Mua bán doanh nghiệp M&A trước thách thức hội nhập
Trong bối cảnh M&A (mua bán và sáp nhập) đang trở thành xu hướng phát triển mạnh tại Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, để tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trong nước thì vai trò kết nối thông tin mua bán sáp nhập doanh nghiệp rất quan trọng. Đây sẽ là cầu nối để kết nối các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư quốc tế.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Thảo Nguyễn là chuyên gia M&A chủ chốt tại Ban Kết nối Xúc tiến Đầu tư, thuộc Cộng đồng M&A Việt Nam đồng thời là CEO Công ty INMERGERS (công ty về tư vấn M&A quốc tế, kết nối nhà đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp Việt Nam) về những nhận định, những chiến lược quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia vào quá trình M&A, từ lựa chọn thời điểm, chuẩn bị giá trị doanh nghiệp, đến các khó khăn trong quá trình thẩm định.
Bà có nhận định gì về tình hình thị trường M&A tại Việt Nam trong năm vừa qua?
Thị trường M&A tại Việt Nam đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước cần thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bình quân trong 100 doanh nghiệp Nhật Bản làm việc với tôi vì quan tâm đầu tư tại Việt Nam thì có 60% có nhu cầu đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 40% mong muốn đầu tư qua hình thức M&A.
Mặc dù, M&A đã trở thành một kênh quan trọng, sự chú trọng chủ yếu vẫn chỉ dồn vào các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chưa nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong các thương vụ mua bán doanh nghiệp M&A, điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường này vẫn còn rất lớn nếu có sự thay đổi trong chiến lược đầu tư.
Theo số liệu thống kê từ INMERGERS, 83% nhà đầu tư có nhu cầu mua lại doanh nghiệp, trong khi chỉ có 17% quan tâm đến M&A trong lĩnh vực bất động sản. Điều này cho thấy, sự ưu tiên rõ rệt của các nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ, nơi họ có thể khai thác giá trị gia tăng lớn hơn.
Ngược lại, trong số các doanh nghiệp muốn bán, 39% lựa chọn M&A doanh nghiệp, trong khi 61% lại hướng tới M&A bất động sản. Sự chênh lệch này không chỉ khẳng định rằng cầu về M&A doanh nghiệp vượt xa cung, mà còn phản ánh xu hướng các doanh nghiệp đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác chiến lược để gia tăng giá trị và mở rộng thị trường.
Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, mặc dù, thị trường M&A tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của việc hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực kết nối và tư vấn, giúp các bên tìm kiếm giải pháp tối ưu để hiện thực hóa các thương vụ M&A thành công. Nhìn chung, thị trường M&A Việt Nam đang chứng kiến một sự chuyển biến tích cực, với tiềm năng lớn cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp mong muốn mở rộng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Sau hơn một thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đầu tư tài chính, M&A và tư vấn pháp lý cho hàng trăm doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tôi đã nhận thấy một nhu cầu cấp thiết trong việc kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Việt Nam.
Thực tế cho thấy, mặc dù thị trường M&A đang phát triển, nhưng các giao dịch chủ yếu vẫn diễn ra thông qua các phương thức truyền thống, dẫn đến việc tốn kém thời gian và chi phí đáng kể. Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp chưa biết đến giải pháp M&A chiến lược dẫn đến việc có cái nhìn chưa đúng về M&A và ngộ nhận rằng doanh nghiệp chỉ thực hiện mua bán và sáp nhập khi sắp phá sản.
INMERGERS được thành lập vào tháng 3/2020, là nền tảng trực tuyến giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tìm kiếm và kết nối với nhà đầu tư nước ngoài. Giống như một "sàn thương mại điện tử", nhưng thay vì mua bán hàng hóa thông thường, INMERGERS chuyên hỗ trợ việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp. Mục tiêu của công ty là giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận nguồn vốn đầu tư nước ngoài một cách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch, từ đó nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bà có thể cho biết thực tế trong thời gian qua thị trường nước nào đang quan tâm lĩnh vực này nhiều nhất?
