Mức sinh người Việt tiếp tục giảm sâu, lập mốc mới chưa từng có trong lịch sử
Năm 2024 dù được coi là 'năm đẹp' nhưng không kéo được mức sinh của người Việt tăng lên, thậm chí tiếp tục giảm, đạt mức thấp nhất trong lịch sử là 1,91 con/phụ nữ.
Tại hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2024 diễn ra ngày 27/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết 3 năm liên tiếp mức sinh ở Việt Nam liên tục giảm với tốc độ nhanh chóng.
Cụ thể, mức sinh trên toàn quốc giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022), 1,96 con/phụ nữ (2023), và năm 2024 là 1,91 con/phụ nữ, theo ước tính của Bộ Y tế.
“Đây là mức thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo”, bà Liên Hương cho biết.
Trong hai thập kỷ qua, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao. Năm 2024, phụ nữ vùng thành thị chỉ sinh 1,67 con, tiếp tục giảm so với năm 2023 (1,7 con/phụ nữ).
Tại khu vực nông thôn, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số, cho biết mức sinh ở đây luôn cao hơn mức sinh thay thế, ở mức 2,2-2,3 con/phụ nữ. Tuy nhiên, năm 2023, lần đầu tiên với mức sinh giảm xuống còn 2,07 con, lần đầu tiên con số này dưới mức sinh thay thế (2,1 con). Năm 2024, mức sinh của phụ nữ nông thôn là 2,08 con.
Theo dự báo dân số Việt Nam thời kỳ 2019-2069, giả thiết về mức sinh thấp cho thấy mức sinh chung của cả nước sẽ bắt đầu từ 2,09 con/phụ nữ năm 2019 và giảm dần. Đến cuối thời kỳ dự báo, năm 2069, mức sinh của Việt Nam sẽ đạt 1,85 con/phụ nữ.
Trong trường hợp mức sinh giảm mạnh như phương án thấp thì sau năm 2054 (nghĩa là 30 năm nữa), dân số Việt Nam sẽ bắt đầu tăng trưởng âm và mức giảm dân số ngày càng lớn. Giai đoạn 2054 - 2059, bình quân mỗi năm dân số giảm 0,04%/năm, mức giảm này ở cuối thời kỳ dự báo (2064 - 2069) là 0,18%/năm, tương đương giảm bình quân 200.000 người mỗi năm.
Xu hướng mức sinh giảm diễn ra ở nhiều địa phương
Tại Việt Nam, mức sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, mức sinh còn cao ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Năm 2024, vùng Trung du và miền núi phía Bắc (ước 2,34 con/phụ nữ) và Tây Nguyên (ước 2,24 con/phụ nữ). Đây vẫn là 2 vùng có mức sinh cao.
4 vùng kinh tế xã hội còn lại có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế hoặc mức sinh thấp. Trong đó, Đông Nam bộ vẫn là nơi có mức sinh thấp nhất cả nước (ước 1,48 con/phụ nữ).
Xu hướng mức sinh giảm diễn ra ở nhiều địa phương. Trong nhóm 9 tỉnh thuộc vùng mức sinh thay thế, có 7 tỉnh tiếp tục giảm mức sinh dưới mức thay thế.
Trong nhóm 21 tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp, có 13 địa phương tiếp tục giảm sâu dưới mức sinh thay thế. Cục Dân số đánh giá các tỉnh mức sinh thấp chưa có nhiều chính sách, mô hình can thiệp, khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Trong nhóm 33 tỉnh thuộc vùng mức sinh cao, có 10 tỉnh có mức sinh giảm xuống xung quanh mức sinh thay thế.
Hỗ trợ để các gia đình, đặc biệt ở vùng mức sinh thấp "không sợ sinh con"
Thứ trưởng Bộ Y tế Liên Hương cho biết nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng công tác dân số và phát triển trong thời gian tới, trong Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế soạn thảo có đề xuất các nội dung nhằm đảm bảo mức sinh thay thế, liên quan đến quy định số con của mỗi gia đình hay xử lý vi phạm chính sách dân số… Bên cạnh đó, Dự Luật cũng đề cập vấn đề hỗ trợ người lao động sinh con, có con nhỏ, để các gia đình, đặc biệt ở vùng mức sinh thấp "không sợ sinh con".
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế, Cục Dân số cần hoàn tất hồ sơ Dự Luật để trình Chính phủ trong tháng 12, tiến tới trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 10 (năm 2025).
Còn theo ông Phạm Vũ Hoàng (Cục Dân số), nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia, một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là sửa đổi quy định về xử lý kỷ luật, không xử lý trường hợp sinh từ 3 con trở lên, song song với việc thúc đẩy và có các chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng, cá nhân sinh đủ 2 con.
Theo Cục Dân số, năm 2024, tuổi thọ trung bình của người Việt đạt 74,6 tuổi, vượt chỉ tiêu kế hoạch, cao hơn năm 2023 (74,5 tuổi).
Tỷ số giới tính khi sinh ước đạt 112,3 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, không đạt chỉ tiêu đề ra là 111,2/100.