Một thoáng Sông Cầu

Chẳng phải nói về một trong 5 con sông dài nhất ở miền Bắc đã đi vào bài hát nổi tiếng 'Tình yêu trên dòng sông quan họ' của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa, mà bài viết này nói về thị xã Sông Cầu, vùng đất cửa ngõ phía Bắc tỉnh Phú Yên. Dù không mượt mà, đằm thắm như những ca từ: 'Tình yêu có từ nơi đâu/ Êm êm một khúc sông Cầu... Con sông của người quan họ/ Suốt đời nước chảy lơ thơ...', nhưng thị xã Sông Cầu có những huyền tích lịch sử cùng nhiều cảnh quan thơ mộng, đủ sức cuốn hút du khách đắm say.

1. Theo nhiều sử sách, địa danh Sông Cầu có từ năm 1611, thuộc huyện Đồng Xuân, phủ Trấn Biên. Nơi đây từng là tỉnh lỵ Phú Yên đặt tại Vũng Lắm, nay thuộc phường Xuân Đài (1888-1889); sau đó dời về Long Bình, nay thuộc phường Xuân Phú (1899-1945).

Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài nhìn từ trên cao. Ảnh: Phong Hoàng.

Vũng Lắm trong vịnh Xuân Đài nhìn từ trên cao. Ảnh: Phong Hoàng.

Cách đây 192 năm, một sự kiện ngoại giao có ý nghĩa lịch sử dưới triều Vua Minh Mạng diễn ra tại Sông Cầu. Theo nhà nghiên cứu Trần Sĩ Huệ ở Phú Yên, người Mỹ đầu tiên đặt chân đến Việt Nam tháng 1/1819 - Kỷ Mão, dưới triều Gia Long là ông John White, sinh năm 1782, trú ở Marblehead, tiểu bang Massachusetts, nhưng với tư cách cá nhân một thương gia. Đến tháng 11/1832 - Nhâm Thìn, Minh Mạng thứ 13 thì phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Mỹ do ông Edmund Roberts làm trưởng đoàn đi trên thuyền Peacock vào Vũng Lắm nằm trong vịnh Xuân Đài ở Sông Cầu, khởi đầu chuyến thăm chính thức nước Đại Nam. Đây cũng là phái đoàn ngoại giao đầu tiên của Mỹ đến Việt Nam và các quốc gia Á Đông. Ông Edmund Roberts mang theo chứng minh thư đề ngày 26/1/1832 do Quốc vụ khanh Livingston cấp, đã được Tổng thống Andrew Jackson ủy nhiệm trình thư đến nhà vua các quốc gia Á Đông để thương thuyết một số hiệp ước.

Sau khi nghe quan sở tại tấu trình, Vua Minh Mạng cử một phái đoàn từ Thuận Hóa vào Phú Yên, trong đó có Viên ngoại Nguyễn Tri Phương và Tư vụ Lý Văn Phức - người thao lược, kẻ kinh luân phối hợp các vị quan ở Phú Yên cùng lên thuyền Peacock, bày tiệc ngoại giao chính thức giữa Việt Nam và Mỹ.

Làng muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu. Ảnh: VHTT Sông Cầu.

Làng muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu. Ảnh: VHTT Sông Cầu.

Trong cuộc Thế chiến 2, tàu chiến hải quân Nhật vào Vũng Lắm neo đậu để tránh những cuộc oanh kích của quân Đồng minh, nhưng kết cục vẫn có một chiến hạm bị đánh chìm tại nơi này.
Trải qua dặm dài lịch sử với 3 lần tách, nhập địa giới hành chính liên quan đến huyện Đồng Xuân, huyện Xuân An thời kỳ trước và sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, đơn vị hành chính huyện Sông Cầu mới thật sự ổn định từ cuối tháng 6/1985. Hơn 20 năm sau khi tỉnh Phú Yên tái lập trên cơ sở chia tách tỉnh Phú Khánh cũ thành hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa vào tháng 7/1989, Sông Cầu mới được nâng cấp từ huyện lên thị xã. Và, mới đây, ngày 6/12/2024, HĐND tỉnh Phú Yên đã có nghị quyết tán thành chủ trương thành lập các phường thuộc thị xã và thành lập TP Sông Cầu để trình Trung ương thẩm định, phê duyệt.

