Một số thuốc dùng trị viêm quanh khớp vai
Viêm quanh khớp vai là thuật ngữ dùng để chỉ các bệnh lý viêm các cấu trúc phần mềm quanh khớp vai gồm gân, cơ, dây chằng, bao khớp…
Viêm quanh khớp vai không bao gồm các bệnh lý có tổn thương đầu xương, sụn khớp và màng hoạt dịch như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp…
1. Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai
- Thoái hóa gân do tuổi tác: Bệnh thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.
- Lao động nặng có các chấn thương cơ học lặp đi lặp lại, gây tổn thương các gân cơ quanh khớp vai như gân cơ trên gai, cơ nhị đầu cánh tay.
- Tập thể thao quá sức (một số môn thể thao đòi hỏi phải nhấc tay lên quá vai như chơi cầu lông, tennis, bóng rổ, bóng chuyền)…
- Do chấn thương vùng vai (ngã, trượt, tai nạn ô tô, xe máy).
- Một số bệnh lý khác (tim mạch, hô hấp, tiểu đường, ung thư vú, thần kinh, lạm dụng thuốc ngủ)...

Hình ảnh viêm quanh khớp vai. Ảnh minh họa.
2. Thuốc dùng trong điều trị viêm quanh khớp vai
Các loại thuốc Tây y dùng để điều trị bệnh viêm quanh khớp vai có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh, duy trì vận động của khớp và ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng hơn. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng một số loại thuốc sau đây:
2.1 Thuốc giảm đau trị viêm quanh khớp vai
Paracetamol là thuốc dùng giảm đau từ nhẹ đến vừa. Ngoài ra có thể dùng thuốc giảm đau phối hợp paracetamol với codein hoặc tramadol (khi dùng đơn độc paracetamol không hiệu quả).
Trong trường hợp đau nặng hơn bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau oipiod (người bệnh không tự ý dùng các thuốc giảm đau này vì có thể gây nghiện và lệ thuộc).
2.2 Thuốc chống viêm không steroid
Một số thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường dùng như như diclofenac, piroxicam, meloxicam, celecoxib… Thuốc có tác dụng đẩy lùi phản ứng viêm tại khớp, từ đó giảm tình trạng đau nhức.
2.3 Thuốc chống viêm corticoid
Trong điều trị viêm quanh khớp vai các thuốc nhóm này đường toàn thân (uống) ít khi được sử dụng, mà chủ yếu dùng tại chỗ như tiêm bao gân, tiêm điểm bám gân và tiêm nội khớp...
Tiêm corticoid được chỉ định điều trị cho những trường hợp nặng, sau khi sử dụng các loại thuốc trên nhưng không mang lại hiệu quả giảm đau. Đây là loại thuốc phải được thực hiện bởi những người có trình độ chuyên môn, người bệnh không được tự ý thực hiện tại nhà, để tránh những nguy cơ, biến chứng không mong muốn.
Một số thuốc thường dùng như methylprednisolon acetat, betamethason dipropionat, betamethason sodium phosphate…

Tùy từng trường hợp viêm quanh khớp vai, bác sĩ có thể kê đơn phối hợp thuốc.
2.4 Thuốc giãn cơ
Các thuốc có thể dùng như diazepam, valium, myonal… có tác dụng chống co thắt cơ, giúp đẩy lùi cơn đau nhức do bệnh gây ra. Các thuốc này thường được phối hợp với các nhóm thuốc trên để tăng hiệu quả điều trị giảm đau và cải thiện tầm vận động khớp.
2.5 Thuốc chống thoái hóa khớp
Các thuốc như glucosamin sulfat, diacerein… có tác dụng làm chậm quá trình thoái hóa khớp, tuy nhiên hiệu quả mang lại khá chậm, nên người bệnh có thể cần sử dụng trong thời gian dài
2.6 Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định điều trị cho những trường hợp viêm quanh khớp vai bị rách đứt gân cơ chóp xoay hoàn toàn. Phẫu thuật sẽ có tác dụng loại bỏ các mô sẹo và sửa chữa tổn thương ở khớp vai, những trường hợp bệnh nặng sẽ được tiến hành mổ hở để tái tạo hoặc thay thế vai…
3. Những lưu ý khi dùng thuốc
- Tuân thủ chỉ dịnh: Khi sử dụng thuốc Tây y để điều trị bệnh viêm quanh khớp vai, người bệnh cần phải tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ đưa ra, để đảm bảo an toàn và hiệu quả mang lại.
- Theo dõi tác dụng phụ: Mỗi thuốc đều có nguy cơ gây tác dụng phụ cho người dùng (cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc), do đó trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần theo dõi các bất lợi này, nếu xảy ra báo cho bác sĩ điều trị biết để có các ứng phó thích hợp, kịp thời.
- Tránh tương tác bất lợi của thuốc: Khi dùng nhiều hơn 1 loại thuốc rất dễ xảy ra tương tác bất lợi. Để tránh điều này xảy ra, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết về những thuốc mình đang sử dụng, kể cả thuốc bổ, vitamin, khoáng chất, thảo dược… và không tự ý dùng thêm loại thuốc nào trong quá trình điều trị viêm quanh khớp vai mà không có sự đồng ý của bác sĩ.
- Lưu ý về sinh hoạt: Tránh làm việc quá sức hoặc mang vác nặng; cẩn thận khi chơi những môn thể thao có thể làm tổn thương vai như tennis, bóng bàn, cầu lông…; không thay đổi tư thế vai đột ngột, cần làm nóng (khởi động) khớp vai và cánh tay trước khi vận động; dành thời gian nghỉ ngơi sau khi vận động vai nhiều và tránh tác động chèn ép vai…