Triển lãm gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ của các văn nghệ sĩ tiêu biểu

Gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ của 8 cá nhân tiêu biểu gồm: Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ; Nhà văn, Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm; Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương; PGS.TS. NSND. Đạo diễn Ngô Mạnh Lân; Nhà văn, Nhà viết kịch Nguyễn Tất Đạt; TS. Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn; Nhà văn, Nhà viết kịch Học Phi; Nhà thơ, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát sẽ được giới thiệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Hà Nội).

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, ngày 21.5 tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức tọa đàm và triển lãm về tài liệu xuất xứ cá nhân.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ), thực hiện chức năng thu thập, chỉnh lý, bảo quản và tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ có ý nghĩa toàn quốc từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Hoạt động sưu tầm tài liệu cá nhân, gia đình, dòng họ được xác định là một trong những hoạt động quan trọng của Trung tâm.

Trải qua quá trình 30 năm hình thành, phát triển, công tác thu thập, sưu tầm tài liệu có xuất xứ cá nhân tại Trung tâm đã đạt được những kết quả nhất định.

Hiện nay, Trung tâm đang quản lý hơn 200 phông tài liệu có xuất xứ cá nhân, gia đình, dòng họ là những tài liệu được hình thành trong quá trình sống và hoạt động sáng tác của các cá nhân như: tài liệu tiểu sử, văn bằng chứng chỉ, thư từ, sổ sách, giấy tờ công vụ, bản thảo các tác phẩm, công trình sáng tác và nghiên cứu khoa học của các cá nhân.

Đây là những nguồn tài liệu quý, phản ánh đa dạng, sinh động đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giúp nghiên cứu về các góc nhìn chân thực sự phát triển xã hội cũng như chân dung, cuộc đời của các cá nhân gia đình, dòng họ tiêu biểu của Việt Nam.

Tọa đàm và triển lãm về tài liệu xuất xứ cá nhân là sự kiện có ý nghĩa, thiết thực điểm lại những kết quả đã đạt được trong công tác sưu tầm, thu thập tài liệu lưu trữ cá nhân (tài liệu lưu trữ tư), đồng thời là dịp hội ngộ của sự sáng tạo, lòng say mê lao động của các cá nhân trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau.

Tài hoa và sức sáng tạo của các cá nhân tỏa sáng trong từng tác phẩm, trong mỗi trăn trở qua từng con chữ, nốt nhạc, nét vẽ… Nhiều tác phẩm, nhiều công trình nghiên cứu trước khi đến với ngôi nhà chung trên các kệ giá của kho lưu trữ đã từng được chia sẻ, từng đến với cuộc sống, từng được xướng tên và ghi danh trong những diễn đàn khoa học, dưới ánh đèn sân khấu hay các sự kiện đặc trưng của các ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau. Đây là những tài liệu lưu trữ tiêu biểu, quý, hiếm của dân tộc.

Trân trọng, khẳng định giá trị về các tác phẩm của mình đối với tương lai, các cá nhân và gia đình đã gửi, bảo quản những “đứa con” của mình tại Kho Lưu trữ, qua đó để gìn giữ, lưu truyền và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tọa đàm với sự tham gia của các diễn giả là những cá nhân và đại diện các cá nhân, gia đình đã gửi tặng tài liệu vào Trung tâm; các cơ quan lưu trữ, cơ quan quan quản lý, hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.

Đây là diễn đàn để các cá nhân chia sẻ, giới thiệu về hành trình sáng tác, lao động, về quá trình gìn giữ những tài liệu quý cũng như đối thoại cùng cơ quan lưu trữ trong việc gìn giữ, bảo quản và phát huy giá trị của tài liệu trong tương lai.

Quá trình sáng tạo, gìn giữ những công trình và các tác phẩm của các cá nhân được minh chứng thực tế qua triển lãm về tài liệu lưu trữ của các cá nhân.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia III lựa chọn và giới thiệu gần 200 hình ảnh, tài liệu lưu trữ của 8 cá nhân tiêu biểu gồm: Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ; Nhà văn, Nhà viết kịch Đào Hồng Cẩm; Nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương; PGS.TS. NSND. Đạo diễn Ngô Mạnh Lân; Nhà văn, Nhà viết kịch Nguyễn Tất Đạt; TS. Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn; Nhà văn, Nhà viết kịch Học Phi; Nhà thơ, Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Những tài liệu này có giá trị phản ánh quá trình hoạt động lao động nghệ thuật của chính các tác giả. Với các chủ đề, đề tài khác nhau, các tác phẩm là minh chứng về đời sống tinh thần và lịch sử xã hội của đất nước, chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp được hun đúc cùng bề dày lịch sử văn hóa của người Việt Nam trên nhiều khía cạnh.

Với sự đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, tài liệu lưu trữ của các cá nhân được trưng bày và các tác phẩm của các tác giả đã góp phần làm phong phú thêm thành phần Phông Lưu trữ nhà nước Việt Nam.

MINH NGỌC

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/trien-lam-gan-200-hinh-anh-tai-lieu-luu-tru-cua-cac-van-nghe-si-tieu-bieu-135706.html
Zalo