Một Việt Nam vững bước tương lai
50 năm sau đại thắng mùa Xuân 1975 (30/4/1975-30/4/2025), Việt Nam vững bước trong hành trình phát triển, từ khói lửa chiến tranh đến khát vọng vươn lên thành quốc gia hùng cường, hiện đại.

Ngày 30/4/1975 – dấu mốc không thể phai mờ trong ký ức dân tộc Việt Nam. Tiếng súng đã ngưng trên mọi miền đất nước. Dòng người trên khắp phố phường Sài Gòn hân hoan chào đón cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Từ núi rừng Tây Bắc đến miền biển xa, từ thành thị tới nông thôn, đã nối thành vòng tay lớn: Một Việt Nam thống nhất, độc lập, hòa bình.
Non sông đã liền một dải, Bắc – Nam trong niềm vui sum họp một nhà.
"Đời rực sáng những ánh mắt lấp lánh ta muốn ôm hôn mỗi tấc đất quê hương" (Đất nước trọn niềm vui, Hoàng Hà).
Chiến thắng đó không chỉ là kết tinh của ý chí sắt đá, lòng yêu nước nồng nàn, mà còn là bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam trong hành trình giành độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ.
Nửa thế kỷ đã đi qua, lịch sử không ngừng chứng minh: Độc lập là điều kiện tiên quyết để phát triển. Tự do là nền tảng để hội nhập. Và chính từ trong gian khổ, một Việt Nam mới đã từng bước vươn lên, vững vàng, mạnh mẽ và tự tin hội nhập với thế giới.
Từ mùa Xuân đại thắng đến hành trình dựng xây đất nước

Ngã ba sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Tòa nhà mái ngói đỏ tươi là bến Nhà Rồng, xây dựng năm 1863. Chính tại nơi này, ngày 5.6.1911 Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tàu rời Việt Nam, bắt đầu hành trình ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: Nguyễn Minh Tú
Sau ngày thống nhất, đất nước phải đối mặt với muôn vàn thử thách: ảnh hưởng tàn phá của chiến tranh, bao vây cấm vận kéo dài, cơ chế kinh tế tập trung bao cấp bộc lộ nhiều bất cập. Nhưng người Việt Nam không bao giờ chùn bước. Chính trong gian khó, ý chí dân tộc, truyền thống “lửa thử vàng, gian nan thử sức” đã dẫn đường cho một cuộc cách mạng mới – cách mạng trong hòa bình, cách mạng trong phát triển.
Bước ngoặt năm 1986 với công cuộc Đổi mới là quyết định chiến lược, thể hiện bản lĩnh chính trị và tư duy thực tiễn sắc bén của Đảng. Từ đây, nền kinh tế chuyển mình mạnh mẽ, từng bước thoát khỏi trì trệ, lạm phát phi mã, đời sống nhân dân dần cải thiện.
Từ một quốc gia nghèo đói, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á. Đến năm 2024, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD, cao gấp gần 40 lần so với năm 1985. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, đứng trong nhóm 20 quốc gia có thương mại lớn nhất thế giới. Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, với hơn 42.000 dự án FDI còn hiệu lực, tính đến thời điểm này.
Các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Intel, LG, Foxconn, Honda, Toyota Apple, NviDia... đã và đang chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong nông nghiệp, sản lượng xuất khẩu gạo, cà phê, thủy sản liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu sầu riêng lớn thứ hai sang Trung Quốc và đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, hồ tiêu.
Không chỉ là câu chuyện của những con số, đó còn là hành trình đầy cảm xúc – của những làng quê từng nghèo khó giờ đã có đường bê tông, trường học khang trang; của những thế hệ thanh niên trưởng thành trong hòa bình, học tập, lao động và cống hiến với tinh thần đổi mới sáng tạo.

