Một số nơi trên thế giới tiến tới việc ra luật cấm vứt bỏ đồ ăn thừa

Trong một bản sửa đổi của chỉ thị khung về chất thải, Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra các mục tiêu ràng buộc pháp lý cho tất cả các quốc gia nhằm giảm lãng phí thực phẩm lên đến 30% nhưng các nhóm vận động vì khí hậu cho rằng mục tiêu này là chưa đủ.

Thức ăn thừa vừa lãng phí, vừa gây hậu quả môi trường

Thức ăn thừa vừa lãng phí, vừa gây hậu quả môi trường

Các nhà lập pháp tại EU đã đạt được một thỏa thuận tạm thời có thể giúp ngăn chặn hàng triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ, đánh dấu lần đầu tiên việc giảm lãng phí thực phẩm mang tính ràng buộc pháp lý.

Trong bản cập nhật chỉ thị khung về chất thải, Hội đồng EU và Nghị viện EU đã yêu cầu 27 quốc gia thành viên cắt giảm 30% lượng thực phẩm bị lãng phí từ các hộ gia đình, hệ thống bán lẻ và dịch vụ ăn uống, đồng thời giảm 10% lượng chất thải trong chế biến và sản xuất, so với mức cơ sở của giai đoạn 2021-2023.

Thỏa thuận cũng nêu rõ rằng việc quyên góp tự nguyện các thực phẩm không bán được nhưng vẫn an toàn người dùng là một khía cạnh quan trọng trong việc giảm lãng phí thực phẩm.

Mặc dù các chuyên gia khí hậu hoan nghênh việc công bố các mục tiêu kể trên, họ cũng cảnh báo rằng chúng vẫn chưa đủ. Ví dụ, chúng trực tiếp mâu thuẫn với Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, vốn yêu cầu cắt giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí trên toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030. Cách đây khoảng 10 năm, EU cũng cam kết thực hiện SDGs.

Thậm chí, theo Martin Bowman, quản lý chính sách và chiến dịch cấp cao tại Feedback EU, việc chuyển hướng khỏi các mục tiêu này là dấu hiệu cho thấy EU "đang lên kế hoạch thất bại một cách hiệu quả".

Bowman phân tích: "Trách nhiệm này đặc biệt thuộc về Hội đồng EU vì đã trì hoãn các cuộc đàm phán và sau đó thúc đẩy các mục tiêu thấp hơn. Trách nhiệm cũng thuộc về Ủy ban EU vì đã giới hạn các điều khoản tranh luận ở các mục tiêu thấp ban đầu, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và chế biến".

Liên minh Zero Waste Europe cho biết: "Văn bản vẫn đang chờ được thông qua lần cuối, còn các nhà hoạch định chính sách tại Nghị viện châu Âu đã gạt sang một bên lập trường trước đây của tổ chức về các mục tiêu giảm lãng phí thực phẩm sau chính trường châu Âu có xu hướng chuyển sang cánh hữu", đồng thời chỉ trích "tham vọng yếu kém" của EU và lưu ý rằng hầu hết các quốc gia thành viên "phản đối mạnh mẽ các biện pháp nghiêm ngặt hơn".

Các nhà lãnh đạo EU 'né tránh hành động quyết liệt'

Mỗi năm, khoảng 60 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí tại EU, tương đương 132kg/người. Trong đó, 54% đến từ các hộ gia đình và 19% từ lĩnh vực chế biến (đòi hỏi mức giảm lớn hơn nhiều so với 10% mà các nhà lập pháp EU đưa ra). Bán lẻ và dịch vụ ăn uống chiếm thêm 19%, trong khi các trang trại chịu trách nhiệm cho phần còn lại. Tổng cộng, sự lãng phí dẫn đến thiệt hại tài chính lên tới 132 tỉ euro và gây ra 16% lượng khí thải nhà kính của EU.

Tuy nhiên, chỉ thị khung về chất thải đã sửa đổi không có bất kỳ hành động nào chống lại lãng phí và thất thoát thực phẩm ở cấp độ sản xuất. Lĩnh vực này vốn chiếm 8% tổng lượng thực phẩm bị lãng phí trong khu vực. Và nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc giảm nhanh chóng lãng phí trong lĩnh vực chế biến là điều khả thi.

Chuyên gia chính sách về chất thải và tài nguyên tại Zero Waste Europe, Theresa Morsen cho biết: "Giờ đây, khi đã đến lúc đưa ra các mục tiêu ràng buộc pháp lý, các nhà lãnh đạo của chúng ta lại né tránh hành động quyết liệt, bỏ qua tác động lớn của lãng phí thực phẩm đối với biến đổi khí hậu. Các mục tiêu đầy tham vọng và mang tính ràng buộc pháp lý là một công cụ thiết yếu để lôi tất cả các quốc gia và doanh nghiệp thực phẩm tham gia vào cuộc chiến chống lãng phí thực phẩm".

