Mùa lễ hội - một hành trình... (Bài 2): ...Và ứng xử văn minh

Du xuân trẩy hội là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt, đặc biệt khi cuộc sống vật chất đủ đầy hơn, giao thông thuận lợi, con người có thêm điều kiện để quan tâm, thỏa mãn các nhu cầu về tín ngưỡng, tinh thần. Tuy nhiên, một trong những vấn đề luôn được nhắc đến đó là câu chuyện về văn hóa 'ứng xử' trong lễ hội. Ghi nhận tại mùa lễ hội năm nay, đã có những thay đổi tích cực...

Đầu năm du xuân trẩy hội cùng cầu mong những điều tốt đẹp.

Đầu năm du xuân trẩy hội cùng cầu mong những điều tốt đẹp.

Với độ cao hơn 500m so với mực nước biển, Di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (núi Nưa, đền Nưa, Am Tiên, thường gọi là đền Nưa - Am Tiên) nằm trên địa bàn thị trấn Nưa (Triệu Sơn) nổi tiếng với cảnh quan tươi đẹp và sự huyền bí, linh thiêng trong những lưu truyền dân gian. Cũng chính vì thế, nơi đây trở thành một trong những điểm đến hút khách hành hương, vãn cảnh những ngày xuân về.

Về với di tích, du khách được chiêm ngắm cảnh sắc tuyệt đẹp của bức tranh thiên nhiên. Đỉnh Ngàn Nưa sương mờ mây trắng. Từ đây nhìn xuống, thu vào tầm mắt là những ngôi làng cổ và cả phố xá tấp nập. Đứng trên đỉnh núi Nưa, ta nghe như có tiếng “vọng” về từ ngàn xưa của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Không chỉ vậy, đỉnh núi Nưa còn hấp dẫn du khách bởi những truyền thuyết, chuyện kể về huyệt đạo thiêng - nơi giao hòa của đất trời, vườn đào tiên và những ẩn sĩ tu tiên... Theo thống kê, trong dịp cao điểm lễ hội (từ đêm 30 tết đến ngày 20 tháng Giêng), mỗi ngày di tích đền Nưa - Am Tiên đón trung bình từ hơn 2.000 - 5.000 lượt khách.

Lễ hội sôi động, náo nức. Tuy nhiên đi cùng với đó, là những vấn đề về quản lý, giữ gìn không gian văn hóa, nét đẹp lễ hội. Suốt nhiều năm, cùng với sự nổi tiếng thì đền Nưa - Am Tiên cũng “tai tiếng” với nhiều chuyện chưa đẹp. Lượng khách quá đông khiến môi trường, không gian di tích nhếch nhác rác thải. Chưa kể, ở nơi được lưu truyền là “huyệt thiêng” với cảnh du khách chen lấn, xô đẩy, cắm hương tùy tiện, nhét tiền ở khắp mọi nơi,... khiến “bức tranh” lễ hội trở nên lộn xộn và xấu xí. Vậy nên, câu chuyện văn hóa “ứng xử” với lễ hội đền Nưa - Am Tiên được nhắc nhiều.

Đền Độc Cước hấp dẫn du khách dịp xuân về.

Đền Độc Cước hấp dẫn du khách dịp xuân về.

Tuy nhiên, trong những ngày Xuân Ất Tỵ 2025, du khách về đền Nưa - Am Tiên đã ít nhiều nhận thấy sự thay đổi. Nơi “huyệt thiêng” Am Tiên, vệ sinh môi trường cảnh quan được giữ gìn, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy... Dù chưa thực sự hoàn hảo, nhưng ở đền Nưa - Am Tiên với việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao ý thức của người dân, đã khiến cho “bức tranh” lễ hội đẹp hơn.

Ông Lê Văn Sơn, công chức Văn hóa - Xã hội thị trấn Nưa, thành viên ban tổ chức lễ hội đền Nưa - Am Tiên, cho biết: “Lượng khách về di tích và lễ hội đền Nưa - Am Tiên năm nay dù có giảm so với cùng kỳ song nhìn chung vẫn khá đông. Rút kinh nghiệm từ những mùa lễ hội trước, năm nay, công tác quản lý, phân luồng giao thông, an ninh trật tự được phân công trách nhiệm rõ ràng, phối hợp nhịp nhàng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về việc giữ gìn nét đẹp văn hóa, văn minh lễ hội cũng thường xuyên và liên tục được “gửi” đến du khách thông qua các phương tiện phát thanh... Tại các vị trí được xem là “điểm nóng” trong di tích như khu vực huyệt đạo, ban tổ chức lễ hội bố trí các thành viên thường trực sẵn sàng nhắc nhở, hướng dẫn du khách về việc hành lễ. Nhờ đó, diện mạo đền Nưa - Am Tiên trong mùa lễ hội năm nay đã thực sự đẹp hơn”.

