Mưa lũ miền Trung đạt đỉnh trong hơn 20 năm qua

Hình thái mưa lớn ở miền Trung hiện nay đang tái hiện lại trận đại hồng thủy xảy ra năm 1999. Tuy nhiên, cường độ mưa năm nay chưa lớn và gay gắt bằng.

Đêm qua và hôm nay 15/10, ở khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.

Theo Thông tin từ Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, lượng mưa tính từ 19h ngày 14/10 đến 14h ngày 15/10 có nơi trên 230mm, như: Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 234.4mm, Hòa Sơn (Đà Nẵng) 281.2mm, Tam Lãnh (Quảng Nam) 291.0mm,…

Các khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và các nơi khác ở Nam Trung Bộ đêm qua có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; lượng mưa tính từ 19h ngày 14/10 đến 07h ngày 15/10 có nơi trên 80mm như: Đạ Pal (Lâm Đồng) 99.0mm, Đạo Nghĩa (Đắk Nông) 80.2mm, Bù Đăng (Bình Phước) 154.6mm,…

Đà Nẵng sơ tán khẩn cấp 5.000 người dân ra khỏi vùng rốn lũ chiều tối 13/10

Đà Nẵng sơ tán khẩn cấp 5.000 người dân ra khỏi vùng rốn lũ chiều tối 13/10

Từ chiều 15/10 đến ngày 17/10, ở khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Bình Định có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 50 - 250mm, có nơi trên 300mm; riêng khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 250 - 450mm, có nơi trên 700mm.

Ngoài ra, từ chiều 15 đến ngày 16/10 ở khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 30 - 60mm, có nơi trên 100mm (thời gian mưa dông tập trung vào chiều và đêm).

Dự báo, đêm 17 - 18/10 mưa có xu hướng mở rộng lên phía Bắc; khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Ngãi có mưa lớn 100 - 200mm, có nơi trên 400mm.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét: Khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi: Cấp 3; Thừa Thiên Huế: Cấp 2; Nam Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định: Cấp 1.

Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Công an các đơn vị, địa phương hỗ trợ giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả của mưa lũ

Công an các đơn vị, địa phương hỗ trợ giúp đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả của mưa lũ

Nhận định về tình hình mưa lớn miền Trung trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho hay: Đặc điểm của đợt mưa này là phân bố không đồng đều, khu vực Hà Tĩnh, Quảng Ngãi là những vùng không có mưa lớn. Trọng tâm mưa là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam với lượng mưa phổ biến từ 400 - 800 mm. Thậm chí, ở Đà Nẵng có điểm mưa to trên 1.000 mm.

Ông Hưởng cho rằng, đợt mưa này là "hình thế kinh điển của mùa mưa ở khu vực miền Trung". Nguyên nhân là tác động của không khí lạnh, dải hội tụ nhiệt đới cùng gió đông di chuyển từ phía đông vào. Gió đông phát triển từ 1.500 - 5.000 m, đưa lượng ẩm rất lớn từ Biển Đông vào, cùng với đó, gió đông bắc đẩy lượng ẩm đó lên cao gây ra đối lưu mạnh ở khu vực miền Trung tạo ra mưa lớn.

"Hiện nay, mưa tập trung ở đồng bằng và vùng ven biển. Trong thời gian tới, mưa có khả năng đi sâu vào đất liền, miền núi phía bắc của Trung bộ. Thậm chí, ngược lên miền Bắc trong giai đoạn ngày 16 – 18/10. Tình trạng ngập úng vẫn duy trì ở Trung bộ, đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất khi mưa lấn sâu vào vùng núi", ông Hưởng cảnh báo.

Với hình thái và lượng mưa như hiện nay ở miền Trung liệu có khả năng xảy ra lũ lịch sử như năm 1999, ông Hưởng cho hay, mưa lũ ở miền Trung đang rất nguy hiểm, nó thể hiện bằng cấp độ rủi ro do Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn đưa ra ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là cấp 4, cấp độ rủi ro cao nhất đối với mưa lớn. Hình thế gây ra mưa lớn ở Trung bộ trong giai đoạn mưa kỷ lục năm 1999 cơ bản đang giống giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, hình thế gây ra mưa kỷ lục từ ngày 1 – 6/11/1999 mạnh hơn nên khả năng cao, cường độ đợt mưa hiện tại ở miền Trung sẽ không gay gắt bằng năm 1999.

Đợt lũ lụt miền Trung đầu tháng 11/1999 hay còn được biết đến với tên gọi là Đại hồng thủy 1999 là một đợt lũ lụt lớn xảy ra ở các tỉnh miền Trung nước ta.

Do tác động của không khí lạnh mạnh kết hợp với dải áp thấp xích đạo, các nhiễu động trên cao và cuối cùng là áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung Việt Nam đã phải hứng chịu những trận mưa rất lớn, gây ra lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm nhiều huyện, thị xã, làm thiệt hại tài sản lên đến gần 3.800 tỷ đồng (giá thời điểm năm 1999, tương đương 21.203 tỷ đồng ở năm 2023) và số người chết là 595 người. Tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất là Thừa Thiên Huế, do đó trận lũ lụt đã đi vào ký ức khó phai mờ của người dân tỉnh này.

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mua-lu-mien-trung-dat-dinh-trong-hon-20-nam-qua-278862.html
Zalo