Mưa đá 'càn quét' Thái Lan: 26 cột điện đổ sập, giao thông tê liệt
Trận mưa đá đã gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, mất điện diện rộng.
Ngày 7/5, một cơn giông lốc dữ dội kèm theo mưa đá đã bất ngờ quét qua huyện That Phanom, tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan), gây thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng, mất điện diện rộng và tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ 20 phút, khi khu vực Ban Bung Hee, Làng số 3 thuộc huyện Phra Klang Thung bất ngờ hứng chịu một cơn bão lớn. Trước đó, thời tiết khu vực nóng bức, ẩm thấp và có dấu hiệu bất ổn. Không lâu sau, mưa đá bắt đầu rơi dày hạt, kèm theo gió giật mạnh và sấm sét dữ dội. Trận mưa đá kéo dài khoảng 20 phút đã gây ra hậu quả nặng nề.

Cột điện cao thế bên tuyến đường chính Nakhon Phanom-That Phanom bị sét đánh trúng và đổ sập, kéo theo ít nhất 26 cột điện khác bị gãy đổ liên hoàn, trải dài khoảng 5 km từ khu hành chính huyện Phra Klang Thung đến gần lối rẽ vào Đồn Biên phòng 235. Sự cố không chỉ làm mất điện trên diện rộng mà còn khiến nhiều xe ô tô bị lật, chắn ngang hai làn đường, buộc lực lượng chức năng phải điều tiết giao thông theo hướng ngược lại để vào trung tâm huyện That Phanom, gây ùn tắc nghiêm trọng.
Ông On Sri Phrom-arak, 62 tuổi, một người dân sống gần hiện trường, cho biết: "Tôi thấy bầu trời tối sầm, rồi mưa đá trút xuống như trút. Gió thổi mạnh khiến ba cột điện bên đường đổ ầm xuống, sau đó kéo theo hàng loạt cột khác đổ theo. Mưa đá năm nay rất mạnh, tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy trong đời".

Ngay sau khi xảy ra sự cố, lực lượng cảnh sát từ Đồn Lak Sila đã có mặt để phong tỏa khu vực, đảm bảo an toàn và điều tiết giao thông. Điện lực That Phanom (PEA) cũng nhanh chóng cử lực lượng đến hiện trường để đánh giá thiệt hại và triển khai sửa chữa. Theo dự kiến, công tác khắc phục hệ thống điện có thể kéo dài từ 8 đến 12 giờ, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và mức độ hư hỏng thực tế.
Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục thống kê thiệt hại và đưa ra các phương án hỗ trợ khẩn cấp cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
