Mưa lũ đi qua, tình người ở lại

Mưa đã tạnh, lũ đã dừng dâng cao, nhưng người dân Sơn La vẫn còn nhiều nỗi lo. Mưa lũ ầm ập kéo đến, khiến cho người dân không kịp trở tay, có người bị vùi lấp trong đống đổ nát, có người theo dòng lũ trôi... Những thiệt hại nặng nề về người và tài sản là không gì đong đếm được. Nhưng, từ trong mưa lũ, hình ảnh sắc áo xanh của lực lượng Công an, Quân đội, dân quân, thanh niên, tình nguyện viên... cùng nhân dân khắc phục hậu quả đã để lại những tình cảm sâu đậm.

Trận mưa lũ lịch sử chỉ kéo dài trong đêm 23 và ngày 24/7 nhưng đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trận mưa lũ đã khiến 7 người chết do sạt lở vùi lấp và lũ cuốn trôi, 3 người mất tích, 5 người bị thương, gần 1.500 nhà ở của người dân bị thiệt hại, 6 điểm trường tiểu học, mầm non bị ngập và hàng nghìn hecta hoa màu cũng bị lũ cuốn trôi.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La giúp người cao tuổi di chuyển tới nơi an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La giúp người cao tuổi di chuyển tới nơi an toàn.

Dũng cảm cứu 5 người dân thoát chết giữa nước xiết

Đó là lời kể của Đại úy Lò Văn Chiến, Phó Trưởng Công an xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) khi nhớ lại khoảnh khắc anh và đồng đội bơi ra dòng lũ để hỗ trợ cứu 5 người dân trong bản bị mắc kẹt trong nước lũ. Tuy đã nhiều ngày trôi qua nhưng Đại úy Lò Văn Chiến cũng như anh em công an xã ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng về trận mưa lũ lịch sử trong ngày 23 và 24/7. Hôm đó anh và đồng đội đã trắng đêm dầm mình trong mưa lũ, trực tiếp đưa 5 người dân ra khỏi vùng nước lũ chảy xiết lên bờ an toàn.

“Hôm đó, trời mưa như trút, nước suối ngày một dâng cao, anh em công an xã chúng tôi triển khai việc tuần tra, kiểm soát, ứng trực 100% quân số theo chỉ đạo của lãnh đạo công an huyện. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin có 5 người dân bị mắc kẹt, tôi với đồng đội nhanh chóng triển khai lực lượng cứu người dân” - Đại úy Lò Văn Chiến bồi hồi nhớ lại.

Để có thể ứng cứu được 5 người dân, theo lời của Đại úy Chiến thì quả thực lúc đó anh em cũng rất dũng cảm. Anh và nhiều anh em trong xã cùng với sự giúp sức của anh Quàng Văn Dương, Chỉ huy trưởng xã Mường Bú đã sử dụng phao bằng vỏ bình nước rồi bơi lại gần những người dân mắc kẹt, đồng thời ném thêm phao cho họ có chỗ bám vào. Nước lũ bao vây tứ phía, chỉ cần một chút sơ sẩy là tính mạng những người lính cứu nạn gặp hiểm nguy.

“Khi nghĩ đến người dân đã bám vào cành cây, dầm mình trong mưa 3 tiếng đồng hồ, nước lũ ngày càng dâng cao như vậy mà chậm trễ vài phút thì tính mạng rất nguy hiểm, lực lượng làm nhiệm vụ đã bất chấp hiểm nguy, chạy đua với thời gian để làm sao ứng cứu người dân một cách sớm nhất, an toàn nhất. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ chiến sĩ công an nào trong hoàn cảnh này cũng sẽ làm như anh em tôi mà thôi” - Đại úy Lò Văn Chiến chia sẻ thêm.

Đại úy Lò Văn Chiến, Phó trưởng Công an xã Mường Bú, huyện Mường La (bên phải ảnh) hỗ trợ người dân di rời tài sản.

Đại úy Lò Văn Chiến, Phó trưởng Công an xã Mường Bú, huyện Mường La (bên phải ảnh) hỗ trợ người dân di rời tài sản.

Ông Cà Văn Nò (SN 1958, trú tại Bản Giàn, xã Mường Bú, huyện Mường La) là một trong 5 người được cứu sống, bật khóc trước nghĩa cử nhân văn trên. Ông nói: “Tôi với mấy người trong nhóm đi bắt dế thì bị mắc kẹt giữa dòng lũ, chỉ biết bám lấy mấy cây bụi, may mắn là được các anh công an hỗ trợ, giúp đỡ, lên được bờ an toàn. Tôi và gia đình cảm ơn các anh nhiều lắm”.

Còn tại TP Sơn La, tuy nước đã rút, nhưng bà Phạm Thị Miền (60 tuổi, trú tại tổ 1, phường Quyết Thắng, TP Sơn La) vẫn không hết xúc động khi nhắc lại khoảnh khắc nguy hiểm ấy. Chúng tôi tới nhà bà Miền khi nước lũ đã rút, chỉ còn lại ngổn ngang đồ đạc trơ trọi giữa nhà, bàn ghế, tivi, tủ lạnh, bếp núc hầu như đều hỏng do nước ngập.

