Một phong trào của toàn dân

Phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa' (viết tắt là Phong trào) trực tiếp làm thay đổi tư duy, nhận thức của nhân dân trong ứng xử xã hội; tạo sự gắn kết bền chặt và nhân lên nếp sống đẹp từ gia đình đến cộng đồng dân cư. Chính vì thế, Phong trào có sức sống mạnh mẽ và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; kết quả thực hiện hằng năm đều đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đề ra.

Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị.

Thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được gìn giữ, trao truyền, phát huy giá trị.

Những kết quả ấn tượng

Xác định việc xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhiều năm qua, Thái Nguyên luôn quyết liệt đổi mới, nâng cao chất lượng Phong trào. Qua đó tác động trực tiếp đến tư tưởng, đạo đức, lối sống của người dân.

Thông qua Phong trào, những giá trị văn hóa, đạo đức, nhất là giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới được nhân lên, trở thành sức mạnh tổng hợp trong thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên ngày càng văn minh, hiện đại.

Để Phong trào mang “hơi thở cuộc sống”, từ các khu dân cư đã có cách làm hay trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các nội dung: “Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo”; “Thực hiện nếp sống văn minh, kỷ cương pháp luật”; “Xây dựng môi trường văn hóa”; “Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa” và “Xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh”. Do từng nội dung Phong trào đều phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nên được nhân dân đón nhận, đăng ký tham gia thục hiện.

Với tinh thần dân chủ, văn minh, 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được hương ước, quy ước, được cơ quan cấp có thẩm quyền phê duyệt. Từ đó phát huy cao hiệu quả vai trò tự quản của cộng đồng dân cư. Thông qua Phong trào, người dân ở các xóm, tổ dân phố có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, thông hiểu và sẵn sàng tham gia giúp đỡ, hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống. Góp phần giảm nhanh số hộ nghèo trên toàn tỉnh, từ 20.595 hộ nghèo năm 2022 giảm còn 6.938 hộ vào cuối năm 2024.

Đời sống kinh tế phát triển, người dân có điều kiện thuận lợi hơn khi tham gia đối ứng cùng Nhà nước xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. Đã có hàng nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công lao động của nhân dân đóng góp cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng cơ sở, trong đó có các thiết chế văn hóa.

Một kết quả ấn tượng từ Phong trào là đến hết năm 2024 trên toàn tỉnh có gần 318.000 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hóa (đạt gần 96%); 2.178 xóm, tổ dân phố đạt văn hóa (đạt gần 99%); 1.118 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 96,4%). Trong khi đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh đề ra đến năm 2025 trên toàn tính có 90% gia đình văn hóa; 80% xóm, tổ dân phố văn hóa; 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Từ Phong trào đã xuất hiện hàng nghìn gương điển hình tiên tiến, tập thể kiểu mẫu trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đặc biệt trong cuộc hiện nay, việc các hộ tham gia xây dựng gia đình văn hóa không còn dừng lại ở phong trào, mà đã trở thành niềm tự hào, danh dự đối với từng thành viên trong gia đình, dòng họ. Đó là một thuận lợi trong phong trào xây dựng khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hóa.

Từ coi trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có điều kiện bảo đảm chương trình giáo dục thể chất.

Từ coi trọng xây dựng các thiết chế văn hóa, đến nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có điều kiện bảo đảm chương trình giáo dục thể chất.

Để Phong trào có sức sống

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ” được triển khai trên toàn tỉnh Thái Nguyên đến nay vừa tròn 1/4 thế kỷ. Cùng thời gian, Phong trào ngày càng đi sâu vào đời sống nhân dân, trở thành sức mạnh nội sinh, tập hợp được tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, Phong trào đã được “nuôi dưỡng” bằng tâm tư, nguyện vọng của đại bộ phận nhân dân. Nên sự vào cuộc của ban chỉ đạo phong trào các cấp; ban công tác mặt trận ở xóm, tổ dân phố luôn thuận lợi, nhận được sự đồng tình ủng hộ tích cực của người dân.

Quá trình triển khai thực hiện, ban chỉ đạo Phong trào các cấp thường xuyên được kiện toàn, ban hành được kế hoạch, mục tiêu hoạt động trong từng năm và từng giai đoạn. Các nhóm giải pháp triển khai, thực hiện Phong trào được các cơ quan, đơn vị thành viên cực phối hợp tổ chức tuyên truyền, phố biến đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống loa truyền thanh, các trang mạng xã hội, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, biểu ngữ và các cuộc họp xóm, tổ dân phố.

“Mưa lâu thấm dần”, các nội dung, mục tiêu Phong trào từng bước thẩm thấu sâu, rộng trong nhân dân, tạo nên luồng sinh khí mới trong đời sống kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa - tinh thần. Chính vì thế, Phong trào đã có một “đời sống” thực thụ ngay từ mỗi gia đình, dòng họ và từ khu dân cư. Theo đó những hủ tục lạc hậu được bài trừ; các hành vi phản văn hóa, lệch chuẩn về văn hóa bị nhân dân tẩy chay, bác bỏ; tệ nạn xã hội được đẩy lùi, an ninh trật tự bảo đảm an toàn.

Từ Phong trào, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phát triển sôi nổi, rộng khắp. Những nét đẹp văn hóa truyền thống trong nhân dân được khơi dậy, bảo tồn, trao truyền, phát huy giá trị. Qua đó, bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc ngày càng trở nên sâu sắc; môi trường văn hóa lành mạnh được mọi người dân quan tâm xây dựng. Đặc biệt là vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng đời sống văn hóa được phát huy, các mục tiêu, chỉ tiêu văn hóa và kế hoạch thực hiện được đưa vào nghị quyết của các cấp ủy đảng.

Cùng với đó là các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa của tỉnh được ban hành, thực hiện nghiêm túc. Việc công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa được bình xét công khai, có thang điểm cụ thể, không vì thành tích mà dễ dãi công nhận danh hiệu đối với một số gia đinh, khu dân cư chưa đạt chuẩn.

Các cấp, ngành, khu dân cư và đại bộ phận nhân dân đồng thuận vào cuộc đã tạo cho Phong trào có sức sống mạnh mẽ. Từ đó góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, diện mạo nông thôn, thành thị tươi mới, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao...

Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202502/mot-phong-trao-cua-toan-dan-d9b0ab0/
Zalo