Một tình yêu lớn dành cho thể thao
Khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - vận động viên Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Vàng Thế vận hội Olympic tại Brazil năm 2016, ít ai biết rằng đằng sau tấm huy chương đó là nước mắt, nụ cười và cả nghị lực, ý chí thép của một người phụ nữ, một người thầy để đưa học trò mình vươn tới đỉnh cao...

HLV Nguyễn Thị Nhung phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017- 2022 . (Nguồn: HLHPNVN)
Những ngày xuân Ất Tỵ, tin vui đến với Bắn súng Việt Nam khi chị Nguyễn Thị Nhung - nguyên huấn luyện viên trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia đã được Liên đoàn Bắn súng quốc tế trao chứng chỉ HLV bắn súng quốc tế hạng A.
Bắn súng Việt Nam có huấn luyện viên đầu tiên nhận chứng chỉ quốc tế hạng A
Chứng chỉ huấn luyện viên (HLV) bắn súng quốc tế hạng A là bằng huấn luyện cao nhất dành cho các HLV bắn súng trên toàn thế giới đã vượt qua các cuộc sát hạch hoặc có học trò là các nhà vô địch hoặc đoạt huy chương Olympic, thế giới. Với chứng chỉ này, chị Nguyễn Thị Nhung trở thành HLV đầu tiên của Bắn súng Việt Nam được Liên đoàn Bắn súng quốc tế trao chứng chỉ huấn luyện danh giá, dành cho những HLV đẳng cấp thế giới.
Trước khi trở thành HLV, chị Nguyễn Thị Nhung đã có nhiều cống hiến cho Bắn súng Việt Nam từ cương vị vận động viên (VĐV). Sau khi được Nhà nước cử đi đào tạo tại Liên Xô (cũ), chị tiếp tục tình yêu và niềm đam mê với môn bắn súng trên cương vị Trưởng bộ môn Bắn súng - Tổng cục Thể dục thể thao kiêm HLV trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia. Chị cũng là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ VI. Trong quá trình làm HLV trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia, HLV Nguyễn Thị Nhung đã cùng đội tuyển Bắn súng đoạt nhiều thành tích, từ các chức vô địch Đông Nam Á tới thế giới. Đặc biệt tại Olympic Rio 2016, cùng với chuyên gia Park Chunggun, HLV Nguyễn Thị Nhung đã huấn luyện, chỉ đạo thi đấu để xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, phá 1 kỷ lục của thế vận hội. Đây là thành tích tốt nhất của Thể thao Việt Nam trong lịch sử gần 79 năm của thể thao Việt Nam tính tới thời điểm này.

Bắn súng Việt Nam có huấn luyện viên đầu tiên nhận chứng chỉ quốc tế hạng A.
Năm 2022, trước thềm Đại hội Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nhiệm kỳ VII, HLV Nguyễn Thị Nhung rút lui khỏi Bắn súng Việt Nam. Trả lời truyền thông, chị cho biết muốn dành thời gian chăm sóc cho gia đình sau nhiều năm cống hiến cho bắn súng. Trước đó, chị cũng đã xin rút khỏi chức danh HLV trưởng đội tuyển Bắn súng quốc gia. Tuy vậy, những cống hiến của HLV Nguyễn Thị Nhung cho bắn súng Việt Nam không bao giờ phai nhạt và đã được Liên đoàn Bắn súng quốc tế ghi nhận và Chứng chỉ HLV bắn súng quốc tế hạng A danh giá chính là phần thưởng cho những nỗ lực đó.
“Người phụ nữ thép” phía sau xạ thủ vàng Hoàng Xuân Vinh
Năm 2017, bên lề Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017 - 2022, phóng viên đã có dịp gặp HLV Nguyễn Thị Nhung và nghe bài phát biểu khai mạc của chị tại Lễ khai mạc Đại hội. Nhìn người phụ nữ thướt tha trong tà áo dài hồng cam bước lên bục phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội không ai nghĩ bên trong người phụ nữ ấy là “nghị lực thép”, “ý chí thép” để đưa học trò mình vươn tới Huy chương Vàng Thế vận hội Olympic.
