Sumo - môn thể thao thể hiện sức mạnh thể chất và tinh thần của Nhật Bản

Với lịch sử hàng thế kỷ, đấu vật Sumo không chỉ là môn thể thao quốc gia truyền thống của Nhật Bản mà còn là biểu tượng của tinh thần thượng võ tại đất nước Mặt Trời mọc.

Sumo ra đời cách đây hơn 1.500 năm, bắt nguồn từ các nghi lễ gắn liền với tín ngưỡng Thần đạo (Shinto). Trận chiến sức mạnh của võ sĩ Sumo được thể hiện là minh chứng cho sự hiện diện của các vị thần trong mọi khía cạnh của cuộc sống theo học thuyết Thần đạo Nhật Bản.

Các võ sĩ Sumo trong chiếc tạp dề Kesho-mawashi truyền thống chào khán giả hâm mộ trong giải đầu mùa xuân tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Các võ sĩ Sumo trong chiếc tạp dề Kesho-mawashi truyền thống chào khán giả hâm mộ trong giải đầu mùa xuân tại thủ đô Tokyo. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các giải đấu Sumo chuyên nghiệp do Hiệp hội Sumo Nhật Bản chịu trách nhiệm quản lý. Hằng năm, tại Nhật Bản có 6 giải đấu được tổ chức, gồm 3 giải ở Tokyo (tháng 1, tháng 5 và tháng 9) và 1 giải ở Osaka (tháng 3), Nagoya (tháng 7) và Fukuoka (tháng 11). Mỗi giải đấu kéo dài 15 ngày, trong đó các đô vật thi đấu một trận mỗi ngày, trừ các đô vật có thứ hạng thấp hơn.

Để trở thành Sumo thì võ sĩ phải tham gia vào một trong số hàng chục lò luyện. Quy trình huấn luyện ở các võ đường diễn ra nghiêm ngặt, từ sáng sớm đến tối muộn, với các bài tập lặp đi lặp lại hằng ngày để rèn luyện sức mạnh và thể lực.

Các buổi tập luyện bắt đầu vào khoảng 6-7h. Do sới võ Sumo được xem là nơi linh thiêng, nên cho dù là một buổi tập luyện, các võ sĩ vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghi thức truyền thống trước khi bắt đầu buổi tập. Tại võ đường Takasago Beya ở Tokyo, buổi tập luyện thường bắt đầu bằng các động tác khởi động như hít đất, tập với cột gỗ và đặc biệt là bài tập đẩy, trong đó 1 võ sĩ phải cố gắng đẩy đối thủ ra khỏi vòng tròn của sới vật.

Một pha cạnh tranh bất phân thắng bại trong một trận đấu tập. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Một pha cạnh tranh bất phân thắng bại trong một trận đấu tập. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Sau phần khởi động, các võ sĩ Sumo thực hiện các trận đấu cặp theo thể thức đối kháng. Các trận đấu diễn ra trên một võ đài làm bằng đất sét và phủ một lớp cát. Theo luật, võ sĩ nào ra khỏi võ đài trước hoặc chạm đất bằng bất kỳ bộ phận nào của cơ thể ngoài lòng bàn chân sẽ thua cuộc. Mặc dù là đấu tập luyện, nhưng sức mạnh trong từng cú đẩy, đòn tát hay nhấc bổng đối thủ… vẫn được thực hiện rất mạnh mẽ.

Sumo thi đấu không phân biệt hạng cân, nghĩa là các đô vật có thể đối mặt với đối thủ to lớn gấp nhiều lần họ. Do đó, chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong quá trình tập luyện Sumo. Trong mỗi buổi tập sẽ có một nhóm võ sĩ Sumo được phân công chuẩn bị bữa trưa, cũng chính là bữa ăn đầu tiên trong ngày của họ. Tại võ đường Takasago Beya, có 3 võ sĩ được phân công chuẩn bị bữa trưa. Thực đơn buổi trưa khá đơn giản với món ăn đặc trưng gọi là chanko nabe, bao gồm cơm trắng, trứng, thịt lợn, cải thảo… Sau bữa trưa, các võ sĩ sẽ nghỉ ngơi và ngủ trưa đến khoảng 16h. Khi thức dậy, các võ sĩ tiến hành công việc vệ sinh và dọn dẹp. Những võ sĩ được phân công trực nhật sẽ nấu bữa tối. Các võ sĩ sẽ ăn tối lúc khoảng 18h30. Sau khi kết thúc buổi tối, các võ sĩ sẽ có thời gian tự do.

Sới vật Sumo được coi là nơi tôn nghiêm chỉ dành cho các vị thần và các võ sĩ Sumo. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Sới vật Sumo được coi là nơi tôn nghiêm chỉ dành cho các vị thần và các võ sĩ Sumo. Ảnh: Nguyễn Tuyến/PV TTXVN tại Nhật Bản

Võ đường Oshima Beya hiện có khoảng 15 người. Võ sĩ Kyoku Shori, 29 tuổi, thuộc võ đường Oshima Beya, cho biết anh bắt đầu sự nghiệp Sumo từ năm 12 tuổi. Từ khi còn là học sinh cấp 1, anh đã từng đạt á quân một giải Sumo của trường và đó chính là động lực để anh quyết tâm trở thành võ sĩ Sumo.

Ngày nay, có những lo ngại rằng môn thể thao truyền thống này có thể mai một khi lớp trẻ Nhật Bản ngày càng ít quan tâm đến Sumo. Tuy nhiên, nếu đến Ryōgoku Kokugikan, đấu trường quốc gia của môn Sumo, chứng kiến không khí sôi động của mùa giải trong một hội trường lớn chật kín người hâm mộ, có thể tin rằng Sumo vẫn sẽ duy trì được sức hấp dẫn của một môn thể thao độc đáo, thể hiện tinh thần thượng võ và bản sắc văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

Nguyễn Tuyến – Phạm Tuân – Xuân Giao (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-thao/sumo-mon-the-thao-the-hien-suc-manh-the-chat-va-tinh-than-cua-nhat-ban-20250223195811994.htm
Zalo