Tòa nhà Landmark 81 – Tòa nhà cao nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại được xem như biểu tượng cho sức mạnh đoàn kết từ ngàn đời nay của người dân Việt.
Nửa thế kỷ đổi thay – Một Việt Nam tự tin, vững bước
Chiến thắng 30/4/1975 kết thúc một cuộc chiến tranh, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập. Đó cũng là dấu mốc cho một hành trình dài: hành trình bảo vệ thành quả cách mạng, dựng xây một đất nước độc lập, giàu mạnh, công bằng và văn minh.
Ngày nay, Việt Nam không còn là quốc gia nhận viện trợ nhân đạo, mà đã vươn lên trở thành quốc gia cung cấp hỗ trợ phát triển cho các nước khác. Trong các tổ chức quốc tế, tiếng nói Việt Nam ngày càng có trọng lượng. Từ vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đến việc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, hay các sự kiện APEC, SEA Games, các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo... Việt Nam luôn thể hiện là quốc gia yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm và bản lĩnh.
Về giáo dục – tỷ lệ người biết chữ đạt trên 97%, giáo dục phổ cập được duy trì toàn diện. Trong lĩnh vực y tế, tuổi thọ trung bình đã tăng lên hơn 73 tuổi, hệ thống khám chữa bệnh ngày càng tiếp cận công nghệ cao, kể cả ở tuyến huyện, tuyến xã.
Mạng lưới giao thông được đầu tư bài bản với gần 2.000 km đường cao tốc, các sân bay quốc tế như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Long Thành (đang xây dựng) là cửa ngõ kết nối khu vực và thế giới. Việt Nam cũng đang trong tiến trình chuyển đổi xanh, phát triển năng lượng tái tạo, và đẩy mạnh chuyển đổi số với gần 80% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất.
Trên phương diện xã hội, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%, gần như xóa bỏ đói ăn, thất học. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng hoàn thiện, người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công, bảo hiểm, y tế, giáo dục. Văn hóa – thể thao – du lịch cũng khởi sắc rõ rệt, đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới qua các kỳ tích bóng đá, điện ảnh, và lượng khách du lịch quốc tế đạt trên 12 triệu lượt vào năm 2024.
Trong lĩnh vực chính trị, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa được củng cố, hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết toàn dân được phát huy. Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện, kiên định mục tiêu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vẻ đẹp thanh bình của Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước.
Hào khí dân tộc – Rạng rỡ Việt Nam
Dân tộc ta từng đi qua biết bao cuộc chiến vệ quốc, nhưng chưa bao giờ khuất phục. Trong hòa bình, chúng ta càng hiểu rõ: để đất nước trường tồn và phát triển, thì tinh thần độc lập – tự chủ phải được giữ gìn bằng sức mạnh nội lực, bằng tri thức, đoàn kết và sự đồng lòng. Tiến trình ấy khởi nguyên từ cộng đồng tựa lưng non Tản, chung dòng sông Cái đến một dải non sông gấm vóc hình chữ S bên bờ biển Đông mênh mang sóng vỗ, ngày nay đã thật sự to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động, Việt Nam vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng – an ninh. Đó không chỉ là kết quả của điều hành linh hoạt, mà còn là sự đồng thuận của nhân dân, sự dẫn dắt sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam – đội tiền phong của giai cấp công nhân và của dân tộc.
Hành trình phát triển phía trước sẽ không bằng phẳng. Biến đổi khí hậu, cạnh tranh địa chính trị, chuyển đổi số, già hóa dân số, và yêu cầu cải cách thể chế là những thách thức lớn. Nhưng nếu 50 năm trước, dân tộc ta đã làm nên kỳ tích thống nhất, thì hôm nay, với khát vọng đổi mới, trí tuệ và tinh thần thời đại Hồ Chí Minh, Việt Nam đủ sức mạnh và bản lĩnh để tiếp tục làm nên kỳ tích phát triển, vững bước vào tương lai: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!
50 năm không phải là chặng đường dài trong lịch sử của một đất nước, nhưng đủ để nhìn thấy sự đổi thay kỳ diệu của Tổ quốc vinh quang Việt Nam - từ "đất bom đào" đến năng động, hội nhập, tự tin và khát vọng.
Kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam – thống nhất đất nước không chỉ để nhắc lại chiến công, mà còn để nhấn mạnh sứ mệnh hôm nay: phát triển vì nhân dân, vì tương lai, vì một Việt Nam hùng cường.
Như Tổng bí thư Tô Lâm trong bài viết "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một" đã nhấn mạnh: "Thế kỷ XXI là thế kỷ của những dân tộc biết làm chủ vận mệnh của mình. Và dân tộc Việt Nam – với tất cả những bài học từ quá khứ, với tất cả sự đoàn kết hôm nay – nhất định sẽ viết tiếp những chương mới rực rỡ trong hành trình phát triển của mình. Vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng, có vị thế và tiếng nói quan trọng trong cộng đồng quốc tế."
Đó là lý do để mỗi người con đất Việt hôm nay – từ những bản làng vùng cao, biển đảo xa xôi cho đến thành thị sôi động – có quyền ngẩng cao đầu, tự hào và tiếp tục cống hiến, vì một Việt Nam vững bước tương lai!