Philippines ban hành luật phát triển hạ nguồn công nghiệp khí đốt

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã ký ban hành luật nhằm phát triển ngành công nghiệp khí đốt hạ nguồn tại Philippines, với mục tiêu tăng tỷ trọng khí đốt trong cơ cấu năng lượng nội địa và định vị quốc gia như một trung tâm trung chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã ký ban hành luật nhằm phát triển ngành công nghiệp khí đốt hạ nguồn tại Philippines. Ảnh AP

Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã ký ban hành luật nhằm phát triển ngành công nghiệp khí đốt hạ nguồn tại Philippines. Ảnh AP

Mặc dù các nhà vận động khí hậu và môi trường phản đối biện pháp này, cho rằng cần mở rộng năng lượng tái tạo, luật mới khẳng định khí đốt chỉ được coi là nhiên liệu chuyển tiếp và không mâu thuẫn với chính sách hiện hành hướng tới một tương lai ít carbon hơn.

Đạo luật Phát triển ngành công nghiệp khí đốt Philippines được thiết kế để "phát triển khí đốt như một nhiên liệu đáng tin cậy cho các nhà máy điện, đáp ứng nhu cầu đỉnh điểm, trung hạn và cơ bản của đất nước nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng tái tạo", theo nội dung được công bố trên Công báo chính thức của Chính phủ và Thượng viện vào thứ Tư tuần này. Tổng thống Phillipines Ferdinand Marcos đã ký luật này vào ngày 8/1.

Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy phát triển các "ứng dụng phi năng lượng của khí đốt, bao gồm các mục đích thương mại, công nghiệp, dân cư và giao thông nhằm đa dạng hóa nhiên liệu", theo quy định ghi trong Đạo luật Cộng hòa số 12120.

"Trong mọi trường hợp, Nhà nước sẽ đảm bảo chuỗi giá trị của ngành công nghiệp khí đốt hạ nguồn Philippines (PDNGI) hoạt động an toàn, bảo mật, đáng tin cậy, minh bạch, cạnh tranh và có trách nhiệm với môi trường, đồng thời phù hợp với chính sách của Nhà nước về chuyển đổi sang một tương lai ít carbon, nhất quán với các mục tiêu phát triển bền vững nhằm tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia", luật quy định.

Luật ưu tiên khí đốt khai thác trong nước hơn nhập khẩu, miễn là điều này "phù hợp với chính sách của Nhà nước về đảm bảo an ninh năng lượng và phúc lợi người tiêu dùng".

Tuy nhiên, theo Bộ Năng lượng Philippines (DOE), quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc nhiều vào than này hiện chỉ có một mỏ khí đốt đang hoạt động trong số hai mỏ thương mại được phát hiện. Mỏ Malampaya ngoài khơi đảo Palawan đang dần cạn kiệt, và đồng phát triển Shell đã rút khỏi mỏ này vào năm 2022.

Trong khi đó, DOE đã cấp phép cho một số dự án xây dựng các trạm nhập khẩu LNG. Ít nhất hai dự án đã hoàn thành vào năm 2023, theo thông tin từ DOE.

Các nhà phản đối các dự án này cảnh báo rằng nhập khẩu LNG sẽ làm tăng chi phí điện cho người dân Philippines.

Thượng nghị sĩ Pia Cayetano, người bảo trợ dự luật và là Chủ tịch Ủy ban Năng lượng Thượng viện, cho biết khi đề cập tới luật mới rằng: "Bằng cách phát triển ngành công nghiệp khí đốt tự của riêng mình, chúng ta có thể đảm bảo an ninh năng lượng cho các thế hệ tương lai và giảm bớt sự phụ thuộc vào giá năng lượng dao động do các sự kiện xảy ra ở nửa bên kia thế giới – chẳng hạn như xung đột ở Ukraine đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể chi phí năng lượng toàn cầu".

Luật hỗ trợ chuyển đổi các cơ sở sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện có sang sử dụng khí đốt, miễn là việc chuyển đổi này "khả thi về kỹ thuật và tài chính".

Luật cũng nhận định rằng việc xây dựng các cơ sở khí đốt đòi hỏi các khoản đầu tư lớn và cho phép các cơ sở này đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế. Khí đốt được khai thác trong nước và năng lượng được khai thác từ khí đốt nội địa sẽ được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo báo cáo "Thống kê năng lượng chủ chốt" mới nhất từ DOE, than vẫn là nguồn đóng góp lớn nhất cho sản lượng điện của Philippines vào năm 2022 với 66.430 GWh, tiếp theo là năng lượng tái tạo với 24.681 GWh. Khí đốt chiếm 17.884 GWh, trong khi dầu đóng góp 2.519 GWh.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/philippines-ban-hanh-luat-phat-trien-ha-nguon-cong-nghiep-khi-dot-723298.html
Zalo