Mùa Xuân, nghĩ về Người
'Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta/ Thương cả cuộc đời, thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình, cho hết thảy/ Sữa để em thơ, lụa tặng già'! (Tố Hữu).
Cả cuộc đời vì nước vì dân – Bác của chúng ta là vậy đó – “nâng niu tất cả - chỉ quên mình”. Hai mươi mốt tuổi, người trai “chí lớn” – Nguyễn Ái Quốc đã đem lý tưởng, hoài bão giải phóng dân tộc đang chìm đắm trong cuộc đời nô lệ của thực dân Pháp, một mình dấn thân vào những vùng đất xa lạ tận “chân trời, góc bể” qua “năm châu, bốn biển”… Và cuối cùng tìm thấy ánh sáng chân lý ở “Luận cương về các vấn đề thuộc địa” của Lênin và reo lên một mình trong căn phòng ở Pari – Thủ đô nước Pháp – Đây là thứ mình cần để dân tộc Việt Nam thoát khỏi kiếp nô lệ.
1. 34 năm sau, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc “ Tuyên ngôn độc lập” – khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu “cột mốc bằng vàng” – Từ đây Việt Nam đã “có tên trên bản đồ thế giới và bắt đầu một thời đại mới dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng công – nông – Đảng Lao động Việt Nam và thời đại Hồ Chí Minh!
Cả cuộc đời Bác “Một đời thanh bạch chẳng vàng son”… Bác chỉ có vài tấm áo ka ki, có cái đã sờn, chiếc áo nâu sồng (Bác thường khoác ngoài áo ka ki màu trắng), rồi đôi dép cao su, quai dép cũng sờn gần hết. Trên bàn có cái radio bán dẫn Orionton. Vật chất là thế còn tinh thần thì sao? Bác cũng là người duy nhất không có bất kỳ các loại Huân, Huy chương gì, đến cả cái sơ đẳng nhất là Bằng khen Giấy khen, Người cũng không có.
Bác còn là người nghèo nhất trong cõi riêng tư. Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại: Có những đêm khuya rồi, Bác đã tắt đèn, nhưng trong phòng vẫn còn nghe tiếng đài. Ông tưởng Bác đã ngủ, rón rén đến tắt. Bác ngăn lại: “Đừng. Cứ để thế cho căn phòng Bác nó ấm, vì có tiếng người…”.
Nghĩ đến Bác, ngay cả một người bất hạnh đến cùng cực, cũng thấy được an ủi, sẻ chia?
Một người “nghèo nhất nước” như Bác, nhưng lại để lại cho chúng ta một di sản đồ sộ. Đó là một đất nước độc lập, toàn vẹn, một sự nghiệp cách mạng vĩ đại trường tồn, một tấm gương trong sáng về mọi mặt và lối sống mẫu mực, lan tỏa cảm hứng đến đồng bào, đồng chí và bè bạn quốc tế.
Ta hiểu vì sao Bác luôn quan tâm đến những người nghèo, người lao động. Người đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam – Đảng của tất cả mọi người - vì ai mà chẳng phải là người lao động - Bác còn dành lương mua quà cho người nghèo.
Những dịp Tết đến, Xuân về, Bác thường chọn những gia đình nghèo nhất để đến thăm và chúc Tết: chuyến thăm rất bí mật, không báo trước để địa phương nghênh đón, tuyên truyền, đưa tin - Thường chỉ có Bác và đồng chí Vũ Kỳ.
Một chị lao công ở trong khu hẻm nhỏ, đêm 30 Tết còn phải gánh nước thuê. Bàn thờ trống hoang. Tết đến với mọi nhà, nhưng Tết lại quên nhà chị. Vì vậy, chị bàng hoàng đến sửng sốt, buông rơi cả hai thùng nước, khi thấy Bác đột ngột xuất hiện trong ngôi nhà tồi tàn của mình: “Trời ơi, Bác… gia đình cháu khổ lắm… Cháu không ngờ Bác lại đến với cháu”? “ - Thế Bác không đến với cháu thì Bác còn đến với ai…? Chị bật khóc và Bác cũng khóc…
Dân còn nghèo, nên Bác sống rất đạm bạc, tằn tiện. Bữa ăn của Người là những bữa ăn đạm bác. Tiếp khách quốc tế, Bác chúng ta vẫn mang bộ quần áo nâu và đôi dép cao su từ chiến khu.
