Kinh tế Mỹ - Những điều không ngờ tới
Kinh tế thế giới phải đối mặt với vô số vấn đề nghiêm trọng khi bước vào năm 2025, nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới không phải là một trong số đó.
Ngày 20/1 tới, ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng sau chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2024. Nhận bàn giao từ Tổng thống Joe Biden một nền kinh tế Mỹ được đánh giá lạc quan, nhưng quan điểm điều hành kinh tế của nhà kinh doanh lão luyện Donald Trump đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi.
2025 - khởi sắc
Bước vào năm 2025, giới phân tích cho rằng, có nhiều lý do để lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Được “tiếp sức” bởi chi tiêu không ngừng nghỉ của người tiêu dùng, quá trình phục hồi lịch sử của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch Covid-19 tiếp tục được kéo dài trong suốt năm 2024, bất chấp những lo ngại về lạm phát và lãi suất cao.
Thị trường tài chính Mỹ không sụp đổ dù trải qua những biến động lớn. Tăng trưởng kinh tế duy trì ổn định, liên tục vượt qua các dự báo bi quan, vượt lên mức lãi suất cao ngất ngưởng và lạm phát cao đến mức khó chịu. Việc tuyển dụng dù có dấu hiệu chậm lại, nhưng không xảy ra tình trạng sa thải, thị trường lao động lành mạnh.
“Nền kinh tế Mỹ, giống như nhiều năm qua, tiếp tục tăng trưởng với tốc độ rất ổn định”, chiến lược gia toàn cầu David Kelly tại JPMorgan Asset Management nhấn mạnh, không có dấu hiệu suy thoái nào thực sự rõ ràng trong thời điểm hiện tại.
Trên thực tế, những dự đoán về một cuộc suy thoái gần như chắc chắn xảy ra vào năm 2022 đã không trở thành hiện thực. Mặc dù cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) góp phần làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng tác động không nghiêm trọng như dự đoán.
Theo lý thuyết, một nền kinh tế rơi vào suy thoái khi có một cú sốc lớn, nhưng “hiện tại không có yếu tố nào trong nền kinh tế Mỹ có khả năng tạo ra điều đó”, theo chuyên gia David Kelly.
Giá xăng dầu thường là một yếu tố dẫn đến suy thoái, nhưng may mắn thay, giá năng lượng hiện tại vẫn ổn định. Sau đợt tăng giá kỷ lục vào năm 2022, giá xăng đã giảm đáng kể và dự kiến sẽ duy trì ở mức trung bình 3,22 USD/gallon vào năm 2025. Điều này giúp củng cố niềm tin của người tiêu dùng Mỹ và giảm áp lực lạm phát.
Trong khi đó, một trong những tín hiệu tích cực là tốc độ tăng tiền lương vượt qua tốc độ tăng giá cả, mang lại thu nhập thực tế cao hơn cho người lao động.
Do đó, theo Chủ tịch Fed Jerome Powell, “việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu giúp người dân cảm thấy tốt hơn về nền kinh tế”. Fed bắt đầu hạ lãi suất sau khi lạm phát hạ nhiệt, với ba lần cắt giảm liên tiếp. Mặc dù chi phí vay thế chấp vẫn cao, nhưng sự điều chỉnh này đã giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Hiện tại, giới phân tích và công chúng quan tâm nhiều đến các chính sách kinh tế của chính quyền tương lai. Ông Trump cho biết sẽ tập trung cắt giảm thủ tục hành chính, cải cách thuế và thúc đẩy năng suất, chống thất thoát lãng phí, thông qua một ban cố vấn do tỷ phú Elon Musk đồng lãnh đạo. Glenn Hubbard, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống George W. Bush, đánh giá cao những nỗ lực này và tin rằng, chúng có thể mang lại hiệu quả đáng kể trong việc thúc đẩy tăng trưởng dài hạn cho kinh tế Mỹ.
