Một viên thuốc, người bệnh cõng 30% 'hoa hồng'?

Người bệnh không chỉ phải trả tiền thuốc, mà còn âm thầm gánh luôn phần 'hoa hồng'. Mỗi toa thuốc trở thành hóa đơn cho một đường dây cấu kết âm thầm của một số người khoác áo y đức đang kiếm chác trên sức khỏe người bệnh.

Trong vụ án mới được Bộ Công an công bố, Chủ tịch Công ty CP Dược Sơn Lâm đã chi hơn 71 tỷ đồng tiền hoa hồng (lên tới 30% giá trị hợp đồng) để thuốc của mình “lọt” vào các bệnh viện. Người nhận không ai khác, chính là các giám đốc bệnh viện, lãnh đạo trung tâm y tế, cán bộ y tế… những người đáng lẽ phải đặt tính mạng bệnh nhân lên hàng đầu. Không ít người sẽ ngạc nhiên rằng: vì sao doanh nghiệp chấp nhận “lại quả” cao đến vậy? Câu trả lời thật đơn giản, các khoản chi đó không đến từ lợi nhuận của doanh nghiệp mà được tính thẳng vào giá thuốc bán cho bệnh viện. và người cuối cùng gánh chi phí này chính là người bệnh. Họ không chỉ tốn thêm chi phí, mà còn phải chịu rủi ro từ thuốc kém chất lượng, bị lạm dụng.

Nghiêm trọng hơn, quỹ Bảo hiểm Y tế, vốn được đóng từ thuế của người dân đang bị rút ruột qua những hợp đồng bị “thổi giá”. Khi quỹ bị thâm hụt, ngành chức năng phải điều chỉnh chính sách, tăng mức đóng hoặc siết chi trả thì hậu quả người dân tiếp tục chịu thiệt. Sự tàn nhẫn còn nằm ở chỗ nạn nhân không bao giờ biết mình là nạn nhân. Họ không nhìn thấy phong bì, không chứng kiến cuộc gọi, không đọc được hợp đồng “hoa hồng” giữa bệnh viện và doanh nghiệp. Họ chỉ thấy toa thuốc dài và hóa đơn ngày càng… dài hơn.

Ngành y không đơn thuần là dịch vụ, đó là nơi mỗi quyết định phải gắn với sinh mạng con người. Nhưng khi hoa hồng trở thành tiêu chí ngầm trong lựa chọn thuốc của một bộ phận, thì y đức đã bị đẩy ra ngoài cánh cửa bệnh viện. Không còn là thuốc tốt nhất, hiệu quả nhất, mà là thuốc nào “lại quả” nhiều nhất. Khi đó, một vài bác sĩ kê đơn vì lợi ích của ai? Câu trả lời càng lạnh lùng bao nhiêu, người bệnh càng đáng thương bấy nhiêu. Đó không còn là câu chuyện pháp lý, mà là bi kịch đạo đức.

Điểm đặc biệt của vụ án này là cá nhân bị tha hóa lại là người đứng đầu các bệnh viện tuyến tỉnh hoặc viện trưởng các đơn vị y học cổ truyền hàng đầu. Họ đều xuất hiện trong danh sách nhận “hoa hồng”. Không ai ép buộc họ. Chính họ đặt ra mức phần trăm, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản người thân, chia nhỏ khoản nhận để dễ rút và khó bị phát hiện.

Nhiều người tự hỏi, làm sao những khoản tiền hàng chục tỷ đồng có thể chi ra đều đặn trong nhiều năm mà không bị phát hiện? Câu trả lời nằm ở sự cấu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và những “con sâu” trong bệnh viện, trong khi hệ thống giám sát còn lỏng lẻo. Không ít cán bộ bệnh viện giữ cùng lúc nhiều vị trí trong hội đồng thầu, phụ trách chuyên môn lẫn tài chính. Quy trình đấu thầu trở thành sân chơi khép kín, nơi giá thuốc được “làm giá”, hồ sơ được “thiết kế” và kết quả được biết trước.

Thậm chí, theo lời khai của các bị can, một số cá nhân nắm những vị trí chủ chốt của bệnh viện còn yêu cầu doanh nghiệp chuyển tiền “lại quả” thông qua tài khoản người thân, chuyển dần từng đợt để tránh bị chú ý. Điều này cho thấy sự tính toán bài bản như một “thị trường đen” ngay trong hệ thống y tế.

Không thể tiếp tục xem đây là cá biệt. Bởi trong một hệ thống giám sát hiệu quả, không thể tồn tại hành vi chuyển khoản hối lộ kéo dài trong nhiều năm với hàng chục tỷ đồng mà không bị phát hiện. Sự im lặng của cơ chế kiểm tra từ đơn vị kiểm tra nội bộ, cho đến cơ quan quản lý liên quan chỉ cho thấy một điều rằng có một “vùng xám” đang tồn tại bấy lâu nay. Không ai lên tiếng, phải chăng vì tất cả đều có lợi.

Không thể kỳ vọng những vụ khởi tố cá nhân sẽ là “liều thuốc giải độc” cho hành vi tham nhũng, hối lộ. Khi tỷ lệ phần trăm ăn chia trở thành thông lệ ngầm nên chỉ xử lý từng vụ là chưa đủ.

Trước hết, cần minh bạch hóa toàn bộ quá trình đấu thầu thuốc, công khai bảng giá, đơn vị trúng thầu, tiêu chí chấm điểm để người dân có thể giám sát. Thứ hai, phải tách bạch chức năng chuyên môn và chức năng đấu thầu, tránh tình trạng bác sĩ vừa khám bệnh, vừa chấm điểm nhà cung cấp. Tiếp đó, phải ngăn chặn mọi hình thức chiết khấu trá hình, từ hội nghị đến “hợp tác đào tạo”, vốn là vỏ bọc hợp pháp cho hành vi móc ngoặc. Về lâu dài, đạo đức ngành y không chỉ là khẩu hiệu mà phải bằng hành động cụ thể. Những cán bộ vi phạm không thể chỉ bị kỷ luật nội bộ hay chuyển công tác mà phải bị loại bỏ khỏi hệ thống.

Vì nếu đạo đức, trách nhiệm có thể mặc cả, thì đến một ngày, sự sống cũng sẽ được đem ra cân đo như một món hàng. Một nền y tế chỉ thực sự khỏe mạnh khi bệnh nhân không cần nghi ngờ rằng toa thuốc của mình có là vì sức khỏe, hay vì ai đó vừa nhận “cảm ơn” trong một tài khoản nào đó!

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mot-vien-thuoc-nguoi-benh-cong-30-hoa-hong-10306245.html
Zalo