Bà Miền bộc bạch: “Khi thấy mưa to, tôi đã chủ động ngăn dòng nước chảy vào nhà, nhưng rồi nước chảy vào quá nhanh, lượng nước lại nhiều nên không thể nào dọn đồ kịp, lúc này chỉ xác định cứu được tính mạng là tốt lắm rồi”. Chiều cao của bà chỉ khoảng hơn 1m50, nhưng nước dâng vào nhà cũng hơn 1m20, khoảnh khắc sinh tử hiện hữu ngay trước mắt bà. May mắn sao, bà được các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các đồng chí trong tổ dân phố hỗ trợ di chuyển tới nơi an toàn. Bà vô cùng xúc động trước hành động và nghĩa cử cao đẹp trên của lực lượng cứu nạn, cứu hộ: “Sống một mình và được lực lượng Công an hỗ trợ trong cơn mưa lũ, tôi không biết nói gì hơn, cảm ơn các anh đã cho tôi sống lại một lần nữa, tôi sống một mình nhưng không hề cô đơn...”.

10 tiếng băng rừng đến với bà con vùng sạt lở

Được nghe chuyện về những người đã băng rừng, vượt suối đến với bà con dân bản để giúp họ trong những giây phút khó khăn nhất, tôi thật sự khâm phục và yên mến họ hơn, những “anh hùng” thầm lặng trong cuộc chiến với sức mạnh của mẹ thiên nhiên.

Những ngày mưa lũ, huyện Mai Sơn của tỉnh Sơn La là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề mà mưa lũ gây ra, nhiều địa bàn bị sạt lở đất làm vùi lấp nhiều ngôi nhà và nhiều người dân xấu số cũng bị vùi lấp trong đống đổ nát. Chiềng Nơi là địa bàn vùng cao của huyện Mai Sơn, cũng là “rốn lũ” đợt này, ảnh hưởng nặng nề nhất là bản Hua Pư, xã Chiềng Nơi.

Công an tỉnh Sơn La gắng sức cứu dân trong mưa lũ.

Công an tỉnh Sơn La gắng sức cứu dân trong mưa lũ.

Để nhanh chóng hỗ trợ nhân dân di chuyển khỏi vùng sạt lở, những cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La từ cấp phòng, cấp huyện đến cấp xã đã huy động tối đa khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra. Nhưng, đường đến điểm sạt lở là không hề dễ dàng. Có lẽ, những hình ảnh sạt lở, bùn lầy ấy sẽ khiến chiến sĩ Lò Văn Lan, Lù Văn Mạnh và Nguyễn Đức Thắng không bao giờ quên.

Với cái chân đau, đầy những vết thương hở đang rỉ máu, phải tiêm phòng uốn ván, chiến sĩ Lò Văn Lan kể lại những khoảnh khắc vừa trải qua: “Hua Pư là bản đồng bào Mông, cách trung tâm xã Chiềng Nơi hơn 10 km. Do ảnh hưởng mưa lũ, tuyến đường chính lên bản bị sạt lở nghiêm trọng. Từ trung tâm xã, chúng tôi phải leo ngược ngọn núi cao gần 1.300 m hướng lên Hua Pư. Mưa lớn kéo dài từ đêm 23/7 tại bản Hua Pư đã làm chết 5 người, 4 nhà bị sập đổ hoàn toàn, cuốn trôi nhiều tài sản của nhân dân”. Dẫu mệt sau một quãng đường dài, nhưng tất cả các lực lượng chức năng từ công an, quân đội, dân quân tự vệ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cùng bà con nhân dân không ai bảo ai đều tập trung tối đa, nỗ lực hỗ trợ tìm kiếm người mất tích, di dời những tài sản còn giữ lại được sau khi sạt lở đất.

Khi nói đến sự mất mát, giọng của người chiến sĩ trẻ bỗng lạc hẳn đi, anh nói: Tôi không thể nào quên được khoảnh khắc mà gia đình anh Giàng Chứ Thếnh tìm thấy người thân nằm dưới đống đất, như lời anh Thếnh nói là khoảng 5 giờ sáng 24/7, vợ chồng anh đang ở lán nương, khi đó trời mưa to. Bỗng nghe tiếng nổ lớn, nhìn lên phía nhà, nơi con trai anh Thếnh đang ngủ, chỉ thấy đất đá ầm ầm đổ xuống. Gia đình vừa chạy, vừa hô hoán, nhưng đến nơi chỉ thấy tất cả là đống đổ nát, ngôi nhà bị vùi lấp hoàn toàn. Lúc đó, cả bản đã lao đến hỗ trợ, tìm kiếm con, thật đau buồn, đến chiều cùng ngày mới tìm thấy thi thể con.

Mưa lũ đi qua để lại nhiều mất mát, nhưng ở đó người ta vẫn nhìn thấy sự đoàn kết keo sơn, tình cảm gần gũi, thân thiết giữa đồng bào. Những đoàn xe cứu trợ đã di chuyển tới vùng tâm lũ để hỗ trợ bà con nguôi ngoai đi nỗi buồn. Những chai nước lọc, những thùng mì tôm, thậm chí những cái bắt tay, cái ôm chặt cũng là nguồn động lực để mỗi người dân tiếp tục khắc phục hậu quả mà mưa lũ gây ra. Và, hình ảnh những người chiến sĩ trong sắc phục CAND luôn có mặt tại những điểm xung yếu, không quản ngại hiểm nguy, gian khổ, bất kể ngày đêm sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, cùng nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra đang góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người cán bộ CAND trong lòng nhân dân.

Cao Thiên

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen-thong/mua-lu-di-qua-tinh-nguoi-o-lai-i739116/
Zalo