Múa rối nước là loại hình văn hóa truyền thống hút nhiều khách quốc tế khi tới Hà Nội

Múa rối nước là loại hình văn hóa truyền thống thu hút nhiều khách du lịch quốc tế khi tới Hà Nội, góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của người Việt.

Múa rối nước là một loại hình nghệ thuật độc đáo, xuất phát từ đời sống, văn hóa, xã hội vùng đồng bằng sông Hồng. Loại hình nghệ thuật này đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Phương thức nhờ nước để con rối hoạt động, nhờ nước giấu đi bộ máy và cách điều khiển là sáng tạo tuyệt vời. Nước làm cho con rối sinh động, tươi tắn và "nước cũng là một nhân vật của múa rối".

Hiện nay, công tác bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống, các giá trị văn hóa - trong đó có múa rối nước đang được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là Thủ đô Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam khẳng định nghệ thuật múa rối nước như một “sứ giả văn hóa”, luôn nhận được sự chào đón, đánh giá cao của bạn bè quốc tế.

“Múa rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáo, độc nhất vô nhị của Việt Nam, góp phần tạo nên dấu ấn văn hóa riêng biệt trên bản đồ thế giới. Không chỉ gắn liền với nền văn minh lúa nước từ ngàn xưa, rối nước còn là biểu tượng của ký ức quê hương, gợi lên cảm xúc sâu sắc với người xem, đặc biệt là kiều bào xa xứ.

Mỗi lần trình diễn ở nước ngoài, nghệ thuật múa rối nước luôn tạo hiệu ứng mạnh mẽ, mang đến niềm tự hào dân tộc, được ví như một “sứ giả văn hóa” giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về con người và đất nước Việt Nam.

Từ những trò diễn dân gian nguyên bản, các nghệ sĩ ngày nay đã nâng tầm múa rối lên sân khấu chuyên nghiệp, đồng thời không ngừng sáng tạo để nghệ thuật truyền thống này trở nên gần gũi, hấp dẫn với khán giả trẻ.

Chủ trương của Nhà hát Múa rối Việt Nam là giữ vững cốt lõi truyền thống nhưng phải cập nhật nhịp sống hiện đại, hơi thở đương đại. Để làm được điều đó, mỗi vở diễn đều được đầu tư chỉn chu về âm nhạc, tạo hình, phối khí, nội dung… sao cho vừa giữ được bản sắc dân tộc, vừa lôi cuốn khán giả hiện đại - đặc biệt là giới trẻ.

Múa rối không chỉ dành cho thiếu nhi hay khách du lịch, mà còn phải mở rộng ra nhiều đối tượng khác như học sinh, sinh viên, người lớn, người cao tuổi… với nội dung và cách thể hiện phù hợp”, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, để múa rối nước tiếp tục sống động và được yêu mến, cần có sự chung tay từ cả hai phía: những người làm nghệ thuật không ngừng sáng tạo và khán giả, đặc biệt là thế hệ trẻ, chủ động tìm hiểu, khám phá và đồng hành. Chỉ khi nghệ thuật chạm được tới trái tim người xem thì mới có thể gìn giữ và truyền lửa cho ngày mai.

Là một người gắn bó hơn hai thập kỷ với loại hình nghệ thuật này, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Lan Hương (Nhà hát Múa rối Việt Nam) cho rằng điều đặc biệt của múa rối nước so với các bộ môn nghệ thuật biểu diễn khác là việc người nghệ sĩ không trực tiếp xuất hiện trên sân khấu. Thay vào đó, họ đứng sau tấm mành, trong bóng tối và dưới mặt nước, điều khiển con rối bằng những sào dài để biểu đạt cảm xúc và truyền tải câu chuyện.

Sự khác biệt này đòi hỏi người diễn viên phải có khả năng điều khiển con rối sao cho chính xác, ngay ngắn, sống động và biểu cảm tốt, biến những cỗ máy đơn giản, vô tri thành những nhân vật có đời sống, hơi thở và tâm hồn.

Đồng thời, múa rối nước là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự thử thách về sức nặng và sức bền. Người nghệ sĩ phải điều khiển những con rối nặng thông qua những chiếc sào dài và nặng, từ một khoảng cách xa, trong khi bản thân lại phải đứng ngâm mình dưới nước.