CNN bình luận, dù bức tranh kinh tế tổng thể đầy hứa hẹn, vẫn còn nhiều rủi ro có thể đe dọa sự ổn định. Theo các chuyên gia, các chính sách thương mại của ông Trump, bao gồm bảo hộ thương mại, áp đặt thuế quan mới, có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và gây ra lạm phát.
Ngoài ra, các kế hoạch trục xuất lao động nhập cư có thể làm thiếu hụt lao động trong một số ngành công nghiệp, đẩy tiền lương và giá cả lên cao. Căng thẳng tiềm ẩn giữa ông Trump và Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng là một yếu tố sẽ được theo dõi.
Tuy nhiên, chuyên gia David Kelly của JPMorgan cho rằng, “chúng ta không nên lo lắng quá nhiều về những rủi ro đã biết. Thay vào đó, hãy chú ý đến những điều không ngờ tới”.
Trumponomics trở lại, lợi hại hơn xưa?
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2024, ông Trump tiếp tục đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu, nhấn mạnh các biện pháp giảm thuế trong nước, áp thuế quan và cắt giảm chi tiêu công.
Nổi bật trong chính sách này là đề xuất thành lập Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk và cựu ứng cử viên Tổng thống Vivek Ramaswamy đứng đầu. Cơ quan này được kỳ vọng giúp tối ưu hóa hoạt động chính phủ và giảm lãng phí qua việc số hóa và ứng dụng AI.
Tuy nhiên, một số người cho rằng đây là biện pháp mang tính biểu tượng, do những cắt giảm ngân sách an sinh xã hội và quốc phòng đã gây nhiều tranh cãi. Hiện tại, nợ công Mỹ đã vượt ngưỡng 36 nghìn tỷ USD, tương đương gần 120% GDP. Điều này gây áp lực lên lãi suất, giảm đầu tư công và đặt nền kinh tế trước những biến động khó lường.
Trong bối cảnh này, ông Trump đề xuất tăng thuế quan, sửa đổi luật thuế thu nhập, nhưng nguy cơ tăng chi phí cho người tiêu dùng và lạm phát có thể gia tăng. Biện pháp này đòi hỏi phải cân nhắc vì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích nhận định, việc tập trung vào chính sách bảo hộ thương mại có thể làm suy yếu năng lực cạnh tranh lâu dài của nền kinh tế Mỹ. Việc áp thuế quan sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất nội địa khiến hàng hóa Mỹ kém cạnh tranh hơn trên thị trường toàn cầu.
Ngược lại, các ý kiến ủng hộ cho rằng, những chính sách này có thể khuyến khích đầu tư vào sản xuất trong nước và giảm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nước ngoài. Những thách thức từ việc cắt giảm chi tiêu công cũng được đặt ra.
Thêm vào đó, một số chuyên gia tài chính cảnh báo, nợ công gia tăng làm xói mòn niềm tin nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Mỹ, khiến đồng USD chịu áp lực giảm giá. Điều này có thể làm tăng chi phí vay mượn và đẩy lãi suất lên cao, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tóm lại, chính sách kinh tế Trumponomics 2.0 đưa ra nhiều sáng kiến nhằm cải thiện nội lực kinh tế, nhưng các nhà phân tích cho rằng cần phải có sự cân bằng hợp lý giữa bảo hộ thương mại, ổn định tài chính và công bằng xã hội để đạt được mục tiêu lâu dài.
Trong cuộc trao đổi với Tổng biên tập John Micklethwait của Bloomberg News hồi tháng 10/2024, ông Trump từng nói rằng “từ đẹp nhất trong từ điển là “thuế quan”. Bởi vậy, việc Tổng thống đắc cử có thái độ ủng hộ các loại hình thuế quan không phải là điều đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, Bloomberg bình luận, điều chắc chắn duy nhất liên quan đến các kế hoạch kinh tế của Tổng thống Mỹ thứ 47 cho đến thời điểm này là chưa có gì chắc chắn.