Hậu quả pháp lý của việc trốn thuế
Thuế là một khoản nộp ngân sách Nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của Luật Thuế. Các khoản thu về thuế là nguồn tài chính quan trọng để thực hiện các mục tiêu, chính sách và các định hướng của Nhà nước. Trên thực tế, các hành vi vi phạm pháp luật thuế rất đa dạng trong đó trốn thuế là một hình thức vi phạm phổ biến, nhất là trong việc thực hiện giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Hành vi trốn thuế xâm phạm chính sách thuế của Nhà nước, làm thất thu ngân sách Nhà nước. Việc quy định tội trốn thuế là biện pháp cần thiết để góp phần ngăn chặn hành vi này.
Dấu hiệu pháp lý của tội “Trốn thuế”
Tội “Trốn thuế” được quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Dấu hiệu mặt khách quan của hành vi trốn thuế được quy định trong Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 có thể là một trong các dạng hành vi cụ thể sau:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật.
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.
- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.
- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn.
- Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn.
- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
- Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật Hình sự năm 2 015.
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
Hành vi trốn thuế được xác định cụ thể trên đây bị coi là tội phạm nếu số tiền trốn thuế là từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật Hình sự năm 2015, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Hành vi trốn thuế được thực hiện qua hai dạng hành vi là hành động phạm tội hoặc có thể không hành động phạm tội. (Còn tiếp)