Khi nín thở theo dõi hành trình thi đấu của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh - VĐV Việt Nam đầu tiên đoạt Huy chương Vàng Thế vận hội Olympic tại Brazil năm 2016, nhiều người vẫn còn nhớ phút giây căng thẳng, hồi hộp rồi vỡ òa trong niềm vui với nước mắt và nụ cười của hai thầy trò Nguyễn Thị Nhung - Hoàng Xuân Vinh khi cái tên Việt Nam được xướng lên cùng với tấm Huy chương Vàng. Giấc mơ, nỗi khát khao bao lâu nay đã thành hiện thực. Nhưng có mấy ai biết rằng, trước đó là những tháng ngày không quên của cả hai thầy trò và của riêng HLV Nguyễn Thị Nhung.
Kể lại câu chuyện của hai thầy trò tại Đại hội, HLV Nguyễn Thị Nhung cho biết, để bước lên đỉnh cao nhất của Olympic Rio 2016, chị và Hoàng Xuân Vinh đã từng trải qua những chặng đường đầy chông gai. Đã có những lúc Hoàng Xuân Vinh bị coi như “tội đồ” khi thất bại trong phát súng cuối tại Asian Games 2010, Olympic Luân Đôn 2012 và Asian Games 2014. Sau khi tuột mất huy chương ở 3 kỳ đại hội đó, Hoàng Xuân Vinh nhận nhiều chỉ trích đến mức tinh thần của xạ thủ vốn xuất thân là người lính này bị khủng hoảng.
“Khoảnh khắc khiến tôi nhớ nhất và cũng là đau lòng nhất là sau thất bại tại Asian Games 2010, Vinh ngước mắt nhìn tôi hỏi đầy tuyệt vọng: “Theo chị, em có tiếp tục theo bắn súng nữa không? Em có tiếp tục bắn được nữa không?”. Khi ấy tôi đã giấu đi cảm giác yếu đuối của người phụ nữ để nhìn Vinh đầy quả quyết và khẳng định: “Chắc chắn em sẽ tiếp tục thi đấu, em sẽ là nhà vô địch!” - chị Nhung kể lại.
Có nhiều thời điểm tinh thần của Hoàng Xuân Vinh rất chán nản, với tư cách là HLV, chị Nhung luôn dành thời gian ở bên cạnh Vinh chia sẻ với Vinh nỗi buồn thất bại và động viên, truyền cho Vinh sự tự tin, hy vọng về một ngày Vinh sẽ bước lên ngôi cao nhất. Không chỉ thế, sau nhiều băn khoăn, trăn trở, HLV Nguyễn Thị Nhung đã quyết định phương pháp huấn luyện mới về tâm lý để giúp Hoàng Xuân Vinh khắc phục được điểm yếu của mình.
Chị Nhung đã yêu cầu Hoàng Xuân Vinh khi bước vào trường bắn không nhìn khán giả để tránh mọi áp lực xung quanh. Bài tập này đã phát huy hiệu quả, giúp Hoàng Xuân Vinh đoạt Huy chương Vàng tại Cúp bắn súng thế giới. Từ thành công này, chị Nhung tiếp tục yêu cầu Vinh trước ngày thi đấu, hình dung trong đầu mình quang cảnh của trường bắn ngày hôm sau để tránh tâm lý bị khớp khi bước vào thực tế.
Hầu hết mọi người đều khen xạ thủ Hoàng Xuân Vinh có tư thế bắn rất đẹp. Câu chuyện này nghe tưởng rất đơn giản nhưng để có được tư thế ấy, được biết HLV Nguyễn Thị Nhung đã phải rèn cho Vinh từng động tác, tránh động tác thừa khi ngắm bắn. Chị Nhung cũng không quên rèn cho học trò của mình bản lĩnh “thắng không kiêu, bại không nản, đứng lên sau mỗi thất bại” để có được một xạ thủ dày dạn về bản lĩnh và kinh nghiệm thi đấu. Có một câu chuyện rất thú vị rằng, để truyền tinh thần tự tin cho Hoàng Xuân Vinh, HLV Nguyễn Thị Nhung đã yêu cầu trước mỗi buổi tập, từng VĐV phải hô to: “Tôi là nhà vô địch Olympic!”. “Tôi nhớ thời gian đầu nhiều VĐV còn ngại không dám hô, nhưng ngày nào cũng thế, mọi việc trở thành quen và Hoàng Xuân Vinh ngày càng tự tin khi hô vang câu đó” - chị Nhung kể. “Khi chưa lên ngôi vô địch Olympic 2016 Hoàng Xuân Vinh đã có tác phong bước vào trường bắn của một nhà vô địch đẳng cấp thế giới. Đó chính là niềm hy vọng, là động lực thúc đẩy tôi và các học trò nhắm đến mục đích cuối cùng” - chị Nhung kể lại.

