dầu khí nhà nước ASEAN hướng tới thỏa thuận về mức cơ sở phát thải khí metan

Petroliam Nasional Bhd. (Petronas) và một số công ty dầu khí quốc gia khác ở Đông Nam Á đã đưa ra tuyên bố chung, cam kết thiết lập một đường cơ sở phát thải khí metan trong khu vực sớm nhất là vào năm sau.

Petronas và một số công ty dầu khí quốc gia khác ở Đông Nam Á đã đưa ra tuyên bố chung, cam kết thiết lập một đường cơ sở phát thải khí metan trong khu vực sớm nhất là vào năm sau (Ảnh: Petronas)

Petronas và một số công ty dầu khí quốc gia khác ở Đông Nam Á đã đưa ra tuyên bố chung, cam kết thiết lập một đường cơ sở phát thải khí metan trong khu vực sớm nhất là vào năm sau (Ảnh: Petronas)

Đường cơ sở này, được sử dụng làm điểm tham chiếu để đo lường lượng khí metan thải ra môi trường theo các kịch bản hành động vì khí hậu, sẽ “dựa trên các tiêu chuẩn được công nhận quốc tế, và sau đó hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí metan tổng thể có thể đo lường được vào năm 2030”, tuyên bố cho biết.

Ngoài Petronas của Malaysia, các bên ký kết bao gồm Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, PT Pertamina của Indonesia, Myanma Oil and Gas Enterprise của Myanmar, Philippine National Oil Co., Singapore LNG Corporation Pte. Ltd., PTT Public Co. Ltd. của Thái Lan và Trung tâm Năng lượng ASEAN (ASEAN Center for Energy). Các tổ chức này là thành viên của Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE).

Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, 6 quốc gia đã tham gia Cam kết toàn cầu về khí metan (Global Methane Pledge) bao gồm: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam. Tại hội nghị COP26 hồi năm 2021, Liên minh châu Âu và Mỹ đã khởi xướng cam kết này, nhằm cắt giảm ít nhất 30% lượng khí metan do con người gây ra vào năm 2030 so với mức năm 2020. Theo tuyên bố, đã có 158 quốc gia tham gia.

Ngày 12/11, tại hội nghị COP29 ở Baku, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố lộ trình cho Cam kết toàn cầu về khí metan, với sự hỗ trợ từ các ngân hàng phát triển, tổ chức phi chính phủ và các nền kinh tế lớn.

Ngoài Ủy ban châu Âu, liên minh triển khai lộ trình còn bao gồm Canada, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ. Các đối tác ngân hàng và tổ chức tham gia gồm Carbon Limits, Clean Air Taskforce, Environmental Defense Fund, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Một tuyên bố chung của liên minh thừa nhận rằng, “trong những năm gần đây, lượng khí metan thải ra không giảm bớt mà ngược lại còn tăng cao”.

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải, lộ trình công bố tại Azerbaijan đặt mục tiêu xây dựng khung hợp tác giữa các quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch nhằm cắt giảm phát thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Lộ trình này cũng hướng tới phát triển một hệ thống giám sát, báo cáo và kiểm chứng “nghiêm ngặt”, bao gồm sử dụng công nghệ vệ tinh, thiết bị bay và máy bay không người lái.

Theo lộ trình, các bên ký kết sẽ phối hợp với ngành công nghiệp để xây dựng kế hoạch giảm phát thải với “mốc thời gian rõ ràng, kế hoạch đầu tư và nguồn nhân lực cần thiết, cũng như lượng phát thải cần giảm, trong phạm vi có thể thực hiện”.

“Đồng thời, các công ty và nhà đầu tư tư nhân sẽ làm việc để tạo ra các điều kiện tài chính phù hợp, nhằm huy động vốn đầu tư cần thiết”, tuyên bố cho biết.

Lộ trình này cũng nhằm “đảm bảo đầu tư cho các dự án giảm phát thải ở các quốc gia khai thác, cùng với các nhà khai thác liên quan”.

“Ngân hàng Thế giới có thể trở thành một trong những đối tác tài chính quan trọng cho các quốc gia đang phát triển thông qua quỹ tín thác mới về giảm đốt cháy và khí metan, trong khi các nhà đầu tư tư nhân có thể cung cấp vốn thông qua các công cụ tài chính bền vững”, tuyên bố cho biết thêm.

“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia và các bên liên quan khác ủng hộ lộ trình hợp tác giảm phát thải khí metan, cũng như sẽ giới thiệu các ví dụ thực tế tại COP30”, các đối tác kêu gọi.

Tuyên bố của các bên liên quan đến dầu khí ở Đông Nam Á kêu gọi một “cách tiếp cận tiến bộ, hợp tác và toàn diện để giảm phát thải khí metan trong ngành năng lượng khu vực, như một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, đặt thiên nhiên, con người, cuộc sống và sinh kế làm trung tâm của các hành động ứng phó biến đổi khí hậu”.

Các bên đồng ý “hợp tác trong chuỗi giá trị năng lượng của Đông Nam Á để thúc đẩy các giải pháp đổi mới trong quản lý phát thải khí metan, cũng như tăng cường các biện pháp đo lường, giám sát, báo cáo, kiểm chứng và giảm thiểu ở mức tối đa”.

ASCOPE sẽ tạo điều kiện chia sẻ các kinh nghiệm về giảm phát thải khí metan và khử carbon.

Các đối tác Đông Nam Á cũng cam kết “phát triển các hoạt động hỗ trợ các mục tiêu của Hiệp định Paris, đồng thời công nhận rằng hoàn cảnh của từng quốc gia đòi hỏi những cách tiếp cận phù hợp”.

Họ sẽ “tích cực ủng hộ một quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng và toàn diện thông qua các đối thoại có ý nghĩa, phù hợp với các mục tiêu khí hậu do Chính phủ đặt ra, để thúc đẩy các biện pháp giảm phát thải cụ thể, hiệu quả, có thể kiểm chứng và mở rộng, đồng thời xem xét các tác động lớn hơn của quá trình chuyển đổi năng lượng”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/cac-cong-ty-dau-khi-nha-nuoc-asean-huong-toi-thoa-thuan-ve-muc-co-so-phat-thai-khi-metan-721029.html
Zalo