Mưa rất to do áp thấp, nhiều tỉnh miền Trung lại ngập trong nước lũ
Hết bão đến lũ khiến người dân ở những địa phương này điêu đứng.
Hàng ngàn người dân ở Quảng Ngãi chạy lũ trong đêm
Sáng 6/11, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, nước sông Trà Câu dâng cao, hàng trăm hộ dân ở thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bị ngập sâu. Nhiều nhà dân ngập sâu đến 1,5 m, một số nơi bị chia cắt.
Tại tổ dân phố An Trường, phường Phổ Ninh - nằm dọc theo sông Trà Câu, khoảng 80 hộ dân bị cô lập trong nước lũ, có nhà bị ngập hơn 1,5m. Nhiều nhà dân ở đây phải di dời khẩn cấp, chưa kịp di chuyển đồ đạc trong nhà.
"Từ đêm 5/11 đến rạng sáng 6/11, khu vực này có mưa rất lớn, nước sông Trà Câu dâng lên rất nhanh, ngập nhà cửa nên chúng tôi phải di dời đến nhà người thân cao ráo hơn ngay trong đêm. Giờ tủ lạnh, tivi và nhiều vật dụng khác trong nhà hư hết rồi", bà Nguyễn Thị Hoa Phượng, ngụ phường Phổ Ninh mếu máo.
Theo UBND thị xã Đức Phổ, đến sáng 6/11, có khoảng 800 hộ dân với hơn 3.000 nhân khẩu ở các phường Phổ Ninh, Phổ Văn, Phổ Thuận, Phổ Minh bị ngập, chia cắt. Từ rạng sáng, UBND thị xã Đức Phổ đã huy động hơn 100 người gồm lực lượng công an, quân đội và lực lượng xung kích tại chỗ của các xã, phường khẩn trương hỗ trợ người dân vùng bị ngập sâu di dời đến nơi an toàn.
Bình Định: Lũ về bất ngờ nhiều xã chìm trong biển nước
Cũng do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 10, sáng 6/11 một số huyện phía bắc của tỉnh Bình Định xảy ra mưa lớn gây ngập lụt.
Sáng 6/11, trên Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết, mưa lớn một số xã trên địa bàn bị chìm trong nước lũ.
Theo ông Khúc, từ đêm qua mực nước xuống nhanh, sáng nay (6/11) một số xã của huyện như: Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, BoK Tới, Đắk Mang, Ân Nghĩa… nước đã tràn vào nhà dân gây ngập lụt.
Nước lũ cũng cuốn trôi gia súc gia cầm, một số tuyến đường liên xã bị ngập hoàn toàn.
“Hiện tại, địa phương vẫn còn mưa nhưng lương mưa không nhiều. Nước xuống nhanh nhưng rút cũng nhanh. Một số nơi sau khi nước rút, lực lượng chức năng xuống hỗ trợ người dân dọn dẹp đồ đạc”, ông Khúc cho biết.
Theo đó, mưa lớn cũng đã gây ngập lụt một số xã của huyện miền núi An Lão (Bình Định), ông Trương Tứ - Chủ tịch UBND huyện cho biết, khoảng 4, 5h sáng (6/11) nước lên nhanh, một số xã của huyện xảy ra tình trạng ngập lụt.
"Khoảng 4, 5 giờ sáng một số nơi trên địa bàn huyện cũng xảy ra tình trạng ngập lụt, hiện giờ nước cũng đã rút dần. Người dân cũng rút kinh nghiệm cơn bão số 9 nên họ cũng chủ động di dời tài sản lên những nơi cao. Sáng giờ lực lượng đã túc trực để hỗ trợ người dân dọn dẹp", ông Tứ cho biết.
Ông Trần Văn Phúc – quyền Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho biết, hiện tại đang đi kiểm tra tình hình mưa lũ tại Hoài Ân.
"Sáng giờ cũng chỉ đạo địa phương canh giữ không cho người dân đi lại, sợ bị ảnh hưởng. Nước lũ cũng cuốn một số gia súc, gia cầm, hiện chưa thống kê được", ông Phúc cho biết.
Nam Trà My bị chia cắt, thủy điện Sông Tranh 2 và Đak Mi 4 xả lũ
Ngày 6/11, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa rất lớn, nhất là các địa phương vùng núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn...
Theo một cán bộ công tác tại huyện Nam Trà My, từ sáng 6/11, mưa lớn liên tục trút xuống địa phương này khiến mọi người rất bất an vì nguy cơ sạt lở núi có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tại huyện Bắc Trà My, mưa lớn đã khiến tuyến Quốc lộ 40B đoạn qua khu vực ngầm sông Trường (xã Trà Sơn) bị ngập nặng, giao thông lên huyện Nam Trà My bị chia cắt, một số khu vực ở thị trấn Trà My cũng ngập nặng.
Theo số liệu cập nhật từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, lúc 0 giờ ngày 6/11, lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Tranh 2 (chảy từ Nam Trà My xuống Bắc Trà My) chỉ 284 m3/giây nhưng đến 12 giờ trưa cùng ngày, lưu lượng về hồ lên tới hơn 1.920 m3/giây.
Dự báo trong ngày 6/11, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến từ 50 – 100 mm, có nơi trên 150 mm.
K.N (th)