Mùa xuân nho nhỏ

Huế tháng Ba, lác đác trong thành phố vẫn còn một vài cội mai khoe sắc vàng trong vườn nhà ai đó. Năm nay là năm đặc biệt của hoàng mai xứ Huế khi nở muộn đến thế, như thể mùa xuân cũng theo đó mà bước những bước rất chậm.

Sông Hương - dòng sông của nhạc và thơ. Ảnh: Hoàng Hải

Sông Hương - dòng sông của nhạc và thơ. Ảnh: Hoàng Hải

Gió lành lạnh làm tỉnh hẳn những người ra đường sớm. Thành phố buổi sáng mang một vẻ đẹp dịu dàng không tả nổi. Cây lá dịu dàng, con đường dịu dàng và dòng sông Hương thật quá dịu dàng. Tôi cùng bạn đứng trên ban công cầu Trường Tiền nhìn về phía thượng nguồn. Xa tít trước mặt là dãy núi xanh mờ, trùng điệp với mây trắng phủ trên đỉnh, ở nơi ấy, núi và mây là một. Hít một hơi thật sâu làn không khí lành lạnh, đẫm hơi nước, lòng bỗng nhiên mở ra, muốn bay lên, bay lên cùng với bao điều tinh khiết, trong sáng của buổi ban mai.

Dòng sông xanh phía dưới, trong mênh mang ấy, tôi nhớ mình đã từng tìm “một bông hoa tím biếc”, “một tiếng chim rơi” trên dòng sông này. Không phải tôi mơ mộng hão huyền mà là lời một bài hát đã đưa tôi đi tìm một miền đẹp như cổ tích ấy.

Hồi ấy tôi vừa mới ra trường, đang ở vào lứa tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của đời người, tràn đầy ước mơ và khát vọng. Tôi may mắn được vào học việc ở Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế. Thật tình, lúc ấy tôi chưa cảm nhận hết ý nghĩa công việc làm báo, mà niềm vui nhất là được ra vào tòa nhà nằm ở vị trí đẹp nhất Huế, ngay bên cạnh cầu Trường Tiền (bây giờ là vườn hoa với tượng đồng cụ Phan Bội Châu).

Nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế là giai điệu trong ca khúc “Mùa xuân nho nhỏ”, nhạc Trần Hoàn, thơ Thanh Hải. Ngày tôi mới vào Đài, một bậc tiền bối (nay đã về miền mây trắng) hỏi tôi thật nhẹ nhàng: “Vào Đài làm mà có biết nhạc hiệu của Đài không?”. Một câu hỏi đơn giản ấy vậy mà tôi không trả lời hoàn hảo được khi bậc tiền bối hỏi tiếp về nguồn gốc bài hát đó chứ không chỉ là giai điệu mà tôi xướng lên. Và tôi đã đi tìm để rồi thuộc ngay bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải trong tình huống “đố vui để học” như thế.

Có những buổi chiều ngồi bên cửa sổ của Đài mở ra hướng bờ sông, tôi nhìn dòng sông ngoài xa kia, từng câu thơ trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” như hiện lên trước mắt tôi, lấp lóa trên dòng sông dưới ánh nắng chiều. Tôi như nghe có tiếng chim hót đâu đó, dẫu biết rằng không có tiếng chim giữa dòng sông vắng cũng như không có bông hoa tím biếc nào trên sông, nhưng sao tôi thấy như có tất cả. “Mọc giữa dòng sông xanh/ Một bông hoa tím biếc/ Ơi con chim chiền chiện/ Hót chi mà vang trời/ Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay hứng về”.

Hồi ấy, chúng tôi, những sinh viên sinh cuối 6X, đầu 7X, lớn lên khi đất nước đã hòa bình, tuổi trẻ cũng xôn xao với cuộc sống mới, kính trọng lịch sử và gửi biết bao niềm tin và hy vọng vào tương lai: “Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước/ Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến”. Tuổi hai mươi của chúng tôi được đọc những vần thơ như thế, được hát những lời ca như thế, chúng tôi như được tưới một dòng nước mát vào tâm hồn là cánh đồng ruộng tốt đang chờ gieo những vụ mùa. Và đến khổ thơ “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc” thì chúng tôi đã dặn với lòng mình rằng “Sẽ cố gắng sống xứng đáng với cuộc đời này, với quê hương này”. Bây giờ nhìn lại thế hệ chúng tôi hồi ấy, rất nhiều bạn bè tôi đã sống như những “mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời” mà không hề hối tiếc vì những lựa chọn trong cuộc đời mình. Chọn đứng về phía yêu thương, chọn đứng về phía cống hiến trong thầm lặng, “nhập vào hòa ca” để làm “một nốt trầm xao xuyến” như bao nhiêu người.

Bài thơ “Một mùa xuân nho nhỏ” được nhà thơ Thanh Hải viết khi ông đang nằm trên giường bệnh, đang ở vào những ngày cuối của đời mình. Bài thơ ban đầu cũng chưa có tên, được vợ nhà thơ chép trong cuốn sổ tay. Ông mất ngày 15/12/1980. Bài thơ sau đó được nhạc sĩ Trần Hoàn phổ nhạc và bài hát “Mùa xuân nho nhỏ” ngay lập tức được yêu mến rộng rãi, được chọn làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế (sau đó là Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế và bây giờ là Đài Phát thanh và Truyền hình Huế). Bài thơ và âm nhạc đã đưa tâm hồn nhà thơ Thanh Hải đến với mọi người, dịu dàng, trong trẻo suốt gần nửa thế kỷ qua và sẽ còn mãi trên những hàng cây, trên những con đường, trên những dòng sông của Huế, bởi những câu chữ cuối cùng là tấm lòng yêu tha thiết cuộc sống và quê hương của người con quê quán Phong Điền, Phạm Bá Ngoãn (là tên khai sinh của nhà thơ Thanh Hải): “Mùa xuân ta xin hát/ Câu Nam ai, Nam bình/ Nước non ngàn dặm mình/ Nước non ngàn dặm tình/ Nhịp phách tiền đất Huế”.

Xuân An

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/mua-xuan-nho-nho-151994.html
Zalo