Mùa Xuân miền sơn cước qua ống kính NSNA Trịnh Ngân Liên
Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trịnh Ngân Liên, nguyên Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Nam, hội viên Chi hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại Hà Nam gắn bó với bộ môn nhiếp ảnh từ khi còn là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Mấy chục năm công tác trong ngành báo chí, Nhà báo, NSNA Trịnh Ngân Liên có cơ hội được đi đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đến đâu, ông cũng tìm tòi, sáng tạo, ghi lại những bức ảnh đẹp về cảnh sắc thiên nhiên sinh động, đời sống sinh hoạt của người dân bản địa. Trong số đó, mùa Xuân miền sơn cước là một đề tài mang đến cho ông nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận và cũng nhiều ấn tượng, trăn trở…
“Màu của đất, hương của hoa, lãng mạn của mây trời”
Khi sắc thắm Tớ dày (hoa đào rừng) nhuộm đỏ những cánh rừng cũng là lúc báo hiệu mùa Xuân đã ngập tràn khắp bản làng miền núi phía Bắc. Tháng Giêng về, lòng người nghệ sĩ lại nôn nao một nỗi nhớ về những cung đường Tây Bắc bạt ngàn hoa xuân hay những thắng cảnh hùng vỹ vùng Đông Bắc. NSNA Trịnh Ngân Liên đã không thể đếm nổi số lần ông cùng những người bạn đam mê nhiếp ảnh “hò hẹn” nhau đến với rẻo cao. Miền núi phía Bắc mỗi mùa, mỗi thời điểm lại mang đến một sức hút khó tả đối với những người đam mê nghệ thuật. Mùa “săn mây” trên các đỉnh núi, thung lũng phía Bắc thường kéo dài từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau. “Săn mây” ấy là có khi đang mây mù trắng xóa cả một bầu trời lại xuất hiện một vài phút trời quang, sương mù tan biến, hé lộ những tia nắng mặt trời ấm áp. Khi ấy, “biển mây” bao phủ lưng chừng núi, mây lãng đãng trên các triền núi, mây sà xuống thung lũng… tạo nên cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và ấn tượng hơn bao giờ hết. Khi đông qua, xuân tới, với tiết trời trở nên ấm áp hơn, những vườn mận bắt đầu nảy lộc đơm hoa, cho đến tháng 1, tháng 2, những bông hoa mận bung nở trắng xóa khắp vùng trời. Và tháng 2, tháng 3 chính là thời điểm lý tưởng nhất để ghi lại những khoảnh khắc mà hoa đào Hà Giang bung tỏa, nở rộ nhiều và đẹp nhất…
Nhưng để có được những bức ảnh hoa xuân nở sớm đắm mình giữa những tầng mây lãng đãng, người nghệ sĩ phải tất bật đồ nghề, lên đường từ tháng 12, tháng 1. Và không chỉ dừng lại ở một chuyến đi. NSNA Trịnh Ngân Liên nhớ lại, ông đã từng lặn lội đến thung lũng Sủng Là (Hà Giang) ba lần liên tiếp để có được một bức ảnh ưng ý về vẻ đẹp của hoa mận trắng. Thung lũng Sủng Là được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Nơi đây vẫn giữ đậm nét hoài cổ với những ngôi nhà trình tường lợp ngói âm dương của người dân tộc H’Mông. Bởi vậy, ngay khi nghe một người bạn là người địa phương thông báo hoa mận đã nở, ông lập tức cùng bạn bè lên đường tới Sủng Là, tuy nhiên hoa mận lúc này mới nở lác đác, không đều, chưa tạo được hiệu ứng hình ảnh mong muốn. Khoảng một tuần sau, NSNA Trịnh Ngân Liên lên kế hoạch quay trở lại Sủng Là, nhưng chỉ một đêm trước ngày hẹn, một cơn mưa đá bất chợt đổ xuống khiến những cành mận bị giã cánh, trên cành chỉ còn trơ lại những nụ non. Chưa bỏ cuộc, ông tiếp tục quay trở lại Sủng Là lần ba. Lúc này, vùng núi phía Bắc đang vào độ sương giá, nhiệt độ Sủng Là xuống đến -1 độ C khiến cho giọt mưa bám trên các cành cây, mái nhà đọng thành băng... nhưng ông vẫn mải mê sáng tác với những bông hoa mận rừng e ấp, chực chờ bung nở sức xuân trong lớp băng trong suốt, tạo nên cảnh sắc hiếm có giữa mùa Xuân. NSNA Trịnh Ngân Liên chia sẻ: Chụp ảnh về thiên nhiên, phong cảnh là phải ghi được “màu của đất, hương của hoa, sự lãng mạn của mây trời”. Để những bức ảnh thiên nhiên căng tràn hơi thở sự sống, người nghệ sĩ phải ấp ủ một tâm hồn đồng điệu với cảnh sắc, thổn thức với từng biến ảo nhỏ nhất của vẻ đẹp ban sơ.
