Khai thác khoáng sản phải có trách nhiệm đóng góp với địa phương

Sáng 29-11, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã thông qua Luật Địa chất và khoáng sản.

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: TRỌNG HẢI

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: TRỌNG HẢI

Theo đó, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về mức đóng góp của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với địa phương nơi có tài nguyên địa chất, khoáng sản được khai thác để địa phương có cơ sở thực hiện; rà soát quy định hạch toán khoản chi hỗ trợ vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp để thống nhất với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; ý kiến khác cho rằng việc bổ sung quy định này làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, nội dung đại biểu Quốc hội đề nghị là sự kế thừa nội dung từ điểm a khoản 2 Điều 5 Luật Khoáng sản năm 2010 về trách nhiệm hỗ trợ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy cần thiết phải quy định rõ ràng hơn về nội dung này. Do đó, dự thảo luật đã được bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 8 theo hướng quy định: Căn cứ tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc ban hành quy định về trách nhiệm đóng góp kinh phí của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để đầu tư nâng cấp, duy tu, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đồng thời, dự thảo luật cũng được bổ sung khoản 3 Điều 8 giao Chính phủ quy định chi tiết để Chính phủ quy định một số nội dung như: Nguyên tắc xác định mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng nguồn thu để bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Theo quy định nêu trên, việc quyết định mức thu phải căn cứ vào tình hình, hiệu quả hoạt động về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trường hợp hoạt động khoáng sản trên địa bàn không hiệu quả thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sẽ chủ động quyết định điều chỉnh khoản đóng góp này, tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động khoáng sản thường không được sự ủng hộ của người dân trên địa bàn do tác động không mong muốn đối với môi trường sống và hạ tầng kỹ thuật. Việc tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có những đóng góp cụ thể (cùng với khoản chi ngân sách nhà nước để nâng cấp, duy tu, xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình bảo vệ môi trường) góp phần tạo được đồng thuận ủng hộ của người dân khi triển khai dự án khai thác khoáng sản. Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản mong muốn có hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để có căn cứ thực hiện.

Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: TRỌNG HẢI

Quốc hội thông qua Luật Địa chất và khoáng sản. Ảnh: TRỌNG HẢI

* Tại phiên họp, 446/448 đại biểu có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Luật Địa chất và khoáng sản, chiếm 93,11% tổng số đại biểu Quốc hội.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/khai-thac-khoang-san-phai-co-trach-nhiem-dong-gop-voi-dia-phuong-804963
Zalo