Với là cổng thông tin hàng đầu về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam, chúng tôi thấy các nhà đầu tư Nhật Bản rất ưa chuộng các doanh nghiệp có khả năng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đặc biệt là khả năng xuất khẩu. Bên cạnh đó, họ cũng ưu tiên những doanh nghiệp có hệ thống phân phối mạnh mẽ và thị phần ổn định trong nước. Về tiêu chí doanh thu, các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn tìm kiếm doanh nghiệp với mức doanh thu tối thiểu khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm, nợ ở mức thấp và có tiềm năng phát triển bền vững. Đặc biệt, nhà đầu tư Nhật Bản rất coi trọng yếu tố con người nên tư duy cởi mở, tinh thần sẵn sàng hợp tác của người lãnh đạo là điều không thể thiếu nếu muốn thu hút được sự quan tâm từ họ.
Theo bà, đâu là thời điểm thích hợp nhất để doanh nghiệp cân nhắc thực hiện chiến lược M&A?
Thời điểm tốt nhất để thực hiện M&A là khi doanh nghiệp đang phát triển ổn định và có lợi nhuận tốt. Lúc này, doanh nghiệp có vị thế mạnh để tìm đối tác phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng đột phá.
Nếu đợi đến khi tài chính khó khăn, doanh nghiệp dễ rơi vào thế bị động, phải chấp nhận điều kiện bất lợi và nguy cơ mất quyền kiểm soát doanh nghiệp. Thêm vào đó, giá trị doanh nghiệp giảm sút sẽ khó đàm phán giá tốt, phải bán thấp hơn giá trị thực tế. Hãy chủ động thực hiện M&A khi doanh nghiệp đang tăng trưởng tốt để tối ưu hóa giá trị và giữ quyền kiểm soát
Vì vậy, trong nước rất cần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để định giá doanh nghiệp toàn diện và tư vấn M&A trọn gói, nâng tầm giá trị doanh nghiệp, đột phá tăng trưởng tối thiểu 20% giá trị trong 6 tháng, đồng thời hoàn thiện hệ thống tài chính và pháp lý, sẵn sàng hút vốn đầu tư thành công và hiệu quả.
Bà có thể cho biết, trước khi tiến hành M&A, doanh nghiệp nên làm gì để tối ưu hóa giá trị và sức hấp dẫn của mình trong mắt nhà đầu tư?
Trước khi tham gia vào quá trình M&A, việc tối ưu hóa giá trị doanh nghiệp là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần tìm giải pháp để tối ưu hóa mọi nguồn lực hiện có, từ nhân sự, quy trình hoạt động, đến hệ thống quản trị. Việc rà soát và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng toàn bộ nguồn lực giúp doanh nghiệp gia tăng tối đa giá trị, giảm thiểu chi phí và nâng cao khả năng sinh lời.
Bước tiếp theo sau khi tối ưu giá trị là thực hiện định giá doanh nghiệp một cách toàn diện. Việc hiểu rõ giá trị thực tế của doanh nghiệp, cùng với tiềm năng phát triển trong tương lai, sẽ giúp chủ doanh nghiệp tự tin hơn trong quá trình đàm phán. Ngoài các yếu tố tài chính quan trọng như báo cáo tài chính, dòng tiền hay tỷ suất sinh lời, cần đánh giá song song các yếu tố phi tài chính như thương hiệu, uy tín, tệp khách hàng và vị thế cạnh tranh. Những yếu tố này cũng đóng góp một phần trong việc gia tăng sức hấp dẫn của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư.
Cùng với đó, doanh nghiệp cần hoàn thiện hệ thống tài chính và pháp lý. Một trong những vấn đề phổ biến của các doanh nghiệp trong nước là sự không phân tách rõ ràng giữa tài chính cá nhân và tài chính doanh nghiệp. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó kiểm soát chi phí và gây mất cân đối trong cấu trúc tài chính của doanh nghiệp.
Để khắc phục vấn đề này, doanh nghiệp cần nhanh chóng thiết lập lộ trình rà soát và cải thiện "sức khỏe" tài chính, từ đó, tạo dựng niềm tin ban đầu cho các nhà đầu tư. Song song đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, bảo đảm tính tuân thủ và bảo vệ quyền lợi của các bên sẽ giúp doanh nghiệp phòng ngừa các rủi ro pháp lý, tránh những lỗ hổng trong quá trình đàm phán M&A.
