Một sai lầm khi dùng vitamin D có thể khiến trẻ gặp nguy hiểm
Bổ sung vitamin D không đúng cách có thể khiến trẻ đối mặt với nhiều vấn đề nguy hiểm về sức khỏe.
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển xương chắc khỏe, tăng cường hệ miễn dịch đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin D không đúng chỉ dẫn về liều lượng của bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc nghiêm trọng.
TS.BS Thái Thiên Nam, Phó trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhận định ngộ độc vitamin D là tình trạng khó chẩn đoán vì triệu chứng không đặc hiệu.
Nguyên nhân phổ biến là cha mẹ bổ sung vitamin D liều quá cao cho trẻ trong thời gian dài, không phải do chế độ ăn hay do tiếp xúc với ánh nắng.
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Nội tiết, liều dùng tối đa đối với vitamin D ở trẻ như sau: Trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1.000 UI/ngày; trẻ 12 tháng tuổi, liều là 1.500 UI/ngày; trẻ từ 1 tới 3 tuổi là 2.500 UI/ngày; trẻ 4-8 tuổi là 3.000 UI/ngày và trẻ trên 9 tuổi là 4.000 UI/ngày.
Ngoài ra, một số trường hợp liều ngộ độc vitamin D có thể cao hoặc thấp hơn các mức nêu trên tùy thuộc vào từng thể trạng của trẻ.
Khi bị ngộ độc vitamin D, máu trẻ sẽ có nhiều canxi bị lắng đọng, dẫn đến tình trạng chán ăn, giảm cân, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, vôi hóa ống thận, suy thận… Nếu không phát hiện kịp thời, trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng.
Các triệu chứng ngộ độc sẽ không xảy ra ngay mà xuất hiện sau một vài tháng hay thậm chí là một vài năm.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần tuân thủ những biện pháp sau:
Không nên tự ý mua các thực phẩm chức năng, các loại vitamin thuốc cho trẻ uống khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ. Khi cần dùng thuốc cho trẻ phải được bác sĩ kê đơn, không lấy thuốc của người lớn hoặc thuốc của trẻ khác cho trẻ dùng.
Các loại thuốc, vitamin cần để xa tầm tay của trẻ nhỏ hoặc để vào tủ riêng và có khóa.
Các loại thuốc, vitamin, cần được bảo quản ở nơi khô ráo, đựng trong hộp, lọ kín, có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng đi kèm và hạn sử dụng.
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tủ thuốc của gia đình, không được tiếp tục sử dụng thuốc bị hỏng hay thuốc đã quá hạn.
Khi uống thuốc không nên để trẻ nhìn thấy vì trẻ sẽ bắt chước làm theo.
Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần phải nắm rõ công dụng, liều lượng, đối tượng sử dụng của từng loại thuốc, vitamin và dùng đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để tránh nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.