Một cán bộ tỉnh ái ngại: “Thưa Bác, Bác thay mặt cho Đảng, cho Dân, Bác vất vả thế này, có khi bạn bè quốc tế lại trách Đảng, trách Dân không chu toàn với Bác…”. Bác cười điềm đạm: “Bác sống thế này mà ở dưới, có chú còn nhũng nhiễu làm khổ dân. Bác mà sống xa hoa thì ở dưới các chú đục khoét hết của dân à?”. Một câu trả lời nhẹ nhàng nhưng nhân văn và sâu sắc biết bao!
2. Cuộc đời “thanh bạch chẳng vàng son…” của Người, nếp sống của Người là một bài học lớn cho cán bộ cấp dưới. Chúng ta hiểu vì sao trong những năm chiến tranh, đất nước loạn lạc, gian khó mà xã hội lại rất thanh bình, lòng dân không ly tán; ra đường không lo trấn lột, về nhà không sợ trộm cắp, cũng không có tham nhũng… Một đời sống lành mạnh giữa một bầu khí quyển trong veo.
Một người suốt đời sống vì dân, lo cho dân, ngay trong giây phút cuối cùng từ giã cõi đời, phần nói về minh – về việc riêng, Người cũng chỉ dành cho mình đúng 79 từ - “tổng kết cả một đời người 79 năm”; nhưng trong 79 từ “phong phanh” ấy, Người cũng chỉ canh cánh lo cho dân, không muốn tổ chức tang lễ “điếu phúng linh đình” để đỡ tốn thời giờ và tiền bạc của dân.
Chúng ta đang học tập tấm gương Đạo đức – tư tưởng Hồ Chí Minh – Con người Hồ Chí Minh trong thời đại Hồ Chí Minh.
Vậy “Tư tưởng Hồ Chí Minh là gì?”. Đó là “lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam mà nội dung chủ yếu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nó là sự vận dụng sáng tạo và có phát triển học thuyết Mác – Lênin trong hoàn cảnh Việt Nam, một nước thuộc địa và phong kiến từ đầu thế kỷ XX đến ngày nay và mai sau. Từ đỉnh cao của lịch sử dân tộc và loài người, Hồ Chí Minh đã tìm thấy và trang bị cho mình cái gì là tinh hoa, là ánh sáng của dân tộc Việt Nam và của thời đại; từ đó hình thành những luận điểm cách mạng”. Đó là Tư tưởng Hồ Chí Minh!
Ta có thể tìm thấy trong những câu nói bất hủ của Người, những kinh nghiệm được đúc kết của rất nhiều thời đại và một trong những bài học sâu sắc Người để lại cho chúng ta là sự ngoại cảm tinh tế chuẩn xác và nghệ thuật dùng người.
Có thể lấy một số sự kiện để minh chứng. Năm 1941, Bác có bức tranh, vẽ cây kèn, con số 1945 cùng câu thơ “Việt Nam độc lập thổi kèn loa” – Về sau quả đúng như vậy! Bác đã “nhìn” thấy ngày Độc lập trước 4 năm!
Người cũng dự đoán chuẩn xác thời điểm giải phóng Sài Gòn. Tối 30.4.1960, trong diễn văn chào mừng Quốc tế Lao động tại Hà Nội, có một dòng vô cùng đặc biệt, lúc bấy giờ Người giấu bằng nét gạch xóa, nhưng vẫn còn được lưu giữ trong Bảo tàng Hồ Chí Minh “…Cùng lắm chỉ 15 năm nữa, nước nhà sẽ thống nhất, đồng bào Nam, Bắc sẽ sum họp một nhà”…”. 15 năm nữa…”, tính từ năm 1960 thì đúng năm 1975!