Hơn nữa, việc phải ngâm nước thường xuyên khiến họ dễ mắc các bệnh như thấp khớp, viêm xoang, và khi ốm thường rất dai dẳng, lâu khỏi.

 Múa rối nước là nét đẹp văn hóa có truyền thống lâu đời của Việt Nam. Ảnh: Đình Nam

Múa rối nước là nét đẹp văn hóa có truyền thống lâu đời của Việt Nam. Ảnh: Đình Nam

“Dù vậy, niềm vui và hạnh phúc của người nghệ sĩ múa rối nước là khi cảm nhận được sự đón nhận, yêu thích của khán giả, đặc biệt là ánh mắt rạng rỡ của các em nhỏ khi vở diễn kết thúc.

Những giây phút nhìn thấy công sức của mình được khán giả hưởng ứng đã làm tan biến mọi mệt mỏi, tạo động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến. Niềm vui lớn nhất của người nghệ sĩ không phải là giải thưởng hay danh tiếng, mà chính là sự đồng cảm, trân trọng thực sự từ công chúng đối với tâm sức, sự cống hiến và tư duy mà mình đã bỏ ra”, Nghệ sĩ ưu tú Lan Hương chia sẻ.

Trong những năm gần đây, một tín hiệu đáng mừng là giới trẻ trong nước đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các loại hình nghệ thuật truyền thống, không chỉ riêng múa rối mà còn cả chèo, cải lương, tuồng.

Các bạn trẻ tài năng đã biết cách khai thác những nét đẹp truyền thống ở một khía cạnh hiện đại, kết hợp với âm nhạc và cách kể chuyện mới, làm cho nghệ thuật truyền thống trở nên gần gũi, dễ thẩm thấu hơn.

Tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, các nghệ sĩ trẻ cùng đạo diễn cũng đang tích cực làm mới múa rối, kết hợp các yếu tố hiện đại để tạo ra những tiết mục kỳ ảo, mang tính thần thoại, mà sân khấu thông thường khó làm được.

 Tiết mục múa rối nước hoạt cảnh hầu đồng trên nền nhạc "Cô đôi thượng ngàn". Ảnh: Đình Nam

Tiết mục múa rối nước hoạt cảnh hầu đồng trên nền nhạc "Cô đôi thượng ngàn". Ảnh: Đình Nam

Việc kể chuyện theo hơi thở mới giúp khán giả dễ chấp nhận, từ đó truyền tải những giá trị cốt lõi, đức tính tốt đẹp như tình yêu thương, tình bạn, lòng tốt một cách nhẹ nhàng, vừa giải trí vừa mang tính giáo dục.

Đây là hướng đi mà Nhà hát Múa rối Việt Nam đang theo đuổi và đã gặt hái được những thành công nhất định, có chỗ đứng và lượng khán giả riêng.

Có thể kể đến chương trình “Âm vang đồng quê” do Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn có kết cấu gọn ghẽ trong gần 60 phút, đưa người xem đến với không gian nghệ thuật vừa sống động duyên dáng, vừa diễm lệ huyền ảo.

Màn trình diễn là sự gặp gỡ giữa múa rối với âm nhạc, vũ đạo, giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại nhằm tái hiện và tôn vinh những nét văn hóa tiêu biểu nhất của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Người xem được thưởng thức những lễ hội làng truyền thống cùng tiết mục “Trống hội - Hát văn - Hầu đồng”, những trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa làng quê “Đánh đu - Chọi gà - Múa rồng”; được mãn nhãn với hình ảnh những chiếc nón quai thao xuất hiện từ trên cạn xuống nước một cách đầy bất ngờ trong tiết mục “Múa nón”, được đắm say với vẻ đẹp duyên dáng, dịu dàng của người phụ nữ Việt Nam; chứng kiến hoạt động đồng áng thú vị của người nông dân trong những ngày mùa vụ với tiết mục “Ngày mùa - Đánh cáo”...

