Mức độ nguy hiểm của các cấp báo động lũ, cần làm gì để đảm bảo an toàn tại khi báo động?
Căn cứ vào đặc điểm, độ lớn mực nước lũ và mức độ tác động của lũ lụt đến an toàn đê điều, bờ, bãi sông, công trình và dân sinh, kinh tế - xã hội trên khu vực, báo động lũ sẽ được chia thành các cấp khác nhau. Lúc này, người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn?
Cấp báo động lũ là sự phân định cấp độ của lũ. Mỗi cấp độ lũ được xác định thông qua một giá trị mực nước tương ứng quy định tại các trạm thủy văn trên sông, suối, phản ánh mức độ nguy hiểm của lũ cũng như mức độ ngập lụt do lũ gây ra.
Có mấy cấp báo động lũ?
Theo khoản 2 Điều 3 Quyết định 05/2020/QĐ-TTg, cấp báo động lũ được phân thành ba cấp căn cứ vào đặc điểm, độ lớn mực nước lũ và mức độ tác động của lũ lụt đến an toàn đê điều, bờ, bãi sông, công trình và dân sinh, kinh tế - xã hội trên khu vực. Cụ thể:
Cấp báo động 1: Mực nước sông, suối dâng cao, bắt đầu gây ngập lụt nhẹ tại các vùng đất thấp. Nguy cơ đe dọa an toàn của một số khu vực, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng.
Cấp báo động 2: Lũ tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt diện rộng, ảnh hưởng đến các vùng bằng phẳng, ngoại trừ những thị trấn và thành phố được bảo vệ bởi đê điều. Tình trạng này làm gia tăng nguy cơ xói lở đê, cầu và bờ sông.
Cấp báo động 3: Đây là mức lũ nguy hiểm nhất, khi mực nước đã rất cao, gây ngập lụt toàn diện, kể cả trong các thành phố. Nguy cơ thiệt hại về cơ sở hạ tầng và an toàn của hệ thống đê điều ven sông trở nên rất nghiêm trọng.
Cùng với đó, theo Phụ lục VI được ban hành kèm theo Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg, tín hiệu báo lũ cũng được chia thành 3 cấp độ báo động tương ứng. Cụ thể:
Báo động số 1: Sẽ có một đèn nhấp nháy màu xanh và mực nước trên khu vực không chế đạt mức Báo động số 1;
Báo động số 2: Sẽ có hai đèn nhấp nháy màu xanh và mực nước trên khu vực khống chế đã đạt mức Báo động số 2;
Báo động số 3: Sẽ có ba đèn nhấp nháy màu xanh và mực nước trên khu vực khống chế đã đạt mức Báo động số 3.
Cần làm gì khi báo động lũ?
Tại Hà Nội, lũ trên sông Cầu qua Sóc Sơn, sông Bùi qua Chương Mỹ, sông Tích qua Quốc Oai đã vượt báo động 3, mức báo động khẩn cấp; lũ trên sông Hồng tại một số khu vực đã được báo động vượt mức độ 2.
Một số địa phương như Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương cũng đã phát báo động về lũ tại một số địa điểm Trong đó, Hải Dương đã nâng báo động mức 3 đối với nước lũ trên song Thái Bình. Trước đó, 23h ngày 10.9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương phát lệnh báo động 2 trên hệ thống sông Luộc.
Căn cứ vào tình hình thực tế tại từng khu vực bị báo động, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương sẽ yêu cầu thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo an toàn.
Cụ thể như tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều, các đoạn đê có địa chất xấu, các vị trí có ao đầm sát chân đê.
Giải phóng các bãi vật liệu, hàng hóa ở bãi sông gây cản trở thoát lũ, triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, hoa màu, hàng hóa và tài sản ngoài bãi sông, các công trình đang thi công trên sông, ven sông.
Chính quyền địa phương và người dân cần khẩn trương thu hoạch cây trồng, vật nuôi khu vực bãi thấp ven sông, cửa sông ven biển đến kỳ thu hoạch, chằng chống các lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản để giảm thiểu thiệt hại do việc xả lũ hồ chứa gây ra.
Chủ động triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu, các công trình đê điều, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê, đặc biệt khu vực hạ du, cửa sông, ven biển; đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông, ven biển đề phòng lũ kết hợp triều cường gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối.
Nếu xét thấy khả năng không an toàn, địa phương cần chủ động cho nước vào đề phòng vỡ đột ngột gây thiệt hại về người và tài sản sau khi đã di dời người và tài sản vào trong đê chính. Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.