Mùa lặt lá mai
Cuối đông, mưa rây rây bụi mỏng nhưng gió lạnh thổi tê buốt, khiến cây lá như muốn co lại bên nhau tìm hơi ấm. Rồi những tia nắng ấm vàng tươi cũng đến, đánh thức cỏ cây bừng tỉnh để hò hẹn với mùa xuân. Trong buổi giao mùa của trời đất, lòng người cũng rạo rực, nôn nao. Tôi nhẩm tính và sắp xếp thời gian lặt lá mai cho kịp tết.
Từ xưa đến nay, mai là loài hoa biểu tượng cho sự cao quý, tài lộc, cát tường, bình an, may mắn. Năm cánh hoa mai còn tượng trưng cho năm vị thần: Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh. Nếu người miền Bắc ưa chuộng hoa đào thì người miền Trung và miền Nam lại yêu thích hoa mai.
Vì thế, hầu như nhà nào cũng trồng một vài gốc mai trong chậu cảnh hoặc trước sân. Tôi yêu thích hoa mai nên cố chăm sóc, với mong muốn có nhiều hoa cho mùa xuân thêm hương sắc.
Để có một cây mai ưng ý cũng phải nhọc công chăm bón, cắt tỉa. Trong đó, không thể bỏ qua công đoạn lặt lá mai, cho hoa bung nở đồng loạt vào dịp tết. Tùy thời tiết từng vùng và nụ búp lớn, nhỏ mà canh thời gian lặt lá. Riêng ở quê tôi, bà con thường lặt lá mai vào cuối tháng 11 đến đầu tháng Chạp. Trong vòng 30-35 ngày sau khi lặt lá, mai sẽ bung hoa. Ở phương Nam nhiều nắng, người ta lặt muộn hơn.
Lặt lá mai cũng là mùa vui rộn ràng. Nhà vườn chuyên trồng mai bán tết, phải thuê mướn công, còn vài cây để chơi thì tự mình làm. Bởi nhà ai cũng có nên í ới gọi rủ nhau lặt lá, đôi khi còn giúp nhau.
Hình ảnh những cụ già cùng mấy cháu nhỏ quây quanh gốc mai để lặt lá rất đẹp, cái đẹp của sự kết nối giữa xưa và nay, truyền thống và hiện đại, thực tại và khát vọng tương lai. Tôi tin nhiều bài học quý giá như nhắc nhớ về cội nguồn, về tình yêu thiên nhiên, về rèn luyện tính tỉ mỉ hay những giá trị thiêng liêng của cái tết cổ truyền sẽ neo mãi trong ký ức tuổi thơ của bọn trẻ từ những việc làm này.
Cả năm, những cây mai đứng khiêm nhường lặng lẽ. Trải qua nắng mưa dông bão vẫn bền bỉ, kiên cường. Bây giờ, trong các nách lá, từng nụ búp lú nhú bằng hạt đỗ đã lộ ra, tròn tròn, phải rất cẩn thận kẻo làm rụng những búp non, trông dễ thương đến lạ. Lặt hết lá, cây mai chỉ còn vóc dáng mảnh mai, khiến tôi nhớ câu thơ của Tản Đà:“Xương mai một nắm hao gầy”.
Ngoài mai xuân, tôi còn trồng hai cây mai tứ quý trước cửa. Lặt lá mai tứ quý thì khoảng rằm tháng Chạp, dễ lặt lá hơn mai xuân vì chưa có nụ. Sau khi lặt bỏ lớp lá già, từ thân cây sẽ nứt ra từng búp nụ, chúng lớn nhanh rồi bung nở đều, đẹp rực rỡ. Mai tứ quý dù sớm nở tối tàn nhưng nở quanh năm, lượng búp nhiều, lại có hương mật tự nhiên nên cũng được nhiều người yêu thích.
Xuân về tết đến, ai cũng lo dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa. Không chỉ ngôi nhà mà còn góc sân, tường rào, cổng ngõ, vườn tược thật sạch sẽ, tinh tươm với mong muốn có thêm nhiều vượng khí. Nhân tiện, tôi còn lặt lá cho cây sanh, cây me, cây lộc vừng... Cả khu vườn thoáng đãng, rộng hẳn lên và hứa hẹn một mùa hoa, mùa lá non tươi, kịp đón tết nghinh xuân.
Xóm nhỏ rộn ràng bởi tiếng nói cười, tiếng nhạc xuân sôi động. Nhìn vườn cây vừa lặt lá mà tôi cứ mơ đến ngày đứa con đi học xa về, sẽ thấy mùa tết với hoa nở rực vàng, lá non mơn mởn, ong bướm rập rờn trong nắng mới, thế nào cũng thích thú reo lên với hoa lá vườn nhà. Những chuyến tàu tạm dừng nơi ga nhỏ cuối năm, có nhiều hành khách phương xa ngắm nhìn cũng cảm thấy đường về sum họp sẽ gần hơn.
Pha phin cà phê, châm bình trà nóng, trời còn đậm hơi sương, tôi như nghe tiếng cựa mình của chồi non đang bung tách vỏ. Rồi mỗi sớm mai đây, ngắm nhìn từng cánh hoa vàng rung rinh trong nắng sớm, tôi nhớ đến câu thơ xưa: “Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”, hoặc nghĩ về cành mai nở muộn: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” như có thêm động lực, niềm tin yêu cuộc sống…