Đặc biệt, không chỉ có màn múa rối nước truyền thống, các nghệ sĩ đã khéo léo kết hợp hai tầng diễn trên cạn và dưới nước kết hợp cùng kỹ xảo âm thanh, ánh sáng hiện đại, tinh tế cùng nhiều thử nghiệm sáng tạo đã làm nên chiều sâu cho không gian sân khấu mở, góp phần tái hiện sắc màu huyền diệu, lung linh riêng có của nghệ thuật múa rối.

 Màn trình diễn kết hợp giữa múa rối nước và múa cạn vô cùng đặc sắc. Ảnh: Đình Nam

Màn trình diễn kết hợp giữa múa rối nước và múa cạn vô cùng đặc sắc. Ảnh: Đình Nam

Theo dõi “Âm vang đồng quê”, khán giả trong và ngoài nước không chỉ thích thú với tạo hình con rối sinh động, ngộ nghĩnh mà còn bất ngờ với sự xuất hiện của người thật trên sân khấu để diễn và tương tác cùng rối. Tất cả đã góp phần mang đến một bữa tiệc nghệ thuật chinh phục được người xem cả về phần nghe, nhìn và cảm xúc.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh Nhà hát Múa rối Việt Nam xác định việc ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng nghệ thuật và trải nghiệm khán giả.

Tuy nhiên, công nghệ chỉ nên là yếu tố hỗ trợ, không được phá vỡ bản sắc truyền thống. Âm thanh, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu cần được sử dụng tiết chế, đúng chỗ để làm nổi bật vẻ đẹp của múa rối nước. Nhà hát cũng từng triển khai công nghệ trong một số chương trình và đạt hiệu quả nhất định.

Theo dõi chăm chú màn trình diễn, ông Walter Jenkins (67 tuổi, Mỹ) tỏ ra vô cùng thích thú trước nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam: “Tôi đã có một trải nghiệm khó quên. Thực sự tôi chưa từng thấy loại hình nghệ thuật nào vừa lạ lẫm vừa thú vị đến vậy.

Những con rối gỗ nhỏ bé đã kể lại những câu chuyện dân gian Việt Nam một cách sinh động và đầy cảm xúc. Tôi không hiểu hết ý nghĩa, nhưng âm nhạc và hình ảnh thì đủ để chạm đến trái tim tôi.

Tôi đặc biệt ấn tượng với cảnh múa kết hợp giữa nghệ sĩ trên cạn và con rối tạo hình hoạt cảnh hầu đồng dưới nước. Một sự phối hợp điêu luyện và rất nổi bật. Thật là một trải nghiệm đáng nhớ”.

 Khán giả trong nước và quốc tế ấn tượng với màn trình diễn múa rối nước. Ảnh: Đình Nam

Khán giả trong nước và quốc tế ấn tượng với màn trình diễn múa rối nước. Ảnh: Đình Nam

Bạn Thùy Dương (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ niềm vui trong lần đầu tiên xem múa rối nước tại Nhà hát Múa rối Thăng Long: “Tôi thật sự bất ngờ và thích thú. Những con rối gỗ như có linh hồn, kể lại những câu chuyện dân gian một cách sinh động, gần gũi.

Âm nhạc dân tộc hòa quyện với chuyển động của con rối dưới nước. Tôi cảm nhận rõ sự tinh tế, khéo léo của các nghệ sĩ sau sân khấu cũng như biểu diễn trên cạn. Những màn trình diễn như thế này giúp tôi cũng như người trẻ thêm yêu di sản văn hóa của dân tộc mình”.

Để giữ được "hồn" của múa rối nước và bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này, Nhà hát Múa rối Việt Nam luôn xác định phải giữ vững sân khấu múa rối nước - đặc trưng "độc nhất vô nhị" trên thế giới, nơi mặt nước là sân khấu và con rối được điều khiển ẩn mình dưới nước.

Dù kết hợp với âm thanh, ánh sáng hiện đại, múa rối cạn, kịch nói hay thậm chí nhảy, nhưng cốt lõi là sân khấu và con rối nước vẫn phải là trung tâm. Điều cốt lõi thứ hai là định hướng nghệ thuật.

Nhà hát không đặt mục tiêu giải trí lên hàng đầu mà vẫn hướng tới những giá trị chân thiện mỹ, những bài học ý nghĩa về con người, sau đó mới cài cắm yếu tố giải trí vào.

