Mùa xuân của cha
Mùa xuân năm đó, như thường lệ, gia đình tôi chuẩn bị lặt lá mai, uốn cành để có thế mai đẹp nhất trong ngày đầu năm mới. Trong vườn mai có đến mấy chục gốc, cha đặc biệt chăm chút cho gốc mai già. Cha bảo nó gắn bó với gia đình như một thành viên, cội mai ấy có tuổi đời gần bằng tuổi tôi.
Ngày tôi còn nhỏ, gia đình sinh sống ở miền Trung quanh năm nắng gió, mỗi năm vài cơn bão đi qua cuốn theo gần hết hoa màu, tài sản ít ỏi trong một năm tích cóp. Ấy vậy mà trải qua bao đời cơ cực, người dân quê tôi vẫn lạc quan vươn lên. Tết quê tôi chỉ một màu hoa đào hồng thắm, gia đình nào cũng trồng vài gốc để tết đến, xuân về có hoa chưng trong nhà. Và chỉ cần thế thôi, cùng vài đòn bánh tét, dăm hũ mứt dừa tự tay mẹ làm, tết vẫn rộn ràng trên vùng quê nghèo khó.
Khi có chính sách đưa dân đi vùng kinh tế mới ở miền Nam, cha tôi đã có một quyết định táo bạo, dắt díu gia đình 8 người đến vùng đất mới với niềm hy vọng mãnh liệt vào tương lai tươi sáng. Khi mới vào miền Nam, bao la một vùng đất rừng hoang vắng, ai canh tác được bao nhiêu thì sử dụng bấy nhiêu. Nhớ năm ấy tôi tầm 6 tuổi, gần tết theo cha vào rừng hái trái tay chua (lá bố) về cho mẹ làm mứt, ngâm nước sirô. Hai cha con bỗng bắt gặp một vùng rặt một loài cây lúc này lá đã xác xơ vàng úa, vài nhánh cây khẳng khiu bắt đầu bung những chồi lộc biếc. Cha con tôi mê mẩn ngắm nhìn và cha đã bứng một gốc cây nhỏ về trồng trước sân nhà. Kỳ lạ thay, tết đến cây bắt đầu bung những cánh hoa vàng rực rỡ, sáng cả một góc sân, đến ngày rằm thì tàn hết, lá non đâm ra xanh mướt. Gia đình tôi mặc định rằng đó là loài hoa của mùa xuân. Sau lần ấy, cha đi bứng mấy chục gốc về trồng xung quanh vườn, mà vẫn chưa biết đó là hoa mai tượng trưng cho mùa xuân ở miền Nam…
Những gốc mai ấy ở cùng gia đình hết năm này qua năm khác, bàn tay cha chăm sóc, nâng niu như những đứa con. Gốc mai đầu tiên cha bứng về mỗi năm một xanh tốt, cành lá sum xuê, cha bắt đầu tạo thế cho gốc mai gọn gàng và đẹp hẳn lên. Lúc này, nhiều người đã biết chơi mai, đề nghị cha để lại gốc mai đó với giá cao, nhưng cha nhất quyết không bán. Với cha, cội mai già như một người bạn, như đứa con tinh thần và đặc biệt đó là cả mùa xuân của cha.
Thế rồi anh trai tôi đi học xa nhà và bị tai nạn, gia cảnh túng thiếu, cha đành bấm bụng bán đi gốc mai như người bạn tri kỷ để lấy tiền chữa trị cho anh. Từ đó, cha thường xuyên ghé nhà người bạn đã mua gốc mai để thăm và chăm sóc cây. Vài năm như thế, người bạn thấy cha nặng lòng với gốc mai, bảo cha cứ đem về chăm sóc, số tiền mua cây bao giờ có thì trả lại. Cha vui như đứa trẻ được quà, từ đó cha lại quanh quẩn bên gốc mai già như tri kỷ.
Tính đến nay đã vài chục năm có lẻ gốc mai ở với gia đình tôi. Tết đến, xuân về, cha lại sắm sửa “thay áo mới” cho cây mai, mua cả đèn nháy, bao lì xì về trang trí. Chị em tôi háo hức vì có chỗ chụp ảnh để lưu lại thời khắc sum họp gia đình trong ngày đầu năm mới. Cha bảo, cây cũng như người, ở lâu sẽ sinh tình cảm gắn bó. Cứ đối đãi với nhau bằng tình cảm chân thành thì ít nhất trong lòng ta luôn cảm thấy thanh thản và bình yên…
Năm nay đã không còn bóng dáng cha lụm khụm lặt lá mai nhẹ nhàng như thể sợ cây bị đau nữa, cũng không còn nhìn thấy ánh mắt cha nheo nheo ngắm thế uốn từng nhành mai mới mọc. Không biết có phải vì vắng bàn tay chăm sóc của cha, cội mai già bỗng như già thêm, nụ cũng ít hơn hẳn.
Có lẽ cha nói đúng, cây cũng như người, chỉ cần yêu quý nhau chân thành thì chắc chắn sẽ có sợi dây vô hình gắn kết lại gần nhau hơn. Chị em tôi vẫn bảo nhau cội mai già còn đó như cha vẫn ở đây. Tết năm nay sẽ buồn hơn vì vắng cha, nhưng đó là quy luật của cuộc sống, rồi tết sẽ đến, xuân lại về mang theo hơi thở tươi mới, cây cối lại tiếp tục đâm chồi nảy lộc từ những cội rễ già nua.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!