Tuy nhiên, một số người có quan điểm khác. Giám đốc về lãng phí thực phẩm tại Viện Tài nguyên Thế giới, Liz Goodwin lưu ý: "Chúng ta đừng quên rằng đây là những mục tiêu ràng buộc pháp lý đầu tiên trên thế giới, không chỉ là các mục tiêu hoặc mục đích mà các quốc gia có thể dễ dàng chối bỏ. Kế hoạch của EU cũng quy định việc quyên góp tự nguyện các thực phẩm không bán được nhưng vẫn an toàn cho người dùng chính là một khía cạnh quan trọng trong việc giảm lãng phí thực phẩm."

Bà nói thêm: "Trên toàn cầu, các hành động của chính phủ về thất thoát và lãng phí thực phẩm còn quá ít. Các nhà hoạch định chính sách thường bỏ qua việc giảm lãng phí thực phẩm, mặc dù đây là một chiến lược quan trọng để củng cố hệ thống thực phẩm, chống lại biến đổi khí hậu và tiết kiệm tiền bạc. Vì vậy, đây là một bước phát triển quan trọng, đặt ra tiêu chuẩn mới cho hành động".

Các chính sách chống lãng phí thực phẩm đang gia tăng trên toàn cầu

Bowman đồng ý rằng các mục tiêu ràng buộc pháp lý vẫn là một bước tiến tích cực. Ông nói: "Vì năm 2030 còn cách chúng ta 5 năm, mục tiêu giảm 30% đối với các hộ gia đình, hệ thống bán lẻ và dịch vụ ăn uống vẫn sẽ là một thách thức đối với nhiều quốc gia thành viên. Điều cần thiết là các quốc gia thành viên phải nhanh chóng phát triển các kế hoạch hành động để đạt được tiến bộ nhanh hơn, dựa trên các quy định vượt ra ngoài các biện pháp thực hiện tự nguyện".

Việc sửa đổi chỉ thị khung diễn ra trong bối cảnh các chính phủ trên toàn thế giới đang siết chặt việc lãng phí thực phẩm, khi tác động của nó đối với biến đổi khí hậu và an ninh lương thực ngày càng rõ ràng.

Đầu tầu của EU - Pháp, là quốc gia đi đầu trong chính sách chống lãng phí thực phẩm. Năm 2012, nước này đã áp dụng các hạn chế về lượng chất thải hữu cơ có thể được đưa đến bãi chôn lấp, yêu cầu các hộ gia đình phải phân loại chất thải hữu cơ để có thể ủ phân hoặc tái chế thành năng lượng tái tạo. Bốn năm sau, Luật Garot đã cấm các siêu thị tiêu hủy thực phẩm không bán được. Thay vào đó, luật yêu cầu các nhà bán lẻ quyên góp thực phẩm cho các tổ chức từ thiện khi có thể.

Hàn Quốc là một quốc gia tiên phong khác trong lĩnh vực này, nơi đã cấm vứt bỏ thực phẩm vào các bãi chôn lấp từ năm 2005. Nhưng một chục năm trước đó, nước này đã giới thiệu hệ thống trả tiền theo lượng rác thải. Dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, hệ thống này yêu cầu các hộ gia đình và doanh nghiệp phân loại rác và vứt bỏ chúng trong các túi đặc biệt, sau đó họ sẽ bị tính phí thu gom và tái chế dựa trên trọng lượng.

Tại châu Mỹ, Peru là quốc gia không thuộc châu Âu đầu tiên bắt buộc quyên góp thực phẩm. Và một số bang tại Mỹ cũng đã áp dụng lệnh cấm lãng phí thực phẩm – với các hiệu quả khác nhau, theo một nghiên cứu. Nhưng Mỹ đã đạt được những bước tiến lớn dưới thời chính quyền Joe Biden, ban hành chính sách toàn quốc đầu tiên để chống lãng phí và thất thoát thực phẩm vào mùa hè năm ngoái.

Các quốc gia thành viên nên coi các mục tiêu của EU là 'mức sàn'

EU có thể lấy cảm hứng từ các quốc gia này để đưa ra các luật chống lãng phí thực phẩm nghiêm ngặt hơn. Một nghiên cứu gần đây của Trường Luật Harvard và Mạng lưới Dự trữ Thực phẩm Toàn cầu cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên nhấn mạnh việc ngăn ngừa lãng phí trước tiên, thu hút các bên liên quan ở mọi giai đoạn và áp dụng chiến lược toàn chính phủ để chống lại thất thoát thực phẩm hiệu quả hơn.

Theo Bowman, "các quốc gia thành viên có tham vọng hơn" nên coi các mục tiêu ràng buộc mới nói trên chỉ là "mức sàn cho tham vọng của họ" và vẫn tự nguyện đặt mục tiêu giảm một nửa lượng thực phẩm lãng phí trên toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030.

Ông nói: "Nhìn về phía trước, điều cần thiết là EU phải mở rộng phạm vi đo lường để tính luôn cả thực phẩm không được thu hoạch trên các trang trại và đưa sản xuất chính vào các mục tiêu giảm thiểu ràng buộc. Nếu không, nguy cơ lãng phí thực phẩm sẽ bị đẩy sang cho nông dân".

A.T

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mot-so-noi-tren-the-gioi-tien-toi-viec-ra-luat-cam-vut-bo-do-an-thua-229630.html
Zalo