Tài nhất ở Bác là nghệ thuật “dùng Người” – mấu chốt “quyết định” sự thắng lợi của Cách mạng. Năm 1946, khi phải rời Tổ quốc để ký hòa ước với Pháp, Hồ Chí Minh lại trao toàn quyền điều hành đất nước trong tình thế “Thù trong, giặc ngoài”, “ngàn cân treo sợi tóc” cho một nhân sĩ tri thức – nhà Nho uyên thâm – cụ Huỳnh Thúc Kháng và chỉ dặn đúng một câu “Ứng vạn biến, dĩ bất biến” mặc dù trong Chính phủ lâm thời có bao nhiêu đảng viên cốt cán mà được Người trao cho cả “vận mệnh đất nước”!
Thật là một quyết định quá táo bạo. Nhưng bằng ứng xử đẹp của một “Nho sĩ uyên thâm”, lại được trải qua việc tìm đường cứu nước qua năm châu, bốn biển”, Bác đã quy tụ được tất cả “tinh hoa của dân tộc” trong và ngoài nước đến với cuộc kháng chiến và kiến quốc cùng “đồng cam, cộng khổ với Người”.
Đặc biệt là với Võ Nguyễn Giáp. Không hiểu bằng “phép nhiệm màu” nào hay nhờ “tầm cao tư duy” mà Bác đã nhìn thấy khả năng “thiên bẩm” trong Võ Nguyên Giáp. Bấy giờ chỉ là một “Ông giáo dạy Sử ở trường tư thục Thăng Long, hoàn toàn xa lạ với quân binh, chiến trận, một sinh viên Luật học” mà Hồ Chí Minh lại giao cho phụ trách quân sự của Đảng – Tổng Tư lệnh kiêm Bí thư Quân ủy lực lượng vũ trang – phong thẳng lên Đại tướng; rồi ủy nhiệm cho toàn quyền quyết định việc quân ở một chiến dịch có tầm chiến lược với vận mệnh Tổ quốc như Điện Biên Phủ.
Người căn dặn Đại tướng: “Tổng Tư lệnh ra trận – Tướng quân tại ngoại. Trao toàn quyền cho chú quyết định”; “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc không đánh”. Và Đại tướng đã không phụ sự tin tưởng của người Thầy thân thiết và thiên tài của mình đưa ra một quyết định táo bạo: chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” – một quyết định “khó khăn nhất trong đời chỉ huy” – như sau này Đại tướng tâm sự. Kết quả là ta đã đánh một trận “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” – là “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Sau này, ta càng thấy “quyết định sáng suốt nhất” của Hồ Chí Minh đã được minh chứng bằng việc Đại tướng được thế giới vinh danh là một trong mười Vị tướng vĩ đại nhất của nhân loại qua mọi thời đại! Bác Hồ của chúng ta là như thế đấy và chỉ có những người từng trải, uyên thâm, ở tầm cao tư duy mới có khả năng “thiên bẩm” về việc dùng người như thế!
3. Năm 2025 này, chúng ta long trọng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng dân tộc vĩ đại, Người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang. Cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Đại thắng mùa Xuân, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc – “cột mốc bằng Vàng” chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước – như những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa của dân tộc.
Trên con đường hội nhập phát triển, Việt Nam đã đạt được những thành quả bước đầu đáng khích kệ với mục tiêu độc lập, tự chủ, tự cường, đúng dân giàu, nước mạnh theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là tiền đề mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc – “kỷ nguyên vươn mình” – thực hiện khát vọng cháy bỏng của Người để Việt Nam “vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu” – một Việt Nam Văn hiến – Văn minh – Hiện đại – dựng nên “cột mốc bằng vàng” mới trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh!