Mùa nước nổi- Mùa thả cá lên đồng

Nước lũ từ thượng nguồn đang tràn về vùng ĐBSCL. Tại những vùng đất trũng của tỉnh Hậu Giang đã mênh mông nước. Nước lũ khi về vùng hạ lưu này không ào ạt, dữ dội mà cứ dâng từ từ trên những cánh đồng nên người dân nơi đây thích gọi bằng cái tên thân thương là mùa nước nổi, cũng là mùa mà mọi người chờ đợi trong năm để thả cá lên đồng.

Vào thời điểm này tại huyện Phụng Hiệp, vùng đất trũng nhất của tỉnh Hậu Giang nhiều cánh đồng đã mênh mông nước. Người dân nơi đây giờ chỉ xác định được ranh cánh đồng của mình nhờ vào hàng lưới cước bao quanh để thả cá vào nuôi.

Ông Lê Văn Phượng ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp tâm sự, ngày trước, nông dân ở đây chỉ làm 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, khi dứt vụ Hè Thu thì thường bỏ đất trống bởi khi đó mùa nước nổi đã về tràn đồng. Nếu ai cố làm lúa Thu Đông (lúa vụ 3) thì bị thiệt hại đủ đường do nước ngập, mưa bão nên khi thu hoạch từ huề vốn đến thua lỗ, ít có lời. Về sau nông dân nơi đây mới nghĩ đến chuyện tận dụng mùa nước nổi trên đồng để thả cá nuôi.

“Do nước nhiều quá, trũng lắm, nếu làm lúa vụ 3 thì không chừng bị lỗ, không có lãi. Nếu chỉ bơm nước không thì lỗ tiền dầu. Hồi đó làm vụ Hè Thu xong là bỏ đất trống chứ không biết nuôi cá, sau này mới thả cá nuôi. Mỗi năm thả như vậy nhưng không cho ăn, chỉ tốn tiền con giống mà thôi. Năm nay thả 25kg cá chép với cá mè, tới rằm tháng 11 thu hoạch”, ông Phượng nói.

Nông dân Hậu Giang bao lưới trên đồng để thả cá

Nông dân Hậu Giang bao lưới trên đồng để thả cá

Nuôi cá trên đồng trong mùa nước nổi, nông dân Hậu Giang chỉ tốn tiền mua lưới cước và cá giống, không phải tốn chi phí mua thức ăn cho cá vì cá tự kiếm mồi trên đồng từ rong rêu, rơm rạ, lúa chét của vụ trước đến các loài côn trùng để phát triển. Riêng lưới cước dùng để bao quanh đồng nuôi cá có thể tận dụng tới 3 - 4 vụ sau mới cần thay mới. Trong suốt quá trình nuôi, bà con chỉ cần đi kiểm tra bờ bao, lưới cước để gia cố lại đề phòng cá thoát ra bên ngoài. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, trừ chi phí, nông dân nuôi cá trên đồng có thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/ha.

Nông dân Hậu Giang thả cá lên đồng khi mùa nước nổi về

Nông dân Hậu Giang thả cá lên đồng khi mùa nước nổi về

Anh Nguyễn Văn Liệt ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp háo hức kể, hơn 1 tháng, trước khi được dự báo mùa nước nổi năm nay về sớm, anh đã khẩn trương rào lưới quanh cánh đồng của mình và mua 20kg cá giống gồm cá mè và cá chép về ươm trong vèo và vừa thả cá lên đồng khi nước nổi về.

“Các vùng chỉ có vùng này là trũng nhất, không khi nào sạ lúa vụ 3 được mà chỉ mần 2 vụ lúa, 1 vụ cá. Ở đây hộ nào cũng nuôi cá nhóc hết trơn. Làm lúa vụ 3 không được thì bây giờ mình phải nuôi cá cho nó ăn gốc rạ để tới làm vụ Đông Xuân đất trống khỏi mất công dọn”, anh Liệt nói.

Năm nay dự báo con nước về sớm, về nhiều nên nông dân ở các vùng trũng của tỉnh Hậu Giang phấn khởi thả cả cá nuôi trên đồng nhiều hơn, nhất là huyện Phụng Hiệp. Theo thống kê của huyện này, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã thả nuôi khoảng 4.200ha, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái gần 500ha. Các loại cá được nông dân thả nuôi chủ yếu là cá chép, cá mè, rô phi, cá trê lai, trê vàng…

Khi mùa nước nổi bắt đầu rút nông dân Hậu Giang thu hoạch cá để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân

Khi mùa nước nổi bắt đầu rút nông dân Hậu Giang thu hoạch cá để chuẩn bị xuống giống vụ Đông Xuân

Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi cá trên đồng còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất; các loại cá còn ăn rong rêu, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước nên giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa Đông xuân tiếp theo khoảng 1 triệu đồng/ha.

“Khi bà con nuôi cá trên ruộng lúa như vậy đó thì cắt được dòng đời của các nguồn sâu bệnh từ vụ lúa này sang vụ lúa khác. Con cá trong quá trình ăn sẽ sục sạo tìm ăn tất cả những con sống dưới mặt đất nên làm cho mặt đất tơi xốp và để lại một lượng phân trên đám ruộng, do đó, không sử dụng nhiều phân khi làm vụ Đông Xuân”, ông Trần Văn Tuấn cho hay.

Sau hơn 3 tháng thả nuôi, trừ chi phí, nông dân nuôi cá trên đồng có thu nhập từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng/ha

Sau hơn 3 tháng thả nuôi, trừ chi phí, nông dân nuôi cá trên đồng có thu nhập từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng/ha

Do tốn ít công chăm sóc và tốn ít chi phí đầu tư, ít chịu rủi ro bởi thời tiết và cho lợi nhuận cao hơn lúa vụ Thu đông nên mô hình nuôi cá trên đồng mùa nước nổi được nông dân ở những vùng đất trũng trong tỉnh Hậu Giang thực hiện ngày càng nhiều.

Năm ngoái, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã chuyển đổi 2.000ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả trong tỉnh để thực hiện mô hình nuôi cá trên đồng mùa nước nổi, nâng tổng diện tích nuôi thủy sản trên đồng lúa lên 7.500ha, với sản lượng đạt hơn 11.600 tấn.

Tấn Phong/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/mua-nuoc-noi-mua-tha-ca-len-dong-post1123493.vov
Zalo