Mùa gieo hạt

Tôi không nhớ mình biết gieo hạt từ lúc nào. Có lẽ từ khi học lớp 2, lớp 3, đã biết quan sát và làm theo các bà, các chị. Khi nương lạc nhà mình đã gieo xong, chúng tôi lại chia nhau đi giúp những nhà khác trong làng.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi nhìn quyển lịch treo trên tường. Đây là thời gian người ta đã quen với lạnh giá của những ngày mùa đông dài, đất trời cũng đang dần chuyển mình để đón nắng xuân. Ở quê tôi, độ này đang là mùa gieo hạt. Con sông nhỏ chạy uốn lượn quanh làng như chiếc khăn quàng cổ của cô gái đương độ xuân thì đã bồi đắp cho bờ bãi ven sông thêm màu mỡ. Mỗi nhà đều có ít nhiều đất nơi bãi sông để gieo trồng quanh năm. Tháng Chạp là thời điểm thích hợp để gieo lạc, chờ qua Tết, đến tháng Ba, tháng Tư năm sau là có thể thu hoạch.

Khoảng nửa tháng trước ngày gieo hạt sắp bắt đầu, mẹ tôi thường dở chum lạc củ cất từ mùa trước ra để phơi lại. Hạt để giống là những hạt to tròn, phơi khô dưới nắng hè, lựa lặt thật kĩ rồi đem vùi lẫn với vỏ trấu khô trong chum sành để nơi kín đáo. Đêm đêm, nghe tay mẹ bóc lạc vỏ kêu tanh tách, lạc bóc xong rồi lại được lựa chọn một lần nữa, mười hạt đều như một mới đem gieo.

Bất kể cái se lạnh của ngày đầu tháng Chạp, người lớn, trẻ con đổ ra đồng cho kịp vụ. Từng chú trâu thong dong đi thành những đường cày thẳng theo tiếng tắc, rì của chủ, tiếng người nói cười rộn vang. Hạt lạc được bỏ trong chiếc rổ con con, rất thuần thục, người gieo cúi xuống, đi giật lùi, đùi ôm lấy chiếc rổ vào sát bụng, hai tay rải hạt vào đất đều thoăn thoắt. Đặt bàn chân vào luống đất còn hơi ấm vừa được cày lên, là cảm nhận được sức sống trỗi dậy từ nơi hạt mầm. Cứ thế, người rải hạt, người dùng chân phủ đất để lấp kín, rất nhịp nhàng và đều tay.

Tôi không nhớ mình biết gieo hạt từ lúc nào. Có lẽ từ khi học lớp 2, lớp 3, đã biết quan sát và làm theo các bà, các chị. Khi nương lạc nhà mình đã gieo xong, chúng tôi lại chia nhau đi giúp những nhà khác trong làng. Người gieo hạt, người lấp đất, người dong trâu cày… một không khí làm việc khẩn trương, nhịp nhàng diễn ra khắp cánh đồng. Tiếng nói chuyện rầm rì, tiếng cười, gọi nhau í ới thật vui.

Gieo hạt xong, mọi người trở về nhà mình với ấm nước chè xanh, chờ năm bảy ngày khi hạt nảy mầm để đi làm cỏ, bón phân. Việc của nhà nông quanh năm là thế, vất vả nhưng vui và đậm đà tình làng nghĩa xóm.

Chỉ chờ một cơn mưa là từ trong lòng đất, những hạt lạc nảy mầm, vươn mình mạnh mẽ đón cái nắng ấm áp của mùa xuân. Cánh đồng làng bên sông lại được khoác lên mình tấm áo nhung màu xanh nõn nà đầy sức sống.

Bảo Phúc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mua-gieo-hat-20250110135530034.htm
Zalo