HLV Nguyễn Thị Nhung cùng hai học trò xuất sắc là Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường. (Ảnh: TTXVN)
Những câu nói tự đáy lòng
Ngày 7/3/2016, HLV Nguyễn Thị Nhung và 99 người phụ nữ tiêu biểu khác đã được vinh danh tại chương trình “Tự hào phụ nữ Việt Nam” trong khuôn khổ Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017 - 2022. Là 1 trong 100 gương mặt phụ nữ tiêu biểu của đất nước, cá nhân được lựa chọn để tham luận tại Đại hội, chị cũng vẫn giản dị như vậy với một mong ước: “Tuổi lao động của các VĐV rất ngắn, nhất là phụ nữ. Vì vậy, tôi mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện quan tâm hỗ trợ các VĐV, tạo công ăn việc làm cho các VĐV sau khi họ nghỉ thi đấu… Nếu phụ nữ có con nhỏ cần có chế độ hỗ trợ riêng để chị em thật sự yên tâm luyện tập, thi đấu. Và mong muốn Nhà nước đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện, thi đấu”.
Những câu nói đó xuất phát từ đáy lòng bởi bản thân HLV Nguyễn Thị Nhung cũng đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp thể thao nước nhà, nhưng chị không muốn nói về điều đó mà chỉ luôn nghĩ đến những đồng đội, học trò và nền thể thao Việt Nam.
“Là phụ nữ công tác trong một lĩnh vực rất đặc thù là huấn luyện thể thao đỉnh cao, tôi cũng như nhiều chị em HLV nữ của ngành Thể dục, thể thao đã gặp những khó khăn không nhỏ về thể chất cũng như năng lực làm việc so với các đồng nghiệp nam. Đặc biệt với phụ nữ thì việc thu xếp dành thời gian cho gia đình, con cái là không thể thiếu... Đôi khi những đợt tập huấn và thi đấu liên miên khiến chúng tôi rơi vào cảm giác có lỗi với gia đình nhỏ của mình. Nhưng với một tình yêu lớn dành cho thể thao, niềm say mê với công việc, đặc biệt là quyết tâm hoàn thành trọng trách được giao, tôi và các bạn đồng nghiệp nữ đã được sự ủng hộ tuyệt đối từ gia đình nên luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ với chất lượng cao nhất”, chị phát biểu tại Lễ khai mạc Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Còn nhớ, khi Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương Vàng, trước niềm vui và tự hào quá lớn như vậy, HLV Nguyễn Thị Nhung - người giữ chức vô địch quốc gia nhiều năm ở nội dung súng ngắn 25m, nhiều năm liên tục dẫn dắt đội tuyển quốc gia môn Bắn súng, nữ HLV đội tuyển quốc gia bắn súng duy nhất của châu Á, “nữ tướng” duy nhất ở môn bắn súng tại Olympic Rio… chỉ có một câu giản dị: “Vinh quang Tổ quốc Việt Nam! Cảm ơn học trò yêu quý của tôi! Cảm ơn những người thầy bắn súng! Việt Nam chiến thắng!”.
Bởi hơn ai hết, từng là VĐV, rồi HLV, chị rất hiểu phía sau mỗi vinh quang là biết bao sự hỗ trợ thầm lặng từ Đảng, Nhà nước, ngành Thể dục thể thao, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cho tới sự cố gắng, nỗ lực của cá nhân VĐV, HLV…