Mùa xuân trồng cây nhớ Bác
Mùa xuân - mùa của yêu thương, của hạnh phúc tràn đầy, cũng là mùa để cây cối đâm chồi, nảy lộc. Trong không khí rộn ràng, phấn khởi của mùa xuân, nhân dân cả nước lại thi đua trồng thật nhiều cây xanh, hưởng ứng lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác Hồ, tạo nên một nét xuân độc đáo của người Việt.
Nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt
Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân với bút danh Trần Lực, kêu gọi mọi người, mọi nhà, các đoàn thể, địa phương cùng tích cực thi đua trồng, chăm sóc cây xanh và đề nghị tổ chức một ngày “Tết trồng cây” trong cả nước. Bài viết của Bác đã nêu hiệu quả thiết thực của việc trồng cây, không những giúp xây dựng kinh tế mà còn phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục đạo đức, lối sống con người. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã nhận được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Bằng sự kiên trì, gương mẫu, cứ mỗi dịp xuân về, Bác Hồ lại đi thăm và tham gia trồng cây với người dân, đồng thời viết bài cổ vũ cho “Tết trồng cây”. Cây đa đầu tiên Bác trồng là ở công viên Thống Nhất (Hà Nội) năm 1960. Bác cũng viết 2 câu thơ: “Mùa xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” để động viên mọi người hãy tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng, góp phần làm cho quê hương, đất nước thêm tươi đẹp.
Có thể thấy, những lời căn dặn về “Tết trồng cây” là bài học lớn của Bác để lại cho thế hệ sau về cách sống gần gũi với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững đất nước nhưng phải luôn giữ được màu xanh của cây cỏ, tạo cảnh quan, bóng mát, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… Đến nay, những lời căn dặn của Người vẫn còn nguyên giá trị. “Tết trồng cây” đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được nhân dân ta gìn giữ và phát huy.
Lan tỏa phong trào trồng cây làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường
Những năm qua, phong trào trồng cây dịp đầu năm mới luôn nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tác dụng, giá trị, ý nghĩa của hoạt động trồng cây, trồng rừng; vận động cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và nhân dân tham gia trồng cây nơi công sở, trường học, nhà văn hóa thôn, đường làng, ngõ xóm, vườn nhà…
Qua đó, mỗi cá nhân, tập thể chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng, bảo vệ môi trường sinh thái; hoàn thành thắng lợi kế hoạch trồng cây, trồng rừng hàng năm của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 37.000 ha đất lâm nghiệp, chiếm 27,5% diện tích đất tự nhiên. Giai đoạn 2017 - 2024, toàn tỉnh đã trồng gần 4.000 ha rừng tập trung, gần 6.800 ha cây phân tán; gieo ươm và xuất vườn 23,5 triệu cây giống. Độ che phủ của rừng đạt 25%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Mỗi người dân Vĩnh Phúc đều không thể nào quên, ngày 25/1/1961, khi về thăm thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường - đơn vị có phong trào trồng cây dẫn đầu miền Bắc, nói chuyện với nhân dân, Bác khen ngợi Lạc Trung nói riêng, Bình Dương nói chung, đồng thời cũng nhắc nhở, phê bình một số địa phương chưa làm tốt phong trào trồng cây. Bác nhấn mạnh, trồng cây phải trở thành phong trào quần chúng rộng lớn mới có hiệu quả.
Từ đó đến nay, phong trào trồng cây của nhân dân thôn Lạc Trung nói riêng, nhân dân Vĩnh Phúc nói chung vẫn luôn được chú trọng và không ngừng phát huy. Người dân tích cực tham gia trồng cây, không kể xuân, hè. Đã có biết bao cánh rừng trồng tập trung, biết bao triệu cây phân tán được người dân trồng, chăm sóc, góp phần làm phong phú thêm nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn, hạn chế lũ lụt, làm đẹp cảnh quan, tạo môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp, nhất là trong bối cảnh trái đất đang đứng trước những vấn nạn như ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu...
Việc trồng cây không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, tạo cảnh quan môi trường, mà còn là cách giáo dục hiệu quả với thế hệ trẻ trong việc tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Hưởng ứng “Tết trồng cây” chính là hành động thiết thực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Mỗi dịp xuân về, “Tết trồng cây” thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đón xuân Ất Tỵ, trên mọi miền đất nước, nhân dân lại nô nức tổ chức “Tết trồng cây”, với mong muốn có thêm nhiều cánh rừng xanh tốt, nhiều tuyến đường rợp bóng cây xanh, thiết thực góp phần “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.