Ngoài ra, chọn đúng thời điểm và đúng đối tác cũng rất quan trọng để đạt được giá trị cộng hưởng lớn nhất. Khi doanh nghiệp đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, đây chính là thời điểm lý tưởng để thực hiện M&A. Đối tác nhà đầu tư phù hợp cần có khả năng tài chính vững mạnh, kinh nghiệm trong ngành, và một chiến lược phát triển phù hợp với định hướng của doanh nghiệp, đồng thời sẵn sàng chia sẻ mục tiêu và giá trị phát triển lâu dài, từ đó tạo ra sự hợp tác bền vững và hiệu quả.
Trong quá trình tư vấn M&A cho các doanh nghiệp, bà thường gặp phải những khó khăn nào và có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp?
Trong quá trình tư vấn M&A, tôi thấy có khá nhiều chủ doanh nghiệp ngộ nhận rằng chỉ nên tìm đến nhà đầu tư khi công ty gặp khó khăn về tài chính hoặc đang có nguy cơ phá sản, mà không nhận ra rằng giá trị doanh nghiệp sẽ cao hơn nhiều nếu được định giá khi công ty đang hoạt động ổn định hoặc thậm chí trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Khi doanh nghiệp đang ở thời điểm tốt, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy rõ tiềm năng phát triển lâu dài và sẵn sàng trả giá cao hơn.
Ngoài ra, khó khăn lớn thứ hai là một số chủ doanh nghiệp không sẵn lòng chia sẻ đầy đủ về tình hình tài chính thực tế và các vấn đề quản trị nội bộ nên rất khó để phản ánh chính xác thực trạng công ty. Trong quá trình thẩm định M&A, nhà đầu tư sẽ cử đội ngũ chuyên gia để đánh giá các rủi ro tiềm ẩn về pháp lý, tài chính và kỹ thuật, từ đó xác định ảnh hưởng đến giá trị chuyển nhượng. Sự hợp tác minh bạch từ phía doanh nghiệp, đặc biệt trong việc cung cấp hồ sơ tài chính đầy đủ và giải trình số liệu rõ ràng trong quá trình thẩm định, là yếu tố quan trọng giúp quá trình diễn ra suôn sẻ. Nếu số liệu thiếu chính xác và không có giải trình hợp lý, doanh nghiệp sẽ gặp bất lợi trong đàm phán, làm gián đoạn hoặc thậm chí thất bại trong quá trình M&A.
Thứ ba, không ít doanh nghiệp đặt kỳ vọng quá cao về giá trị công ty, dù tình hình kinh doanh hiện tại đã không còn khả quan như trước. Doanh số giảm, dư nợ tăng và khả năng sinh lời suy giảm khiến giá trị thực tế của doanh nghiệp không còn phản ánh đúng thực trạng. Từ góc nhìn của INMERGERS, một đơn vị chuyên tư vấn M&A, giá trị doanh nghiệp cần được đánh giá dựa trên dòng tiền thực tế và các yếu tố nội tại như doanh thu. Nếu cứ giữ kỳ vọng không thực tế, sẽ rất khó để tìm kiếm đối tác đầu tư.
Một thách thức lớn nữa là thay đổi tư duy của chủ doanh nghiệp, giúp họ nhận thức rằng M&A không chỉ là giải pháp tài chính đơn thuần, mà còn là cơ hội hợp tác để phát huy sức mạnh cộng hưởng phi tài chính. Thực tế, M&A có thể mang lại nhiều lợi ích vượt trội, từ việc mở rộng thị trường và gia tăng năng lực sản xuất, đến việc cải thiện quy trình vận hành và nâng cao giá trị thương hiệu. Khi doanh nghiệp hiểu rằng M&A là một chiến lược phát triển bền vững, họ sẽ chủ động và quyết đoán hơn trong việc tìm kiếm đối tác và xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài, có giá trị.
Lời khuyên cho các doanh nghiệp muốn thực hiện M&A là nên kiên nhẫn, nắm bắt thời cơ và tìm đến các đơn vị tư vấn M&A uy tín để “làm đúng ngay từ đầu”, từ việc lựa chọn nhà đầu tư, chuẩn bị hồ sơ, đến gây ấn tượng và tự tin đàm phán với nhà đầu tư, nâng cao tỷ lệ thành công.
Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!