Xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích

Trước đây, khi đến một số di tích trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết rất dễ bắt gặp tình trạng chen lấn xô đẩy, xả rác không đúng nơi quy định, ăn xin, mời chào rút quẻ... Thế nhưng, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương và sự chung tay của cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống văn minh, những hành vi này đến nay gần như đã được dẹp bỏ, góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa trong hoạt động tín ngưỡng.

Công tác tuyên truyền thực hiện đúng nội quy, quy định tại đền Độc Cước được chú trọng.

Công tác tuyên truyền thực hiện đúng nội quy, quy định tại đền Độc Cước được chú trọng.

Một trong những giải pháp được quan tâm triển khai đồng bộ tại các di tích trên địa bàn tỉnh đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Tại những điểm di tích thu hút lượng lớn người dân, du khách đến chiêm bái hàng năm như đền Sòng Sơn (phường Quang Trung), Phủ Na (xã Xuân Du), đền Độc Cước (phường Sầm Sơn), đền Nưa - Am Tiên (xã Tân Ninh), Lam Kinh (xã Lam Sơn), đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc)..., các bảng nội quy, quy định điểm đến được đặt ở những vị trí dễ quan sát. Cùng với đó, nhiều nơi đã tích cực lồng ghép thông điệp bảo vệ môi trường, tiết kiệm lễ vật, không đốt vàng mã... vào các bản tin phát trên hệ thống loa truyền thanh một cách nhẹ nhàng và thuyết phục.

Tọa lạc ngay giữa lòng khu đô thị du lịch biển Sầm Sơn, đền Độc Cước không chỉ thu hút Nhân dân và du khách thập phương vào dịp lễ hội đầu năm, mà nơi đây còn nhộn nhịp trong suốt mùa hè, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Không ai bảo ai, nhưng hầu hết du khách khi đến đây đều thực hiện nghiêm túc nội quy của điểm đến. Nhờ đó mà không gian linh thiêng của di tích luôn được giữ gìn sạch sẽ. Đáng chú ý, việc dâng hương và đốt vàng mã được thực hiện đúng nơi quy định, không có trường hợp dâng hương, đốt nến khu vực bên trong đền. Thủ từ đền Độc Cước Văn Đình Ga cho biết: “Vào mùa du lịch hè như hiện nay, dịp cuối tuần có hàng nghìn du khách đến dâng hương, vãn cảnh mỗi ngày. Để đảm bảo các điều kiện đón tiếp, phục vụ Nhân dân và du khách, khuôn viên di tích luôn được đảm bảo xanh - sạch - đẹp; biển nội quy, quy định được đặt ở những nơi mọi người dễ nhìn thấy. Khi ban quản lý di tích làm tốt nhiệm vụ của mình, mỗi người dân, du khách khi đến đây cũng sẽ tự giác chấp hành quy định. Tuy nhiên, là điểm di tích ngay ở khu du lịch biển, nên có lúc vẫn còn một vài du khách chưa thực sự chú ý đến trang phục hoặc xả rác bừa bãi, chúng tôi thường xuyên túc trực để kịp thời nhắc nhở”.

Đến với Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, nếp sống văn minh được thể hiện rõ nét qua những hành động, việc làm cụ thể. Du khách khi đến tham quan đều được hướng dẫn quy tắc ứng xử văn minh du lịch, ứng xử với di sản. Tại các khu vực như Chính điện, Thái miếu, khu vực lăng mộ vua Lê Thái Tổ, ban quản lý di tích bố trí nhân viên túc trực để hỗ trợ du khách trong quá trình dâng hương, tham quan. Ông Hồ Hà Hải, Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, cho biết: “Về cơ bản, du khách khi đến đây đều thực hiện tốt nội quy, quy định, ứng xử văn minh. Bên trong khu vực di tích nghiêm cấm các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan, mời chào du khách rút quẻ... Đặc biệt, khi tham quan khu vực Chính điện, du khách luôn giữ gìn trật tự, không gây ồn ào, mặc trang phục phù hợp, đi đúng lối quy định và không chạm tay vào những hiện vật trong khu vực cấm. Thời gian tới, ban quản lý sẽ phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh đưa các hoạt động ngoại khóa về nguồn, tham quan di tích gắn với giáo dục kỹ năng sống, ý thức bảo tồn di sản văn hóa. Qua đó nhằm tạo sự gắn kết giữa thế hệ trẻ với di sản địa phương, góp phần lan tỏa lối sống văn minh, gìn giữ không gian văn hóa tín ngưỡng của dân tộc”.

Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc thực hiện nếp sống văn minh tại một số di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh có lúc, có nơi vẫn còn hạn chế. Trong đó, tình trạng đốt vàng mã không đúng nơi quy định vẫn còn diễn ra; một bộ phận nhỏ người dân và du khách cố tình chạm tay vào hiện vật; xả rác bừa bãi sau khi hành lễ; mặc trang phục chưa phù hợp... Tại một số lễ hội, tình trạng chen lấn, bói toán, mua bán hàng rong còn diễn ra công khai. Đây chính là những biểu hiện cần được chấn chỉnh mạnh mẽ hơn nữa bằng các chế tài rõ ràng và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, lực lượng chức năng.

Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành và địa phương trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong đó, việc tổ chức lễ hội theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi, đảm bảo tính tôn nghiêm của không gian văn hóa được đặc biệt chú trọng.

Thực tế cho thấy, xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích văn hóa tín ngưỡng không phải là điều xa vời hay quá khó thực hiện, nếu từ mỗi hành động nhỏ, mỗi lời nhắc nhở, mỗi ánh mắt quan sát đều được bắt đầu bằng sự trân trọng, ý thức và trách nhiệm của mỗi người. Và việc nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích văn hóa xứ Thanh chính là lời khẳng định cho một tương lai phát triển bền vững - nơi mà mỗi di sản không chỉ là quá khứ, mà còn là hành trình đi tới ngày mai.

Bài và ảnh: Hoài Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-nep-song-van-minh-nbsp-nbsp-tai-nbsp-cac-nbsp-di-nbsp-tich-255038.htm
Zalo