“Sống trong không gian văn hóa truyền thống”
Mùa Xuân miền sơn cước qua ống kính NSNA Trịnh Ngân Liên không chỉ có sắc hoa hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà còn sống động với từng nhịp sinh hoạt, những lễ hội đậm đà bản sắc vùng cao. Trong những chuyến đi sáng tác tại vùng núi phía Bắc, ông có cơ hội được tham gia nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Một trong những nghi lễ truyền thống đặc sắc của người dân tộc vùng cao Tây Bắc mà NSNA Trịnh Ngân Liên đã tham gia và thực sự ấn tượng đó là lễ cấp sắc 7 đèn của người Dao đỏ ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Lễ cấp sắc thường diễn ra vào tháng Giêng hằng năm, là nghi lễ truyền thống quan trọng của đồng bào vùng cao, là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành của một người đàn ông Dao đỏ. Đây cũng là ngày lễ để người đàn ông của gia đình, dòng tộc nhận được sự công nhận của các vị thần linh. Lễ cấp sắc gồm nhiều nghi lễ quan trọng như: lễ đón thầy “Chíp sài tía”; lễ trình báo đón tổ tiên, mời thần thánh về chứng kiến; lễ trình diện của những học trò được thụ lễ; múa thỉnh mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến; lễ trình diện tổ tiên; lễ xin treo tranh nhỏ… Lễ cấp sắc của người Dao đỏ được coi là hoạt động truyền thống và quan trọng bậc nhất trong kho tàng văn hóa của dân tộc Dao, mang đậm giá trị nhân văn, có ý nghĩa giáo dục về truyền thống, giúp con người nhận thức đúng đắn về nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.
Lễ cấp sắc kéo dài 5 ngày 4 đêm. Không muốn bỏ lỡ bất kỳ một nghi thức nào, NSNA Trịnh Ngân Liên gần như đã thức thông suốt quá trình làm lễ, ghi lại hầu hết những thủ tục, lễ thức; cùng ăn, cùng nghỉ ngơi theo đúng nhịp sinh hoạt của người dân bản địa. Kết thúc các nghi lễ, ông còn dành thời gian gặp mặt, trò chuyện với những người tham gia lễ cấp sắc để tìm hiểu kỹ hơn về ý nghĩa, thông điệp của từng nghi thức. Qua những chuyến đi, NSNA Trịnh Ngân Liên đã đúc rút cho mình một quan điểm: Những bức ảnh về lễ hội, nghi lễ truyền thống của các dân tộc không chỉ cần đẹp, sống động mà còn thể hiện một cách chân thực nhất thông điệp, ý nghĩa của nghi lễ, từ đó truyền tải đến người xem những giá trị tích cực về nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân bản địa. Để làm được điều đó, người nghệ sĩ phải có trải nghiệm chân thật, dày công tìm hiểu và thực sự sống trong không gian văn hóa truyền thống ấy.
Cảnh đẹp mộc mạc, bình dị của hoa mận, hoa đào giữa thung lũng mây, tựa mình vào núi non trùng điệp; kết hợp với các hoạt động lễ hội đậm đà bản sắc truyền thống, khiến mỗi khoảnh khắc mùa xuân vùng cao vì thế đã trở nên sâu sắc, đầy quyến luyến, luôn mới mẻ và sinh động hơn qua ống kính của NSNA Trịnh Ngân Liên...