Mức phạt tăng cao, vì sao nhiều shipper vẫn bất chấp đeo khẩu trang che biển số?
Với những người giao hàng bằng xe máy (shipper) hay xe ôm công nghệ, dù biết việc che biển số là vi phạm quy định về an toàn giao thông, nhưng vẫn bất chấp làm vì nhiều lý do.
Trên các con phố đông đúc, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy lăn bánh với biển số mờ tịt, hoặc bị che lấp bởi băng dính, decal, hay thông dụng nhất là bịt kín mít bởi một chiếc khẩu trang.
Điều đáng nói là phần lớn những phương tiện này đều thuộc về lực lượng shipper (người giao hàng bằng xe máy) hoặc tài xế xe ôm công nghệ.

Không khó bắt gặp cảnh những shipper, xe ôm công nghệ "đeo khẩu trang" cho biển số xe. Ảnh: Hoàng Hiệp
Biết sai vẫn làm vì… ít bị xử phạt
Từ đầu năm 2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) đã tăng mức phạt đối với các hành vi che biển số gấp 5-6 lần so với trước đây, lên mức 4-6 triệu đồng. Tuy nhiên thực tế, tình trạng cánh tài xế xe ôm công nghệ, shipper "đeo khẩu trang" che biển số vẫn gần như không thuyên giảm.
Thẳng thắn chia sẻ về điều này với VietNamNet, anh Nguyễn Xuân T. - một tài xế GrabBike ở Hà Nội cho biết, việc xe ôm công nghệ hay shipper che biển số đã xuất hiện và được truyền tai nhau từ khoảng 4-5 năm nay, phổ biến và dễ dàng nhất là đeo cho biển số một cái khẩu trang, vừa nhanh, vừa hiệu quả.
Lý giải về việc làm này, anh T. cho biết: "Che biển số là cách đơn giản nhất để tránh bị công ty phát hiện khi vi phạm quy định như không mặc đồng phục, thiếu mũ bảo hiểm, chở quá người hay đi vào khu vực cấm. Nếu bị giám sát nội bộ hoặc các đồng nghiệp khác chụp ảnh, tài khoản có thể bị khóa từ vài ngày đến vĩnh viễn".
“Nhiều khi tiện đường đi chơi hay có việc riêng, nhưng tôi vẫn nhận cuốc bình thường, miễn là không để lộ biển số để công ty không phát hiện được. Tất nhiên mình nhận 100% tiền từ khách, không bị khấu trừ cho công ty”, anh T. nói thêm.
Không chỉ nhằm né phạt nội bộ, việc che biển số còn giúp nhiều tài xế, shipper linh hoạt hơn trong việc nhận đơn ngoài – tức là những đơn hàng không thông qua ứng dụng, hay thậm chí là chia sẻ tài khoản cho nhau để “cày doanh số” lĩnh thưởng.
Vũ Anh K., sinh viên tại một trường đại học ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) và hiện đang giao đồ ăn cho BeFood tiết lộ rằng, nếu một người chạy được doanh số cao sẽ được thưởng lớn. Tuy nhiên do điều kiện phải đi học nên nếu những nhân viên chạy "part time" như K. sẽ khó đạt được mức thưởng, do đó em thường chia sẻ tài khoản với 1-2 người bạn để đảm bảo đạt chỉ tiêu.
"Có hôm em bận học, các bạn vẫn chạy đơn trên tài khoản của em nhưng dùng xe máy biển số khác. Nhưng nếu bị hệ thống phát hiện sai người, sai xe sẽ bị phạt nên giải pháp an toàn là... che biển số. Khi chạy ship đồ ăn, một số cửa hàng còn gửi thêm vài đơn không qua app nên thu nhập cũng khá", K. nói với VietNamNet.
Dù hầu hết cánh shipper đều thừa nhận hành vi che biển số là vi phạm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhưng họ vẫn “đánh liều” vì cho rằng hiếm khi bị cảnh sát giao thông xử phạt.
“Che biển số dễ lắm, gắn vào rồi khi cần chỉ việc gỡ ra. Thường thì CSGT chỉ tuýt còi khi vi phạm rõ ràng như vượt đèn đỏ hay không đội mũ bảo hiểm. Còn che biển thì ít bị để ý, vì xe máy chỉ có một biển phía sau nên lúc thấy biển số bị che thì mình cũng đi qua chốt từ lâu rồi”, anh Đỗ Văn P., một tài xế xe ôm công nghệ khác, nói.
Ngoài khẩu trang, nhiều người còn dùng băng keo, bút xóa hoặc thậm chí làm nhòe, tẩy xóa biển số để "qua mặt" lực lượng chức năng. Tuy nhiên, "đeo khẩu trang" vẫn được coi là cách làm dễ dàng, hiệu quả và rẻ tiền nhất.

Muôn kiểu ngụy trang nhằm che biển số. Ảnh: Hoàng Hiệp
Hệ lụy lớn từ những “chiêu trò” nhỏ
Chia sẻ với VietNamNet, luật sư Dương Đức Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đức Trí Tín (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc "đeo khẩu trang" cho biển số được áp dụng mức xử phạt khá nặng, được quy định tại Điều 14, Nghị định 168.
Cụ thể, tại điểm b, khoản 3, Điều 14 Nghị định 168 nêu rõ, phạt tiền 4-6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy gắn biển số không đúng vị trí, không đúng quy cách theo quy định; gắn biển số không rõ chữ, số hoặc sử dụng chất liệu khác sơn, dán lên chữ, số của biển số xe; gắn biển số bị bẻ cong, che lấp, làm thay đổi chữ, số, màu sắc (của chữ, số, nền biển số xe), hình dạng, kích thước của biển số xe. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị trừ 6 điểm trên giấy phép lái xe.

Luật sư Dương Đức Thắng trao đổi với PV VietNamNet. Ảnh: Hoàng Hiệp
Theo luật sư Thắng, hành vi che, làm mờ biển số dù chỉ là một "chiêu trò" nhỏ nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, an ninh trật tự. Không chỉ cánh shipper, xe ôm, các nhóm đua xe trái phép cũng áp dụng chiêu này để tránh bị phát hiện. Những hình thức ngụy trang này tưởng đơn giản nhưng đang tạo ra kẽ hở lớn trong việc quản lý và xử phạt giao thông đô thị.
"Việc che biển số cản trở lực lượng chức năng trong việc xác minh, xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt là khi xảy ra tai nạn hoặc hành vi vi phạm luật như vượt đèn đỏ, đi sai làn, gây tai nạn rồi bỏ trốn. Trong nhiều trường hợp, camera an ninh ghi lại được hình ảnh phương tiện, nhưng không thể truy vết do biển số đã bị làm mờ hoặc che chắn", luật sư Thắng nói.
Ngoài ra, theo vị luật sư này, việc che biển số còn làm mất tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải công nghệ. Không ít tài xế lợi dụng điều này để chia sẻ tài khoản, nhận đơn ngoài ứng dụng hoặc vi phạm quy định của công ty (thiếu đồng phục, không đủ điều kiện an toàn tối thiểu), dẫn đến khó kiểm soát chất lượng dịch vụ và đẩy rủi ro cho khách hàng.
"Hành vi này tạo ra tiền lệ xấu, góp phần hình thành thói quen coi thường pháp luật, nhất là trong nhóm người trẻ hiện nay. Do vậy, rất cần các cơ quan chức năng xử phạt mạnh tay. Ngoài ra, chính những người sử dụng dịch vụ cũng cần tẩy chay đối với hành vi lập lờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro này", luật sư Dương Đức Thắng chia sẻ thêm.