Mưa lũ trong tuần vừa qua ở miền Trung đã khiến 7 người chết, 2 người mất tích
Mưa lớn, dông lốc, lũ, ngập lụt xảy ra tại miền Trung từ ngày 13-17/11 đã khiến 7 người chết, 2 người mất tích. Còn 1 nghìn ngôi nhà đang bị ngập ở Thừa Thiên Huế.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh thành phố, mưa lũ từ ngày 13-17/11 đã khiến 7 người chết, 2 người mất tích (Quảng Trị: 3 người chết; T.T.Huế 3 người chết; Quảng Nam: 1 người mất tích; Bình Định: 1 người chết; Phú Yên 1 người mất tích; tăng 3 người chết, mất tích so với ngày 16/11).
Tại tỉnh T.T.Huế còn 1.000 nhà ngập ngoài sân, vườn ở mức khoảng 0,2m. Thời điểm lớn nhất 20.761 nhà ngập, nơi sâu nhất đến 1,0m (Quảng Trị: 3.064 nhà, T.T.Huế: 17.453 nhà; Đà Nẵng: 83 nhà, Quảng Ngãi: 140 nhà).
Có tới 492 ha lúa, cây ăn quả, hoa màu bị ảnh hưởng (Quảng Trị: 123ha; Đà Nẵng: 04ha, Khánh Hòa: 365ha) và 50.000 cây giống lâm nghiệp, 5.000 cây hoa cúc giống (Quảng Trị).
Thiệt hại 1.602 con gia súc, gia cầm (Quảng Trị: 1.014, Đà Nẵng: 56, Quảng Nam: 9, Quảng Ngãi: 1, Phú Yên: 522); 3,65 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng (Quảng Trị: 2,35; Quảng Nam: 1,3).
Thời điểm mưa ngập lớn nhất, 85% các tuyến đường tại Tp.Huế bị ngập; ngập lụt gây ách tắc tại các tuyến đường Quốc lộ 1A, 49B, 49C (T.T.Huế, Quảng Trị), tỉnh lộ 582, 582B, 584, 4, 6, 6B, 8C, 9, 11A, 11B, 11C, 17, 17B, nhiều tuyến đường liên thôn, xã (Quảng Trị, T.T.Huế). Hiện nước đang rút, quốc lộ 1A đã thông tuyến. Sạt lở tuyến giao thông Quốc lộ 27C qua địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã thông tuyến.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cũng yêu cầu, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố liên quan tiếp tục tổ chức triển khai Công điện số 1095/CĐ-TTg, Công điện số 17/CĐ-QG và 03 Công văn (416/VPTT, 424/VPTT và 429/VPTT) về chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lớn, ngập lụt, nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất khu vực Trung Bộ và vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn hạ du lưu vực sông Hương; ứng phó với gió mùa Đông Bắc, gió mạnh trên biển.
Các địa phương tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý môi trường ngay sau khi lũ rút, thống kê, đánh giá thiệt hại; tổ chức thực hiện vận hành đơn hồ, liên hồ chứa thủy lợi, thủy điện theo đúng quy trình đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai lực lượng rà soát, kiểm tra các công trình đê điều, hồ đập xung yếu; các công trình đang thi công, khu vực dân cư có nguy cơ cao bị sạt lở.
Tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.