Trong “Non nước Phú Yên”, 1965 của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, cảnh đẹp bờ biển Sông Cầu xưa kia được thi sĩ Huỳnh Khinh mô tả: “Sóng lượn nhấp nhô phô ngọc bích/ Cát pha lóng lánh dợn kim cương”. Còn ngày nay, vẻ đẹp Sông Cầu hiện hữu hai bên huyết mạch giao thông quốc lộ 1A xuyên Việt với những cung đường len lỏi giữa rừng dừa phía Nam đèo Cù Mông rồi uốn lượn quanh co ven đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài thênh thang lộng gió.

Một tuyến giao thông khác là quốc lộ 1D vắt ngang lưng núi vươn ra phía biển với những gành, rạn, bến, bãi tuyệt đẹp, được ví như một cung đường du lịch. Đẹp hơn nữa là danh thắng quốc gia Vịnh Xuân Đài sở hữu vẻ hoang sơ với những bãi cát vàng, mặt biển trong xanh mở rộng thênh thang hơn 13.000 ha giữa vòng cung dãy núi Cổ Ngựa. Trong vịnh có nhiều điểm đến hấp dẫn như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào, Vũng Me, Vũng Lắm, Cù lao Ông Xá, Mũi Đá Mài, Mũi Tai Mã, Mũi Đá Ong, Gành Đèn, Gành Đỏ... Cạnh đó là đảo Nhất Tự Sơn, một kiệt tác thiên nhiên nổi tiếng với con đường cát trên biển dành cho du khách lội bộ từ bờ sang đảo để khám phá, trải nghiệm mỗi khi thủy triều xuống. Cách đó không xa là bãi tắm thiên nhiên Vịnh Hòa, Từ Nham, Bãi Bàu, Bãi Rạng, Bãi Tràm, Bãi Ôm... như những bức tranh thơ mộng, giàu sức quyến rũ.

Lồng bè thả nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài.

Lồng bè thả nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài.

2. Ngồi bên tách trà Mã Dọ, một đặc sản thiên nhiên ví như “lộc trời” trên núi Cù Mông, anh Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, chia sẻ bằng niềm tự hào khi nói rằng Vịnh Xuân Đài là nơi đưa thị xã này trở thành “thủ phủ tôm hùm” của tỉnh Phú Yên với nguồn thu mỗi năm trên 2.000 tỷ đồng. Đó là chưa nói đến nhiều loại hải sản tươi ngon khác để du khách trải nghiệm ẩm thực đặc sắc vùng biển Sông Cầu. Lễ hội tôm hùm đầu tiên được thị xã Sông Cầu tổ chức giữa tháng 7/2022, các đầu bếp nổi tiếng tranh tài trong chương trình ẩm thực Tôm hùm - Tinh hoa của biển với hơn 100 món ăn chế biến từ tôm hùm, đã xác lập kỷ lục Việt Nam.

Vui chuyện, vị Chủ tịch 47 tuổi hóm hỉnh, nói: “Khác với dòng sông Cầu ở miền Bắc, Sông Cầu nơi này là địa danh một trong 9 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Phú Yên. Với địa hình bên núi, bên biển trải dài hơn 50 cây số, nhưng Sông Cầu vẫn có sông Tam Giang phát nguyên từ núi Hòn Kề ở huyện miền núi Đồng Xuân và đổ ra Vũng Chào trong Vịnh Xuân Đài. Trước đây có lễ hội sông nước Tam Giang đậm nét văn hóa đặc trưng miền biển đã nâng tầm thành lễ hội Vịnh Xuân Đài. Cấp ủy, chính quyền cùng nhiều nhà đầu tư có tâm huyết đã và đang nỗ lực khai thác tiềm năng thiên nhiên ban tặng vùng đất này, để biến du lịch Sông Cầu thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu du lịch Vịnh Xuân Đài với thông điệp “Sông Cầu - điểm đến an toàn, hấp dẫn”.