Đó là bản sắc và cũng là điều mà toàn thể cán bộ, diễn viên của nhà hát luôn tâm niệm giữ gìn, bởi nó là giá trị cốt lõi trong chính đời sống hằng ngày của mỗi con người Việt Nam.

 Nghệ thuật múa rối được thể hiện đa dạng, điêu luyện. Ảnh: Đình Nam

Nghệ thuật múa rối được thể hiện đa dạng, điêu luyện. Ảnh: Đình Nam

 Đông đảo khán giả chăm chú theo dõi các nghệ sĩ biểu diễn. Ảnh: Đình Nam

Đông đảo khán giả chăm chú theo dõi các nghệ sĩ biểu diễn. Ảnh: Đình Nam

Theo Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, chiến lược dài hạn của nhà hát là mở rộng điểm diễn đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước. Hiện nay, ngoài trụ sở chính ở Hà Nội, nhà hát đã mở sân khấu tại Phú Quốc, Cam Ranh, sắp tới là Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt… nhằm kết hợp quảng bá văn hóa với phát triển du lịch.

Đồng thời, nhà hát không ngừng tìm kiếm đối tác quốc tế để đưa nghệ thuật múa rối nước ra thế giới, từ đó tạo nguồn thu nuôi sống tập thể nghệ sĩ và phát triển bền vững.

Nghệ thuật rối của Việt Nam, bao gồm cả rối nước và rối cạn, đều được đánh giá cao tại các festival quốc tế, ngày càng khẳng định vị thế trong bản đồ nghệ thuật truyền thống toàn cầu.

Bên cạnh đó, công tác đào tạo lực lượng kế cận cũng được đặc biệt chú trọng. Khác với nhiều quốc gia, đội ngũ nghệ sĩ múa rối của Việt Nam trẻ trung nhưng được đào tạo bài bản và chuyên sâu cả về tay nghề lẫn phẩm chất nghệ sĩ.

Việc “dạy nghề đi đôi với dạy người” là triết lý xuyên suốt để họ trở thành những nghệ sĩ đích thực, mang sứ mệnh lan tỏa giá trị văn hóa Việt ra thế giới.

Vai trò giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ nghệ sĩ trẻ là vô cùng quan trọng. Theo Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Lan Hương, để các bạn trẻ theo nghề, họ không chỉ cần yêu nghề mà còn phải cảm nhận được sự thành công, sự công nhận của loại hình nghệ thuật này mang lại.

Do đó, việc truyền đạt kinh nghiệm, rút ngắn con đường rèn luyện và tạo dựng môi trường làm việc tập thể, đoàn kết, chân thành là yếu tố then chốt. Các nghệ sĩ đi trước luôn hỗ trợ, nâng đỡ thế hệ đi sau sẽ tạo ra một môi trường an toàn, lành mạnh để các bạn yên tâm cống hiến.

 Nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam. Ảnh: Đình Nam

Nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam. Ảnh: Đình Nam

Khi được khán giả đón nhận, có danh hiệu và kiếm được thu nhập xứng đáng, cùng với việc được tiếp xúc với các chính khách cấp cao, được ghi nhận, các nghệ sĩ trẻ sẽ có thêm động lực lớn để kiên trì với nghề.

Hơn 20 năm gắn bó với múa rối nước, Nghệ sĩ ưu tú Lan Hương nhận thấy rằng "hữu xạ tự nhiên hương", khi những vở diễn được nâng tầm chất lượng, khán giả sẽ tự khắc tìm đến và nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục được lan tỏa, phát triển trong hơi thở hiện đại.

Múa rối nước, với sự kiên định giữ bản sắc truyền thống và tinh thần đổi mới, đang từng bước tạo dựng vị thế riêng và chạm tới trái tim của khán giả trong nước lẫn quốc tế.

“Tôi chỉ mong rằng, thông qua những câu chuyện bằng rối, công chúng - đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn, yêu hơn và tiếp tục đồng hành cùng nghệ thuật truyền thống Việt Nam”, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh.

Đình Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mua-roi-nuoc-la-loai-hinh-van-hoa-truyen-thong-hut-nhieu-khach-quoc-te-khi-toi-ha-noi-post252790.gd
Zalo