Hòn đất nỏ
Ðêm mùa đông, tiếng gió rít qua khe cửa đưa tôi trở lại những ngày thơ bé. Tuổi thơ của thế hệ 7x chúng tôi là buổi sáng đi học, buổi chiều chạy nhảy cùng làng khắp xóm với đôi chân trần nứt nẻ vì giá rét, là ở cánh đồng cùng bố mẹ. Cái rét khan như cắt da cắt thịt. Cụm tre sau nhà oằn mình theo gió, âm thanh xào xạc, cót két giữa đêm. Ðó cũng là thời gian đất cày ải ngoài đồng đã nỏ. Mùa ải đã đến. Từng đường cày thẳng tắp, từng luống đất lật úp bát ngát một màu trắng bạc cả cánh đồng.
Trên vai cái vồ, tôi lon ton theo mẹ ra đồng. Từng cơn gió đông rít lên ù ù, ở ngoài cánh đồng trống vắng. Từng nhát vồ nhịp nhàng của mẹ đập xuống những hòn đất đã nỏ kêu bôm bốp. Ðường cày vỡ vụn. Làng tôi có truyền thống trồng rau màu. Cánh đồng Cửa Quán chỉ cấy vụ mùa, còn lại trồng su hào, xà lách, khoai tây, trồng đay…theo thời vụ. Vì vậy, sau khi gặt lúa vụ mùa, đất nẻ chân chim, nông dân cày ải đợi đất nỏ để đập, xới xáo, gieo trồng cây vụ đông. Sau khoảng 10 đến 15 ngày, nắng, gió hanh hao của mùa đông khiến cả cánh đồng chuyển từ màu đất thâm sang trắng bạc. Tôi quấy quá được một lúc đã mỏi rã rời tay, bắt đầu chạy nhảy khắp bờ ruộng nhặt cỏ gà, hoa dại. Tôi đi ra cánh ruộng trồng khoai lang, khoai tây, su hào nhặt rau xương cá, mỏ quạ, xương muối để tối mẹ nấu canh. Rau mùa này non xanh mơn mởn. Những cánh hoa xương cá trắng nhỏ xíu xinh xắn mà mãnh liệt giữa mùa đông lạnh giá.
Mẹ tôi bảo, cày ải, phơi đất để diệt cỏ dại, diệt mầm bệnh, làm đất tơi xốp, tốt cho cây trồng vụ sau, đỡ tiền mua phân bón, đỡ thuốc trừ sâu. Thế nên các cụ xưa đã đúc rút ra “một hòn đất nỏ bằng một giỏ phân”.
Bây giờ, khi có dịp đi qua cánh đồng mùa ải lại thấy nhớ những mùa ải của tuổi thơ, nhớ cách làm của ông cha thuở trước. Dựa vào thiên nhiên, ông cha giữ đất, nuôi đất để hạt lúa, củ khoai càng thêm ngon, thắm vị của tình yêu đất, vị mặn của giọt mồ hôi người nông dân, của tuổi thơ đẹp đẽ lấm lem bùn đất.