Ngoài một Bãi Tràm Hideaway Resort đẳng cấp 5 sao ở xã Xuân Cảnh với bãi cát vàng vòng cung mịn màng ôm lấy biển xanh phía trước và nhẹ nhàng tựa lưng vào dãy núi phía sau, những dự án mới sẽ mở ra nhiều nét mới, kỳ vọng mang đến những trải nghiệm độc đáo nhất cho du khách ở Gành Đỏ, Vũng Lắm, Bãi Ôm, Bãi Nồm...

Cân kiểm tôm hùm để bán cho tư thương.

Cân kiểm tôm hùm để bán cho tư thương.

Sẽ là một thiếu sót nếu như đến đèo Gành Đỏ trên huyết mạch giao thông đường bộ xuyên Việt, mà không nhắc tới làng mắm Gành Đỏ hình thành hàng trăm năm. Đặc sản này chế biến từ những giỏ cá cơm tươi rói của biển, kết hợp hài hòa hạt muối trắng ngần, thơm lừng vị mặn từ cánh đồng muối Tuyết Diêm hơn 150 tuổi ở phía Nam đèo Cù Mông cùng nhiều bí quyết gia truyền ướp chượp, chắt lọc từ thùng gỗ để tạo nên nước mắm Gành Đỏ thơm ngon, tinh khiết... Hơn chục năm về trước, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu nước mắm Gành Đỏ nổi tiếng không chỉ ở Phú Yên - vùng đất mệnh danh “xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh”, mà hương vị đặc sản này đã lan tỏa đến nhiều vùng miền trong và ngoài nước.

Nhiều tour du lịch đến Sông Cầu đã đưa du khách thưởng ngoạn, khám phá làng mắm Gành Đỏ, làng muối Tuyết Diêm, làng rượu Quán Đế, vùng trà Mã Dọ... để họ có thêm những khoảnh khắc đẹp đẽ, thi vị khi hòa nhập, trải nghiệm hơi thở đời sống nông, ngư, diêm dân. Với riêng “cánh mày râu” còn có một đặc sản thiên nhiên khác. Đó là cá ngựa bày bán ven quốc lộ 1A uốn lượn quanh co qua xã Xuân Cảnh, mà nhiều người dân thường gọi nơi này là... “cung đường cá ngựa”. Đặc sản này đã ghi danh trong bộ sách “Bản thảo cương mục thập di” của Triệu Học Mẫn, 1765 cùng với sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS Đỗ Tất Lợi, 1981.

Nói ngắn gọn thì cá ngựa hoặc hải mã, có tên khoa học Hippocampus, theo y học cổ truyền có tính ôn ấm, vị ngọt, không mặn, không độc, tác dụng như thuốc bổ, giúp ôn thận tráng dương, điều hòa khí huyết, kích thích sinh lý. Cá ngựa thường dùng cho các trường hợp liệt dương, di tinh, suy nhược thần kinh, yếu sinh lý ở nam giới và hỗ trợ sản phụ đẻ khó. Còn nếu nói vui mà thật thì món rượu ngâm cá ngựa được ví như thần dược “ông uống, bà khen”...

Ốc hương thu hoạch từ ao đìa bên vịnh Xuân Đài.

Ốc hương thu hoạch từ ao đìa bên vịnh Xuân Đài.

Du khách đi qua khu Nam Trung bộ, dừng chân ở Sông Cầu sẽ thưởng ngoạn vẻ đẹp vùng đất sơn thủy hữu tình rồi trải nghiệm văn hóa ẩm thực hải sản miền biển nơi này. Và, khi tạm biệt sẽ cảm nhận miên man nỗi nhớ Vịnh Xuân Đài trong trẻo, ngọt lành trước ánh bình minh trên biển và huyền ảo, mơ màng trong ánh hoàng hôn trôi về phía núi...

Phan Thế Hữu Toàn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/mot-thoang-song-cau-i755973/
Zalo