Cũng như đền Nưa - Am Tiên, Di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na (Như Thanh) cũng là điểm đến tâm linh thu hút du khách trong những ngày xuân về. Và nơi đây, trong nhiều năm cũng không khỏi trăn trở câu chuyện “ứng xử” với lễ hội. Vậy nhưng, mùa xuân này về Phủ Na, những cảnh chen lấn, xô đẩy, chèo kéo bán hàng; “kêu thay bái đỡ”, thắp hương tùy tiện,... chỉ còn là chuyện đã qua ở một trong những trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu có tiếng tại xứ Thanh.

Bà Hoàng Thị Quyên, du khách đến từ TP Thanh Hóa về Phủ Na đi lễ đầu xuân, cho biết: “Những năm trước đây, lên Phủ Na, vừa háo hức nhưng có cả bức xúc. Rất nhiều người chèo kéo rút thẻ, chèo kéo cúng thuê,... vô cùng phiền phức. Tuy nhiên, năm nay, đã hạn chế tình trạng này. Đây thực sự là điều rất đáng được ghi nhận”.

Ban Quản lý di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na thông báo, tuyên truyền đến du khách.

Ban Quản lý di tích lịch sử và thắng cảnh Phủ Na thông báo, tuyên truyền đến du khách.

Ghé thăm đền Độc Cước (TP Sầm Sơn) trong ngày xuân, tôi gặp anh Nguyễn Văn Vinh, du khách đến từ TP Hải Phòng. Anh Vinh chia sẻ: “Đoàn khách chúng tôi hôm nay du xuân vào Thanh Hóa với hơn 200 người. Trước khi đến đền Độc Cước, chúng tôi đã ghé thăm Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh; đền Nưa - Am Tiên và dừng chân ở đền Độc Cước. Thật sự ngạc nhiên vì Thanh Hóa có nhiều điểm đến du xuân đẹp, hấp dẫn. Điều đáng nói, dù khách đông nhưng tại các di tích, điểm đến không có sự nhếch nhác, an ninh trật tự trong khu vực lễ hội được bảo đảm, khiến du khách yên tâm hơn”.

Mỗi một di tích, điểm đến tạo những giá trị văn hóa, tín ngưỡng riêng. Tuy nhiên, làm thế nào để tôn lên giá trị của điểm đến, tạo ấn tượng và mang đến cho du khách những trải nghiệm du xuân vui vẻ, ý nghĩa thì công tác quản lý di tích, tổ chức lễ hội rất quan trọng. Ông Lê Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Sầm Sơn, cho biết: “Bên cạnh việc tuyên truyền để du khách nâng cao ý thức thì ban quản lý di tích và mỗi thành viên trong đó cần đặc biệt nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình. Tại các điểm đến nằm trong di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (Di tích quốc gia đặc biệt), ban quản lý di tích cương quyết ngăn chặn các hoạt động gây ảnh hưởng đến nét đẹp di tích và lễ hội như xem bói, rút thẻ, bán hàng (trong khuôn viên di tích). Từ Tết Nguyên đán đến ngày 20 tháng Giêng, tại di tích chưa xảy ra bất cứ một vụ việc đáng tiếc nào”.

Dù chưa phải là tất cả, nhưng rõ ràng, những sự đổi thay tại các di tích, điểm đến trong mùa lễ hội năm nay là tín hiệu vui để người dân, du khách tin tưởng rằng, những điều chưa đẹp, chưa đúng nếu còn tồn tại rồi sẽ sớm được điều chỉnh, thay đổi, để “bức tranh” lễ hội mùa xuân thực sự là nét đẹp văn hóa đậm đà, bản sắc.

Bài và ảnh: Thu Trang

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mua-le-hoi-mot-hanh-trinh-bai-2-va-ung-xu-van-minh-35692.htm
Zalo