Mua thông tin vi phạm hành chính, tại sao không?
'Nổ máy xe một chỗ quá 5 phút sẽ bị phạt nếu nhân viên bãi xe, nhà hàng, người dân bất kỳ gần đó quay clip gửi tới nhà chức trách và sau đó họ nhận tiền thưởng', cô hướng dẫn viên người Hàn Quốc sõi tiếng Việt trả lời thắc mắc của tôi rằng tại sao không nói tài xế xe chở đoàn du khách nổ máy sớm, bật máy lạnh chờ chúng tôi ra xe.
Năm năm trước, đoàn công tác chúng tôi sang Hàn Quốc làm việc với các hãng taxi và được nghe câu chuyện mà cô hướng dẫn viên nói ở trên khi đoàn chúng tôi đến tham quan một số nơi. Các hiệp hội taxi của xứ Hàn cho biết, mọi người dân xứ này đều có thể cài ứng dụng (app) của nhà chức trách để gửi clip, hình ảnh có cài chế độ định vị vị trí các vi phạm hành chính mà họ quay chụp được, kèm theo mô tả chi tiết. Nhà chức trách sau khi nhận thông tin, xác minh, xử lý và nếu có phạt tiền người vi phạm thì người cung cấp tin nhận được một phần tiền mà ta có thể gọi là tiền thưởng, tiền mua tin.
Gần đây, Bộ Công an đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe, trong đó ở chương 2, phần “nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông” có đề cập một câu: “Mức chi mua tin của mỗi vụ việc bằng 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân nhưng không quá 5.000.000 đồng”.
Rất nhiều tờ báo và nhiều trang facebook cá nhân bình luận về chi tiết chi tiền mua tin này theo hướng đồng tình, số ít lo ngại có thể sẽ hình thành “một bộ phận vô công rồi nghề đi săn vi phạm giao thông”. Người viết thiết nghĩ nếu có những ai rảnh “đi săn” cũng tốt thôi vì càng góp phần giảm vi phạm giao thông cho cộng đồng.
Cách thức người dân cung cấp thông tin làm cơ sở cho cơ quan chức năng xử lý vi phạm như Hàn Quốc ở phần đầu bài viết tuy khá mới mẻ đối với Việt Nam về chuyện thưởng tiền nhưng không mới về cách nhận thông tin. Nhiều năm trước, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử phạt hành chính khá nhiều trường hợp từ việc người dân phản ánh thông tin, hình ảnh hoặc quay clip cung cấp cho Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh (IOC) bằng việc cài đặt ứng dụng Hue - S trên điện thoại di động. Nội dung của người dân phản ánh được giữ bí mật, đồng thời gửi đến các cơ quan hữu quan xử lý, kết quả xử lý được đăng tải công khai trên trang web của IOC là https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn.
Tại TPHCM, tử 2 năm qua có Cổng thông tin 1022 (https://1022.tphcm.gov.vn/) tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cũng tương tự Hue - S. Phần lớn người dân cung cấp thông tin bằng mô tả, hình ảnh… gửi đến và được Cổng 1022 chuyển các cơ quan hữu quan xử lý.
Ngoài ra, nhiều trường hợp người dân quay clip, chụp ảnh những xe ô tô chạy ngược chiều trên cao tốc, xe lấn làn, chạy vào làn khẩn cấp… đăng tải trên mạng xã hội, sau đó cơ quan chức năng liên lạc xin thông tin và xử lý vi phạm, được thông báo trên báo đài, mạng xã hội.
Tuy nhiên, các trường hợp như ở TPHCM, Huế, hay các clip vi phạm giao thông đăng trên mạng xã hội được sử dụng để xử lý người vi phạm giao thông và có thể còn có nhiều hình thức cung cấp thông tin ở các địa phương, bộ ngành khác đều thuần túy được người dân cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng mà không có quyền lợi kèm theo.
Hiện nay, hàng ngày người dân chứng kiến rất nhiều các vi phạm hành chính, từ việc lấn chiềm lòng lề đường, chạy xe ngược chiều, thả rông chó, đến việc xả rác bừa bãi xuống kênh rạch… Trong khi đó, lực lượng chức năng tham gia lập biên bản xử phạt không thể nào bố trí đủ người để giám sát được mọi hành vi vi phạm. Đơn cử như các hành vi xả rác ra môi trường diễn ra nhan nhản, việc chính quyền cắt cử người đi chụp hình, quay phim, hay đón lõng, mật phục để xử phạt xả rác là không khả thi, không hiệu quả.
Thế thì tại sao Nhà nước không thực hiện phương cách mua thông tin vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực chứ không riêng gì lĩnh vực giao thông mà Bộ Công an hiện đang đề cập trong dự thảo nghị định?