Một nước EU có thể đảm bảo an ninh năng lượng cho châu Âu
Những bước tiến mới trong lĩnh vực khí đốt và điện năng có thể đưa Síp trở thành yếu tố quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu.
Khủng hoảng năng lượng châu Âu và vai trò của Síp
Ngày 1/1, nguồn cung khí đốt từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU) qua Ukraine bị ngừng sau khi chính phủ Kiev từ chối gia hạn thỏa thuận. Dù sự gián đoạn này chưa gây ra tình trạng thiếu hụt ngay lập tức, nó làm dấy lên mối lo ngại về an ninh năng lượng tại châu Âu.
Theo kế hoạch, EU sẽ chấm dứt hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Nga vào năm 2027. Điều này khiến khối ngày càng phụ thuộc vào các mỏ khí đốt của Na Uy và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ cũng như các nguồn cung khác, bao gồm cả Azerbaijan. Tuy nhiên, khoảng cách vận chuyển xa làm tăng nguy cơ gián đoạn do các khủng hoảng bất ngờ.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển các mỏ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải là tín hiệu tích cực. Đặc biệt, một nguồn cung lớn mới từ Síp, thành viên EU, đang dần trở thành hiện thực. Quốc đảo này có thể trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn từ năm 2027.
Síp, Ai Cập và Israel hiện sở hữu trữ lượng khí đốt ước tính khoảng 2.500 tỷ m³, gấp đôi so với Na Uy và đủ để đáp ứng nhu cầu của EU trong nhiều năm.
Mỏ khí đầu tiên đi vào khai thác dự kiến là mỏ Cronos, với trữ lượng ước tính 70 tỷ m³. Mỏ này do công ty Eni của Italy và đối tác Pháp TotalEnergies vận hành. Eni có kế hoạch đưa khí từ Cronos đến mỏ Zohr khổng lồ ở Ai Cập để chế biến và vận chuyển.
Chính phủ Síp cũng chuẩn bị phê duyệt kế hoạch khai thác mỏ Aphrodite, phát hiện ngoài khơi lớn nhất của nước này với trữ lượng 127 tỷ m³. Mỏ này do tập đoàn Chevron (Mỹ nắm 35% cổ phần), Shell (Anh nắm 35% cổ phần) và NewMed (Israel nắm 30% cổ phần) phát triển.
Trước áp lực từ chính phủ Síp, Chevron có vẻ đang hướng tới việc sử dụng thiết bị sản xuất nổi để quốc đảo này có thể tự chế biến và xuất khẩu khí đốt.
Tháng 11 năm ngoái, ExxonMobil (Mỹ) và đối tác QatarEnergy thông báo kế hoạch khoan hai giếng tại các mỏ Elektra và Pegasus ngoài khơi Síp. Trong đó, Elektra được kỳ vọng là một phát hiện lớn, có tiềm năng ngang ngửa mỏ Aphrodite.
ExxonMobil dự kiến sẽ có kết quả sơ bộ vào giữa năm nay, đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động tại Đông Địa Trung Hải, bao gồm cả khu vực Tây Địa Trung Hải của Ai Cập.
Ngoài khí đốt, Síp có thể đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối mạng lưới điện của EU với Israel. Dự án Great Sea Interconnector (GSI), một cáp ngầm điện dài 1.208 km, công suất 1.000 MW, nối Crete, Síp và Israel, sẽ tăng cường an ninh năng lượng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Hiện nay, năng lượng tái tạo (chủ yếu từ năng lượng mặt trời) chiếm 19% cơ cấu năng lượng của Síp và dự kiến đạt 33% vào năm 2030. GSI sẽ giúp đảo này cân bằng cung cầu năng lượng, tận dụng tối đa năng lượng tái tạo.
Thách thức từ Thổ Nhĩ Kỳ
Tuy nhiên, tham vọng năng lượng của Síp đang đối mặt với rủi ro từ Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi tranh chấp với Síp vào năm 1974 và kiểm soát khu vực phía bắc, Ankara yêu cầu vùng lãnh thổ này phải được chia sẻ lợi ích từ nguồn tài nguyên năng lượng.
Năm 2018, các tàu quân sự Thổ Nhĩ Kỳ từng ngăn cản Eni khoan thăm dò tại Đông Địa Trung Hải. Gần đây, chính quyền Ankara tuyên bố sẽ ký thỏa thuận vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) với chính phủ chuyển tiếp tại Syria, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, gây lo ngại cho Hy Lạp và Nicosia về việc vùng EEZ này có thể chồng lấn lên lãnh hải Síp.
Dù đối mặt với các vấn đề địa chính trị phức tạp tại Đông Địa Trung Hải, chính phủ Síp đang nỗ lực thúc đẩy các dự án năng lượng. Các tập đoàn năng lượng lớn cũng đạt được tiến triển đáng kể tại Ai Cập và Israel, tạo động lực mới cho Síp.
Với sự hợp tác giữa chính phủ và các doanh nghiệp, năm 2025 có thể chứng kiến những đột phá lớn, đưa Síp trở thành trụ cột quan trọng trong an ninh năng lượng của châu Âu.